Phải có bước tiến rõ rệt để QH thực hiện đầy đủ và thực chất quyền lực của mình

B. Long thực hiện 16/06/2014 08:32

Sáng nay, 16.6, QH thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi) – dự luật được kỳ vọng sẽ đặt nền tảng pháp lý cho việc xây dựng một QH thực sự mạnh mẽ và chuyên nghiệp. Trao đổi với PV Báo ĐBND, PHÓ TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH THANH HÓA LÊ NAM cho rằng, sửa đổi Luật lần này phải có bước tiến rõ rệt để QH thực hiện được đầy đủ và thực chất quyền lực của mình; cần tăng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên cao hơn nữa vì điều này chỉ có lợi cho Dân, cho Đảng; đồng thời, nên xem xét, tính toán kỹ hơn về vị trí của Báo ĐBND để Báo ĐBND thực sự là Tiếng nói của QH, Diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri.

Phải có bước tiến rõ rệt để QH thực hiện được đầy đủ và thực chất quyền lực của mình

- Nguyên lý một QH chuyên nghiệp và thực quyền sẽ làm cho hệ thống chính trị mạnh lên, dân chủ hơn và minh bạch hơn. Có lẽ vì thế mà dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi) trình QH cho ý kiến tại Kỳ họp lần này thu hút sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của ĐBQH và cử tri, thưa Phó trưởng Đoàn?

- Luật Tổ chức QH là một trong những đạo luật quan trọng nhất về tổ chức bộ máy nhà nước được QH quyết định sửa đổi ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 có hiệu lực thi hành. Qua tiếp xúc cử tri và qua thảo luận tại Tổ về dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi), tôi thấy đồng bào cử tri và các ĐBQH đều rất quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng vào lần sửa đổi này. Kỳ vọng lớn nhất là, chúng ta phải đặt nền tảng pháp lý cho việc xây dựng một QH thực sự mạnh mẽ, chuyên nghiệp và thực quyền. Nói như vậy, không có nghĩa là QH hiện nay chưa chuyên nghiệp, chưa thực quyền. Trong những nhiệm kỳ vừa qua, trên nền tảng pháp lý của Luật Tổ chức QH hiện hành, QH chúng ta đã luôn nỗ lực đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình trên tất cả các lĩnh vực. QH đã từng bước đạt đến sự chuyên nghiệp và thực quyền. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của đất nước, yêu cầu, đòi hỏi đối với QH ngày càng lớn hơn. Và sửa đổi Luật lần này, phải đánh giá sâu sắc những đòi hỏi đó để chúng ta chuẩn bị một điều kiện, một nền tảng tốt nhất cho QH để QH đáp ứng được những đòi hỏi đó.

- Vậy theo Phó trưởng Đoàn, dự thảo Luật lần này đã đáp ứng được kỳ vọng đó hay chưa?

- Nhìn chung, dự thảo Luật Tổ chức QH (sửa đổi) đã được chỉnh sửa khá toàn diện, rất nhiều quy định, điều khoản được sửa đổi, bổ sung. Tôi đánh giá cao điều này. Tuy nhiên, cá nhân tôi chờ đợi ở dự thảo Luật này một tinh thần đổi mới mạnh mẽ hơn, đột phá hơn. Ví dụ, sửa đổi luật này muốn làm cho QH mạnh lên, chuyên nghiệp hơn, thực quyền hơn thì trước hết phải giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Để QH có đủ năng lực, đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ mà nhân dân đã trao cho QH, Hiến pháp đã trao cho QH thì ĐBQH, các cơ quan của QH phải mạnh; cơ chế làm việc của ĐBQH, các cơ quan của QH phải chuyên nghiệp. Tôi cho rằng, các vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn trong quá trình sửa đổi Luật.

Thực quyền của QH cụ thể là gì? Là quyền về nhân sự và quyền về tài chính – ngân sách. Đây là hai lĩnh vực thể hiện tập trung nhất quyền lực của QH. Ví dụ, về công tác cán bộ. Có lần, tôi đã phát biểu trước QH, Đảng lãnh đạo công tác cán bộ là đúng. Chúng ta luôn luôn phải quán triệt và nắm vững nguyên tắc ấy. Nhưng QH làm công tác nhân sự, ví dụ bầu Thủ tướng Chính phủ thì có nên chỉ đưa ra một ứng cử viên để bầu hay không? Tôi cho rằng, đưa ra 1 người để bầu Thủ tướng là chưa hay, chưa thấy vai trò của QH. Bầu cử như thế thì chưa có cạnh tranh, chưa bật hết ra được ưu nhược điểm của từng người để QH có sự so sánh, lựa chọn. Chúng ta cứ ngại khi nói đến chữ cạnh tranh nhưng tôi cho rằng, tính cạnh tranh rất tuyệt vời, có nó thì mới sinh ra bầu cử và tự nó sẽ làm cho kết quả bầu cử dân chủ hơn, từ đó, góp phần làm cho cơ chế bộ máy vận hành một cách đúng đắn, hiệu quả hơn. Vẫn là Đảng lựa chọn trong số các đảng viên ưu tú, có đủ năng lực, phẩm chất để QH xem xét, quyết định. Chúng ta tin vào bộ lọc của Đảng. Nhưng Đảng lọc ra 2 đến 3 người, rồi 2 đến 3 người này tiếp tục đi qua bộ lọc của QH nữa thì chắc chắn, người được chọn sẽ càng tinh khiết, tuyệt vời hơn.

Hay về ngân sách Nhà nước, thực tế không thể phủ nhận đây là lĩnh vực khó, phức tạp, mang tính chuyên môn rất cao và trong số 500 ĐBQH thì không phải đại biểu nào cũng hiểu chính xác và kỹ càng được. Cá nhân tôi cũng vậy thôi. Chúng ta thấy vừa qua, ví dụ như ở Mỹ chẳng hạn, Chính phủ Mỹ phải đóng cửa vì chưa nhận được phê chuẩn ngân sách của QH. Cơ chế của ta khác, không đến mức Chính phủ phải ngừng hoạt động, nhưng rõ ràng, việc quyết định ngân sách của QH vừa qua cũng có lúc chưa thực sự thể hiện rõ vai trò, quyền lực của QH. Ví dụ, tại Kỳ họp này, QH thảo luận về quyết toán ngân sách năm 2012, trong các khoản chi tiêu lớn của quốc gia thì trình tự thủ tục không chê vào đâu được, đầy đủ hết, không thiếu cái gì. Nhưng những vấn đề đằng sau đó để đi đến nội dung chi như vậy thì không phải ĐBQH nào cũng nắm bắt hết, hiểu biết sâu sắc được hết. Khi nào chúng ta chưa đủ sức hiểu hết những nội dung của các khoản chi lớn đó thì chưa thể nói rằng chúng ta có đầy đủ thực quyền được. Và như vậy, tức là, chúng ta cũng chưa làm tròn nhiệm vụ mà nhân dân giao cho mình.

Vì thế, cử tri và các ĐBQH đều đặt kỳ vọng vào sửa đổi Luật lần này. Tôi nghĩ rằng, chúng ta phải có bước tiến rõ rệt để QH thực hiện được đầy đủ và thực chất quyền lực của mình.

Tăng ĐBQH chuyên trách chỉ có lợi cho Dân, cho Đảng

- Sửa đổi Luật lần này, tư tưởng được Chủ tịch QH, UBTVQH nhấn đi nhấn lại là phải lấy ĐBQH làm trung tâm hoạt động của QH. Nhìn từ tư tưởng này thì cần cụ thể hóa như thế nào để đạt được bước tiến rõ rệt như Phó trưởng Đoàn vừa đề cập?

- Lấy ĐBQH làm trung tâm hoạt động của QH là tư tưởng mới theo đúng tinh thần của Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Tư tưởng này phải được xem là kim chỉ nam trong thiết kế các quy định của Luật Tổ chức QH sửa đổi.

Trước hết, về tỷ lệ ĐBQH chuyên trách. Tôi đề nghị, phải tăng ĐBQH chuyên trách lên cao hơn nữa. Các ĐBQH kiêm nhiệm thì trên trời dưới bể có biết bao nhiêu việc chuyên môn họ phải làm, lo hết việc chuyên môn cũng đã mệt mỏi rồi, làm sao tập trung lo chuyện của QH được nữa? Hiện nay, dự thảo Luật quy định tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách lên 35%. Thảo luận tổ có đại biểu đề nghị phải phấn đấu tăng lên 50%. Nhưng tại sao phải phấn đấu đến mức này, mức kia trong khi đây là việc trong tầm tay của chúng ta? Tăng đại biểu chuyên trách đâu có đòi hỏi phải đầu tư gì to lớn, tốn kém đâu? Cái quan trọng là chúng ta có dám đổi mới hay không? Bây giờ cứ bàn 30%, 50% thì tôi nghĩ trong tư tưởng của chúng ta vẫn còn dè dặt lắm. Tôi tin rằng, nếu QH có nhiều đại biểu chuyên trách hơn, có điều kiện chuyên tâm nghiên cứu sâu hơn về ngân sách, lập pháp, sâu hơn về những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của QH thì chỉ có lợi hơn cho Dân, cho Đảng.

Thứ hai là cơ chế lựa chọn ĐBQH. Tôi nghĩ, nên thực sự để dân lựa chọn. Phải đổi mới cách ứng cử, bầu cử ĐBQH. Lâu nay chúng ta chú trọng đến việc bảo đảm cho đủ cơ cấu, đủ thành phần nên chất lượng đại biểu còn có mặt hạn chế. Tôi nói thực, có những đại biểu vào QH cũng rất cực cho họ vì phải gánh quá nhiều cơ cấu.

Thứ ba là cơ chế hoạt động của ĐBQH để đại biểu chủ động phát huy được hết khả năng, năng lực của mình trong hoạt động QH, kể cả ĐBQH chuyên trách và ĐBQH kiêm nhiệm thì cũng phải tính cơ chế này. Tiếc là, trong dự thảo Luật, tôi thấy chưa có gì đột phá.

- Với một đại biểu hoạt động chuyên trách như Phó trưởng Đoàn thì Phó trưởng Đoàn mong muốn cơ chế đột phá đó như thế nào?

- Tôi nghĩ cần phải có yêu cầu nội dung công việc cho đại biểu. Hiện nay, chúng ta chưa có. Ví dụ, bây giờ, tôi yêu cầu một tháng anh phải tiếp xúc cử tri bao nhiêu lần và kèm theo đó là tôi có các điều kiện bảo đảm hợp lý cho anh. Chúng ta đừng có nặng nề việc tiếp xúc cử tri là phải trống dong, cờ mở, phải xe còi hú, phải treo biển này kia. Đó là việc bình thường mà một ĐBQH phải làm. Hoặc anh phải giám sát bao nhiêu lần trên địa bàn ứng cử; phải đóng góp ý kiến cho bao nhiêu văn bản, dự thảo luật, pháp lệnh... Phải có nội dung công việc cụ thể như vậy thì mới kiểm tra, đánh giá được ĐBQH có làm tốt công việc của mình hay không. Hiện nay, hoạt động của đại biểu đang tùy thuộc vào sự tự giác, trách nhiệm và niềm đam mê của từng người chứ chưa có gì thúc đẩy, ràng buộc đại biểu. Tôi cho rằng, ĐBQH cũng là một công chức ăn lương của dân, dân bầu ra đại biểu thì phải có cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của đại biểu đó có đáp ứng được yêu cầu, mong muốn của dân hay không, nếu không thì cũng có cơ chế xử lý như thế nào.

- Một công chức ăn lương của dân… có lẽ, nên xem đại biểu dân cử như một nghề, thưa Phó trưởng Đoàn?

- Tôi nghĩ nên như vậy. Thực ra, đến bây giờ, trong thang giá trị của xã hội thì làm ĐBQH là công việc rất tự hào. Không phải ai cũng có thể được đứng trên diễn đàn của QH để bàn những việc quốc kế dân sinh, những việc đại sự quốc gia. Tuy nhiên, trừ những ĐBQH hoạt động chuyên trách thì có lẽ, đa phần các đại biểu hiện nay vẫn coi hoạt động QH là nghề tay trái thôi.

Cách bầu cử, cơ chế bầu cử như vừa qua khó tạo được người hoạt động QH chuyên nghiệp. Ngay các ĐBQH chuyên trách ở địa phương thì phần lớn cũng được Đảng phân công ra ứng cử ĐBQH. Vì thế, có thể khóa này, tôi làm ĐBQH nhưng khóa sau, tôi lại được phân công nhiệm vụ khác. ĐBQH không phải là một nghề cho nên nói năng, phát biểu của đại biểu nhiều khi cũng phải chừng mực. Trong khi đó, điều kiện hoạt động của QH cũng không có sức hút gì ghê gớm. Có câu thơ của một ĐBQH lão thành mà tôi rất thích là, nước rau hòa muối chấm rau, ai về QH với nhau thì về. Tôi là Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, nếu nói hàm thì ngang với các Ủy viên thường vụ Tỉnh ủy, ngang với các Phó chủ tịch tỉnh. Sự so sánh nào cũng khập khễnh nhưng nếu hỏi cán bộ chủ chốt có bao nhiêu người muốn làm chuyên trách QH thì tôi tin cũng không nhiều. Như tôi cũng không bao giờ nghĩ mình sẽ sang QH. Đảng phân công, dân bầu thì tôi làm QH. Ngay trong đội ngũ cán bộ cũng còn có tâm tư tiến vi bộ, thoái vi ban, cơ nhỡ lang thang thì về QH... Tất nhiên, sang rồi thì thấy làm QH có nhiều niềm vui không thể đo đếm được nhưng nói như vậy để thấy rằng, cơ chế hiện nay đâu có thể tạo ra được những người có động lực, có sự thôi thúc và có kỹ năng để hoạt động QH một cách chuyên nghiệp? Những đại biểu hoạt động 3 đến 4 nhiệm kỳ, đủ tích lũy kinh nghiệm, kiến thức để trở nên chuyên nghiệp cũng không nhiều.

Đó là một thực tế mà chúng ta phải tính toán, phải cân nhắc kỹ lưỡng. ĐBQH là trung tâm hoạt động của QH thì ĐBQH phải mạnh, phải có đủ năng lực, trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị, phải vì Dân, vì Nước...

Nên xem xét, tính toán kỹ hơn về vị trí của Báo ĐBND để Báo ĐBND thực sự là Tiếng nói của QH, Diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri

- Về tổ chức QH, các cơ quan của QH, Phó trưởng Đoàn đánh giá như thế nào?

- Về cơ bản, tôi nghĩ tổ chức các cơ quan của QH như dự thảo Luật quy định là hợp lý. Vấn đề quan trọng là làm sao để Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH phát huy được sức mạnh, phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình thì có lẽ cũng cần tính thêm. Ví dụ, bây giờ, Hội đồng Dân tộc và mỗi Ủy ban của QH có khoảng 30, hơn 30 thành viên nhưng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban chủ yếu vẫn trông chờ vào Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban chứ thành viên kiêm nhiệm còn ít. Chúng ta cũng chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm nào giữa thành viên Ủy ban với Ủy ban cả. Tôi nghĩ, đây cũng là một trong những yếu tố làm giảm hiệu quả hoạt động của các Ủy ban của QH. Thảo luận tại Tổ, tôi thấy các ĐBQH cũng cơ bản nhất trí như vậy.

Riêng về Đoàn ĐBQH thì còn nhiều ý kiến khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng, nếu sửa đổi Luật lần này không phát huy được vai trò của Đoàn ĐBQH sẽ là một điều đáng tiếc.

Đoàn ĐBQH ở địa phương, ngoài những công việc được giao theo chức năng nhiệm vụ thì thực tế còn làm được rất nhiều việc. Đoàn ĐBQH vừa đồng hành với đảng bộ, nhân dân và chính quyền địa phương thúc đẩy các hoạt động của địa phương tốt hơn vừa là chủ thể quan trọng thể hiện hoạt động của QH, kết nối ĐBQH và thúc đẩy ĐBQH thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình. Nếu chúng ta làm cho Đoàn ĐBQH mạnh lên thì chắc chắn cũng sẽ làm cho QH mạnh hơn. Tiếc là quy định của dự thảo Luật về Đoàn ĐBQH không rõ.

- Vừa qua, một số ĐBQH đã đề cập đến Báo ĐBND và cho rằng, nên sửa đổi Luật Tổ chức QH lần này nên khẳng định Báo ĐBND là cơ quan ngôn luận của QH? Phó trưởng Đoàn có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

 - Tôi nghĩ, việc tờ báo của chúng ta như thế nào là do chúng ta. Tầm vóc và vị thế của Tờ báo như thế nào là do chúng ta. Theo Nghị quyết 816 của UBTVQH thì Báo ĐBND là Tiếng nói của QH, Diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri. Thực tế đã cho thấy vị thế quan trọng của tờ báo trong hoạt động của QH. Sửa đổi Luật lần này, chúng ta nên xem xét, tính toán kỹ hơn về vị trí của Tờ báo, có sự điều chỉnh phù hợp hơn để Báo ĐBND phát huy tốt hơn nữa vai trò là Tiếng nói của QH, Diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri, là cơ quan ngôn luận của QH.

- Xin cám ơn Phó trưởng Đoàn!

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phải có bước tiến rõ rệt để QH thực hiện đầy đủ và thực chất quyền lực của mình
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO