Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi):

Phải có cơ sở chắc chắn khi sửa đổi

- Thứ Hai, 28/10/2019, 07:56 - Chia sẻ
Luật Đầu tư sẽ được trình QH cho ý kiến sửa đổi toàn diện tại kỳ họp này thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều như Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH đã quyết định. Dù mở rộng phạm vi sửa đổi như vậy, song báo cáo đánh giá tác động các chính sách trong dự thảo Luật lại được đánh giá là chưa kỹ lưỡng, chưa khách quan. Phương án nào được Chính phủ chọn thì đều đánh giá rất tích cực, còn ngược lại đều bị đánh giá tiêu cực, thậm chí, một số quy định không phù hợp về thẩm quyền…

Đánh giá tác động còn sơ sài

Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) được trình QH tại kỳ họp này có phạm vi sửa đổi rộng hơn so với đề xuất ban đầu, khi sửa đổi tới 36 điều, bổ sung 4 điều và bãi bỏ 2 điều của Luật hiện hành. Song Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận thấy, một số nội dung của luật hiện hành được tổng kết sơ sài, thậm chí báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự thảo Luật chưa có chữ ký. “Trong báo cáo đánh giá tác động nói mặt tích cực rất nhiều, phương án nào Chính phủ chọn được đánh giá rất tích cực, còn phương án nào không chọn được đánh giá tiêu cực”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp chỉ rõ.


Ủ y viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 38 của UBTVQH
Ảnh: Quang Khánh

Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) có liên quan nhiều đến quyền và nghĩa vụ công dân, liên quan đến hoạt động đầu tư của người nước ngoài, môi trường đầu tư của đất nước. Do vậy, cần được quy định cụ thể về vấn đề cấm kinh doanh, vấn đề hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện. Không nên để việc nhiều nội dung về ưu đãi đầu tư đã được cụ thể hóa trong luật hiện hành nay lại giao Chính phủ hướng dẫn, vì có thể dẫn tới không ổn định, thậm chí có thể dễ thay đổi ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, chú ý đánh giá tác động kỹ càng, rà soát từng quy định về bãi bỏ 12 ngành nghề, sửa đổi 19 ngành nghề, bổ sung 6 ngành nghề tại dự án Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển 

Vì sự tổng kết thực hiện sơ sài và chưa “chắc tay” khi đánh giá tác động của chính sách nên đề xuất bổ sung dịch vụ đòi nợ vào ngành nghề cấm kinh doanh của Chính phủ đã gây ra nhiều băn khoăn. Theo phân tích của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, báo cáo tổng kết về thực hiện dịch vụ này chỉ có khoảng chục dòng, phản ánh hiện tượng kinh doanh dịch vụ đòi nợ không đúng với khuôn khổ, xảy ra một số vụ việc phức tạp trong thời gian qua. Nhưng báo cáo tổng kết lại “quên” không xác định các điều kiện được kinh doanh với dịch vụ này tại Nghị định của Chính phủ đã phù hợp chưa? Điều kiện kinh doanh chưa phù hợp có là nguyên nhân làm xảy ra một số vụ án, thậm chí một số trường hợp dùng xã hội đen đi đòi nợ hay không? Do tổng kết chưa kỹ càng, nên chưa đủ cơ sở để chuyển sang cấm kinh doanh với dịch vụ này. Nêu quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý, một hoạt động kinh doanh đang từ “có điều kiện” trong Luật hiện hành chuyển sang “cấm” khi sửa đổi Luật thì phải tổng kết kỹ càng. Trước khi xác định có đưa vào lĩnh vực cấm kinh doanh hay không, cần xem lại nội dung kiến nghị cụ thể của một số địa phương; đánh giá một số vụ việc phức tạp có thể dẫn đến án thời gian qua, và tiến hành đánh giá tổng thể trên cả nước.

Thẩm tra về nội dung này, Ủy ban Kinh tế cũng nêu rõ, việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật, Ủy ban Kinh tế cho rằng, không nên cấm thực hiện. Thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Tránh vượt thẩm quyền

Trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), Chính phủ cũng đề xuất thu hẹp một số ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư để bảo đảm thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị bổ sung cơ chế cho phép Chính phủ quyết định ưu đãi đầu tư cao hơn để khuyến khích phát triển một ngành, địa bàn đặc biệt hoặc dự án đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Căn cứ mục tiêu, yêu cầu thu hút đầu tư trong từng thời kỳ và thông lệ quốc tế, Chính phủ sẽ được áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới và chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế này.

Chủ trì thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế chỉ rõ, theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, QH mới là cơ quan có thẩm quyền ban hành nghị quyết thí điểm với các điều kiện cụ thể. Vì thế, cơ quan soạn thảo cần làm rõ về phạm vi thí điểm của Chính phủ để tránh vượt quá thẩm quyền quyết định; chỉnh lý lại cụ thể, chặt chẽ hơn nội dung tại Khoản 4 Điều 19 dự thảo Luật về phạm vi, điều kiện, thủ tục ban hành văn bản thí điểm để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Quy định này cũng được Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị, cân nhắc thận trọng, vì những ưu đãi đầu tư đang áp dụng hiện nay (đất đai, thuế) đã được Hiến pháp năm 2013 quy định chỉ QH mới có quyền bãi bỏ hoặc quy định thêm chính sách mới. Bên cạnh đó, việc Chính phủ đề xuất bổ sung hình thức hỗ trợ vốn đầu tư từ ngân sách (Điểm d, h, Khoản 1, Điều 20) cũng được cho là chưa thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành, có thể ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết gia nhập WTO, các hiệp định thương mại tự do mà nước ta đã ký kết. “Nếu không cẩn thận ta đưa vào như thế này là công nhận sự hỗ trợ, không bảo đảm đúng tinh thần của kinh tế thị trường. Với sự hỗ trợ các doanh nghiệp như vậy, người ta sẽ có cớ để áp thuế chống bán phá giá”, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển chỉ rõ.

Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) trình QH tại Kỳ họp này đã có những sửa đổi, bổ sung giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư, cũng như cắt giảm chi phí và thủ tục hành chính trong các hoạt động này. Nhưng với những ví dụ nêu trên, Chính phủ phải tiếp tục rà soát lại phạm vi điều chỉnh, kể cả những vấn đề bổ sung hay đề xuất bãi bỏ, nhằm tránh tạo tác động không tốt đến tình hình đầu tư, cũng như làm phức tạp hóa và tạo nên những xung đột mới trong hệ thống pháp luật.

Thanh Hải