Phải có sách giáo khoa tốt nhất cho chương trình mới

- Thứ Tư, 18/09/2019, 17:35 - Chia sẻ
Theo TS. Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Tiểu học, để có các bộ sách giáo khoa đưa vào chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT và Hội đồng thẩm định sách giáo khoa mới sẽ tiếp tục giúp các tác giả lọc ra những điểm chưa đạt để chỉnh sửa cho tốt hơn và cuối cùng người học sẽ được học những sách giáo khoa tốt nhất.

- Thưa ông, về việc Hội đồng thẩm định sách giáo khoa quốc gia đã loại bộ sách giáo khoa “Công nghệ giáo dục” của GS Hồ Ngọc Đại do không đáp ứng 13 tiêu chí và 4 tiêu chuẩn theo Thông tư 33/2017. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Sách giáo khoa là một tài liệu giáo dục cụ thể hóa chương trình mới, cần đáp ứng những yêu cầu về chuyên môn và rất nghiêm ngặt về chất lượng. Việc thẩm định SGK sắp tới nhằm bảo đảm tất cả SGK được đưa vào nhà trường đều đạt chuẩn về chất lượng. Vì vậy, đây là một khâu quan trọng của quá trình triển khai thực hiện chương trình mới. Tôi xin khẳng định, Hội đồng thẩm định được thành lập trên 1 quy trình chặt chẽ có giáo viên, nhà quản lý, nhà khoa học chuyên sâu, miền Nam có, miền Trung có, miền Bắc có, vùng khó khăn có. Có 15 ngày để hội đồng tiếp cận và 7 ngày để các thành viên hội đồng thảo luận với nhau. Việc thẩm định được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, khách quan trên tinh thần giúp tác giả lọc ra những điểm chưa đạt để tác giả chỉnh sửa cho tốt hơn và cuối cùng là người học sẽ được học những sách giáo khoa tốt nhất.


Tài liệu của GS Hồ Ngọc Đại triển khai qua nhiều giai đoạn lịch sử của ngành giáo dục. Tài liệu ưu điểm có, nhược điểm có. Những chi tiết mà hội đồng chỉ ra, có những lỗi mang tính chất tư vấn để làm tốt hơn, phù hợp hơn nhưng cũng có những lỗi tiên quyết vì không đúng quy định chứ không phải nhược điểm hay điểm xấu. Do đó, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta điều chỉnh lại cách tiếp cận, cách thể hiện thì sẽ phù hợp hơn...

- Tuy vậy, bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại đã được triển khai rộng rãi và có những kết quả nhất định. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, việc áp dụng các tiêu chí theo Thông tư 33/2017 để loại bộ sách của GS Hồ Ngọc Đại là chưa linh hoạt, Bộ GD-ĐT cần phải điều chỉnh Thông tư 33. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

- Việc thẩm định sách giáo khoa là hoạt động cụ thể hóa từ Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và xuất phát từ chỉ đạo cao nhất là Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Từ Nghị quyết 88, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 404/QĐ-TTg phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong các văn bản nói trên đã khẳng định sách giáo khoa theo chương trình giáo dục mới phải đáp ứng những yêu cầu rõ ràng. Trong luật cũng nói rất rõ về trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia và trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo phân công các tổ chức thực hiện. Do đó, mọi quyết định của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đối với sách giáo khoa là đang thực hiện đúng luật. Cụ thể, khi thực hiện các nội dung đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, ban hành Thông tư 33 năm 2017 và Thông tư 32 năm 2018.

Hai thông tư này Bộ đã ban hành và đa số tác giả viết sách đã nghiên cứu kĩ. Cho tới thời điểm Bộ GD-ĐT thông báo, có 3 nhà xuất bản gửi lên 5 bộ bản thảo sách giáo khoa đến Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Tuy nhiên, qua chấm thẩm định vòng 1, có nhiều bản thảo bị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đánh giá là không đạt, không phải riêng sách Toán và Tiếng Việt lớp 1 của GS. Hồ Ngọc Đại.


Chúng ta cần thống nhất quan điểm là khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cách tiếp cận theo Nghị quyết 88 và các chỉ đạo của Chính phủ đã nói xây dựng chương trình tiếp cận theo sự phát triển. Vậy có 1 sự thay đổi về cách tiếp cận nội dung, thì cần sự thay đổi về cách thức tổ chức các phương pháp.

- Vậy để các địa phương lựa chọn được những bộ sách giáo khoa chất lượng nhất, tốt nhất, kịp tiến độ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD-ĐT đã có những chuẩn bị ra sao?

- Về chuẩn bị tài liệu sách giáo khoa, chúng ta đã thấy  đây là việc làm rất lớn. Theo kế hoạch, trước ngày 30.10, Bộ trưởng sẽ công bố kết quả thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Song song với đó, bộ đang lấy ý kiến thông tư quy định, hướng dẫn các địa phương lựa chọn sách giáo khoa theo đúng quy định.  Thông tư này dự kiến ban hành trong tháng 12.2019. Từ đó, địa phương thực hiện chức năng nhiệm vụ lựa chọn sách giáo khoa.

Thực hiện theo Luật Giáo dục 2019, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến ban hành thông tư, quy định về hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa theo các địa phương. Bộ sẽ hướng dẫn, giám sát và chỉ đạo địa phương thực hiện khi lựa chọn sách giáo khoa đã công bố tại các địa phương đúng quy định đến học sinh. Các văn bản hướng dẫn cũng có các cụm chuyên môn liên quan hướng dẫn. Ví dụ: Giáo dục tiểu học có văn  bản hướng dẫn nội dung chương trình tại các địa phương, văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học ngay ở chương trình lớp 1…  Các văn bản liên quan đến các môn học có yếu tố mới như môn học trải nghiệm cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn sớm 1 bước để các thầy cô giáo trải nghiệm.

Thêm vào đó, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, chấn chỉnh đối với  các địa phương còn lúng túng, hay trong qua trình triển khai cần hướng dẫn thêm. Hiện nay, các địa phương đều đã thành lập ban chỉ đạo ban hành các kế hoạch triển khai cụ thể. Sắp tới Bộ sẽ tổ chức sơ kết việc chỉ đạo, chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới tại các địa phương.

Theo Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phạm Tất Thắng, một bộ sách giáo khoa tốt phải đáp ứng được 4 yêu cầu: Thứ nhất, phải thể hiện đúng chương trình. Thứ hai, phải có chất lượng tốt, thể hiện ở lựa chọn minh hoạ kiến thức đã được lựa chọn trong chương trình, hình thức thể hiện phải tốt. Thứ ba, dễ sử dụng với cả người dạy, người học, phụ huynh học sinh. Cuối cùng, giá thành của sách giáo khoa cũng cần phù hợp với mức độ chi tiêu của đại đa số gia đình học sinh.

Ông Thắng cũng cho biết thêm, dự kiến năm 2020, năm đầu tiên thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, TN, TN và NĐ sẽ đưa nội dung thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới vào hoạt động giám sát.

Khải Minh ghi