Cần giảm quy định mang tính hành chính, về trình tự, thủ tục
Tại phiên họp toàn thể chiều 29.11, một số ý kiến ghi nhận, tại dự thảo Luật có hai tiến bộ rất lớn, đó là bỏ tất cả những điều liên quan đến quản trị doanh nghiệp; đã đưa ra nguyên tắc xác định rất rõ tiền vốn của Nhà nước sau khi đã đầu tư vào doanh nghiệp thì trở thành tiền vốn của doanh nghiệp, để không nhầm lẫn với vốn nhà nước. Nhưng, các ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Luật này vẫn còn có nhiều việc phải làm để tạo nền tảng cơ sở vững chắc để các doanh nghiệp nhà nước cất cánh.
Trong đó, theo ĐBQH Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang), dự thảo Luật còn những quy định chưa thực sự “cởi trói” cho doanh nghiệp Nhà nước, còn hạn chế quyền tự chủ, cạnh tranh bình đẳng của những doanh nghiệp này. Trong đó, đại biểu băn khoăn, khi dự thảo Luật quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn là cấp phê duyệt. “Việc này sẽ hạn chế quyền chủ động, sáng tạo trong định hướng và triển khai các giải pháp kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thủ tục hành chính không cần thiết khiến doanh nghiệp có thể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Hiện nay Luật Doanh nghiệp, Luật Các tổ chức tín dụng đang giao nội dung này cho doanh nghiệp quyết định”, đại biểu lưu ý.
Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Việt Hà đề nghị, chỉnh sửa lại nội dung này theo hướng giao quyền chủ động cho doanh nghiệp tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, nhà nước thực hiện quyền quản lý đối với nội dung này thông qua việc giao các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu cho doanh nghiệp như tốc độ tăng trưởng, lợi nhuận, nghĩa vụ nộp ngân sách…
Cùng quan điểm này, các ĐBQH Phan Đức Hiếu (Thái Bình), Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Nguyễn Hải Nam (Thừa Thiên Huế)… đề nghị, phải rà soát lại toàn bộ để giảm tỷ lệ các quy định mang tính chất hành chính, trình tự, thủ tục trong luật này để giảm bớt, qua đó cởi trói và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp nhà nước phát triển. Đồng thời, phát huy kinh nghiệm tốt từ xây dựng, ban hành Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp, đó là hạn chế việc quy định cứng một khung pháp luật chung cho mọi loại hình doanh nghiệp nhà nước không phân biệt quy mô đầu tư, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.
Thực tế, với xu hướng tiếp tục thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần chi phối hoặc nắm giữ, chỉ tập trung vào các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo, thiết yếu, gắn với an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội, lĩnh vực mà doanh nghiệp ngoài Nhà nước không làm, ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) cho rằng, tại dự thảo Luật cần có sự phân định, có quy định khác nhau về thẩm quyền, cách thức quản lý đối với các nhóm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, có vị trí then chốt trong nền kinh tế, doanh nghiệp quản lý hạ tầng quan trọng quốc gia, phù hợp với định hướng phát triển theo quy hoạch của quốc gia đã được phê duyệt.
“Hiện nay, các quy định tại dự thảo Luật đang đồng nhất về cách thức, mô hình quản lý đầu tư vốn đối với tất cả các doanh nghiệp nhà nước, không có sự phân biệt, dù trên thực tế, mức độ quan trọng, phức tạp theo ngành nghề của các doanh nghiệp nhà nước rất khác nhau, nhất là về quy mô vốn và trình độ về khoa học - công nghệ. Thực tế, có những doanh nghiệp tổng vốn tài sản nhà nước chỉ khoảng 5.000 tỷ đồng, nhưng bên cạnh đó có những doanh nghiệp vốn và tài sản lên tới khoảng 500.000 - 600.000 tỷ đồng”, đại biểu nêu rõ.
Cơ quan đại diện chủ sở hữu quản lý đến đâu là hợp lý?
Một nội dung liên quan mật thiết đến việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước phát triển là quy định về cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp. Tại Điều 40 của dự thảo Luật quy định có 5 dạng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể được giao là chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, các tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số các tổ chức, cá nhân khác.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, về hình thức, đây là các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động mang tính hành chính trong bộ máy chính trị. Do vậy, dù Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập từ năm 2018 nhằm tách bạch chức năng cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động của các cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước vẫn mang tính chất hành chính, cơ cấu tổ chức theo ngành, lĩnh vực mà chưa gắn với quản lý theo chuyên môn điều hành doanh nghiệp về tài chính, đầu tư, kế hoạch, kế toán, kiểm toán, mô hình quản trị, kiểm tra, giám sát, quản trị rủi ro hay quan hệ với công chúng.
“Việc lựa chọn mô hình cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước là căn cứ quan trọng để quyết định xây dựng cơ chế về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan này với việc quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Nhấn mạnh yêu cầu này, đại biểu cho rằng, trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và những yếu tố riêng của Việt Nam, cần xác định rõ mô hình của cơ quan này là cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước hay là một dạng quỹ đầu tư của Chính phủ để từ đó xác định quyền và trách nhiệm cho phù hợp, hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo đại biểu, cũng cần xem xét hợp nhất các cơ quan chủ sở hữu thành một đầu mối thống nhất, trừ trường hợp các doanh nghiệp công ích và các doanh nghiệp có tính chất đặc thù về quốc phòng, an ninh để tránh sự phân tán và thiếu đồng nhất trong quản lý, điều hành, gia tăng tính chuyên nghiệp, chuyên môn sâu và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan chủ sở hữu.
Đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh, với tư cách là cổ đông trong doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử người, hoặc là thuê người để đại diện, để thực hiện quyền cổ đông trong doanh nghiệp. Do vậy, tại dự thảo Luật cần quy định rõ cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ giao nhiệm vụ cho người đại diện thông qua các chỉ tiêu kế hoạch mà doanh nghiệp phải thực hiện, chứ không xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp. “Mức độ thực hiện các nhiệm vụ kế hoạch được cơ quan đại diện chủ sở hữu giao cũng chính là các chỉ tiêu để đánh giá, phân loại doanh nghiệp và đánh giá người đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp”, đại biểu lưu ý.
Thực tế cho thấy, để thực hiện các nhiệm vụ được giao, người đại diện chủ sở hữu phải được toàn quyền trong việc tổ chức bộ máy, bố trí những người phù hợp nhất với các vị trí quản trị của doanh nghiệp. Và, để bảo đảm tiền vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp được quản lý, sử dụng đúng mục đích, phòng ngừa rủi ro, thì cơ quan đại diện chủ sở hữu phải cử bộ phận giám sát, độc lập để giám sát các hoạt động của doanh nghiệp và người đại diện chủ sở hữu.
Với những lý do nêu trên, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, quy định về công tác nhân sự ở Điều 13 của dự thảo Luật chỉ quy định các yêu cầu, nguyên tắc cử người đại diện và bộ phận giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu. Việc bổ nhiệm các vị trí quản lý khác trong bộ máy quản lý của doanh nghiệp phải do người được cử đại diện chủ sở hữu toàn quyền lựa chọn và quyết định theo các tiêu chuẩn cán bộ quản lý doanh nghiệp do Chính phủ quy định.
Báo cáo giải trình, làm rõ hơn về những vấn đề được các đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tán thành việc cắt giảm quy định mang tính hành chính, về trình tự, thủ tục với doanh nghiệp Nhà nước. Trong đó, đối với việc xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng khẳng định, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để quy định cụ thể các nội dung trong chiến lược, kế hoạch của doanh nghiệp cần báo cáo với cơ quan đại diện quyền sở hữu. “Nếu đã quy định báo cáo chiến lược, kế hoạch thì phải rất gọn, rất cụ thể để tránh lại tạo ra những rào cản khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về người đại diện vốn tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, do quy định tại dự thảo Luật đã mở hơn nên người đại diện vốn tại doanh nghiệp trên thực tế sẽ là lãnh đạo của những doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước, sẽ quyết định việc doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hay không. Do vậy, Bộ trưởng tán thành với các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và cam kết sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định liên quan tại dự thảo Luật để có cơ chế quản lý, đánh giá gắn với chế độ đãi ngộ với những cá nhân này.
“Chúng ta đưa ra cơ chế đánh giá rất khắt khe, người ta làm việc rất vất vả nhưng tiền lương, tiền thưởng lại bảo phải theo thang bậc thì không bao giờ có được người tài. Người tài cũng không bao giờ làm hết trách nhiệm của mình. Tương tự, quản lý đánh giá phải rất khách quan, minh bạch. Nếu làm tốt thì lương thế nào, thưởng thế nào, nếu vượt lợi nhuận đặt ra thì mức lương, thưởng có được tăng lên hay không? Nếu không làm tốt thì mức độ nào là cảnh báo và mức độ nào là sa thải, mình dùng từ sa thải thì mới sòng phẳng”. Nhấn mạnh những yêu cầu này, Bộ trưởng cũng cho rằng, người đại diện vốn chủ sở hữu tại doanh nghiệp cần có đầy đủ thẩm quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo.