Phải có kịch bản ứng phó thiên tai trong bối cảnh Covid

- Thứ Bảy, 05/06/2021, 06:55 - Chia sẻ
Trong điều kiện chống dịch Covid-19, nếu xảy ra bão lụt thì ứng phó như thế nào? Tại hội nghị toàn quốc về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngày 4.6, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương phải chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó cho tình huống này khi dự kiến 5 - 7 cơn bão đổ bộ vào nước ta trong năm nay.

Thiệt hại 40 nghìn tỷ đồng vì thiên tai

Năm 2020, song song với đại dịch Covid-19, thiên tai diễn ra dồn dập và đặc biệt khốc liệt, vượt mức lịch sử ở nhiều vùng miền trong cả nước. Cụ thể, đã xảy ra 16/22 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và một áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển. Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỷ đồng.

	Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ NN-PTNT Ảnh: TT
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Bộ NN-PTNT
Ảnh: TT

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai trong năm qua được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cấp, ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế. Nhờ đó, giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân.

Tuy nhiên, ông Hoài cho biết thông tin dự báo, cảnh báo về lũ quét, sạt lở đất hiện còn rất khó khăn. Công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó, chỉ huy cứu nạn từ Trung ương đến các địa phương thiếu cơ sở dữ liệu, thiếu trang thiết bị chuyên dùng. Việc ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và tái thiết sau thiên tai triển khai còn chậm. Hoạt động quyên góp cứu trợ tự phát gây dư luận trái chiều và sự quan tâm giải quyết các vấn đề sau thiên tai còn hạn chế.

An toàn của người dân là thước đo hiệu quả

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12 - 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Dưới góc độ địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn đề xuất cần có cơ chế hỗ trợ cho những hộ trong vùng có nguy cơ thiên tai di chuyển đến nơi ở mới an toàn theo hình thức xen kẽ, từ đó ổn định dân cư và di dân. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang kiến nghị, Chính phủ cần triển khai sớm bản đồ cảnh báo, bố trí nguồn lực để di dời người dân từ những vùng nguy cơ sạt lở đất, lũ quét… đến nơi an toàn, từ đó giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết công tác dự báo ảnh hưởng thiên tai vẫn trên phạm vi vùng và toàn tỉnh, chưa đi vào các khu vực cụ thể dẫn tới tình trạng chuẩn bị sẵn sàng nhưng tình huống lại không xảy ra, làm ảnh hưởng tâm lý của người dân, trong khi tỉnh có nhiều tiểu vùng và ảnh hưởng của thiên tai khác nhau. Do đó, Trung ương cần có giải pháp hỗ trợ cảnh báo tới từng tiểu vùng; có cơ chế để thông tin vận hành lũ từ Trung Quốc kịp thời đến với người dân trước khi xả lũ. Trung ương cũng cần quan tâm đánh giá sạt lở, sạt lún tại trung tâm huyện Xí Mần, huyện Mèo Vạc để bảo đảm đời sống cho người dân.

 Ghi nhận kiến nghị của các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới cần phải được quan tâm toàn diện hơn. Đặc biệt trong điều kiện đang phòng, chống dịch Covid-19 mà xảy ra bão lụt thì ứng phó như thế nào? “Các địa phương phải chủ động chuẩn bị kịch bản ứng phó cho tình huống này khi năm nay nước ta dự kiến phải hứng chịu 5 - 7 cơn bão vào đất liền. Phải quyết tâm thật cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại, phải đặt nhiệm vụ bảo vệ tài sản, tính mạng của người dân lên hàng đầu và tuyệt đối không được chủ quan”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đối với các cơ quan trung ương, Phó Thủ tướng cho rằng cần tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác. Cùng với đó, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát. Các lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương tới địa phương tiếp tục tăng cường trang thiết bị. Ưu tiên bố trí ngân sách, tập trung xử lý dứt điểm các công trình trọng điểm về đê điều, nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng bản đồ phân bổ dân cư ở các khu vực có nguy cơ. Từng bước chuyển đổi nghề cho người dân ở các khu vực nguy hiểm.

Đối với tình huống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cụ thể, phải theo dõi thật chặt chẽ diễn biến, dự báo đúng tình hình, chỉ đạo ứng phó thật kịp thời; khắc phục khẩn trương, có hiệu quả với mục tiêu giảm thiệt hại về người và “lấy sự an toàn của người dân làm thước đo cho kết quả hoạt động của phòng, chống thiên tai”.

Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng nêu rõ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ vai trò cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, chịu trách nhiệm điều phối chung. Cục Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn giữ vai trò tham mưu để điều động lực lượng, phương tiện, trong đó xác định lực lượng quân đội là lực lượng chủ công tuyến đầu khi có tình huống xảy ra. Bộ Công an sẵn sàng huy động lực lượng tham gia ứng phó. Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác. Các Bộ: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Công thương, Y tế, Thông tin và Truyền thông và các bộ, ban, ngành, Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, sẵn sàng các kịch bản để kịp thời ứng phó. Mặt khác, các địa phương giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định trong tổ chức phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; tiếp tục phát huy tối đa phương châm “4 tại chỗ”, từ đó ứng phó thiên tai kịp thời, hiệu quả. 

T. T