Ngày làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV:

Phải có bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, tường minh

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 12:25 - Chia sẻ
Thảo luận tại tổ sáng nay về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tại Tổ 3 nhấn mạnh yêu cầu phải có bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, tường minh làm cơ sở cho việc đánh giá, kiểm duyệt nội dung cũng như phát hành phim, đặc biệt là phát hành phim trên không gian mạng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp tổ
Ảnh: Lâm Hiển

Kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm

Tổ 3 gồm đại biểu Quốc hội ở Trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang) đánh giá cao Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). 

Liên quan đến vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng, ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho rằng, chế định kiểm duyệt phim có vai trò rất quan trọng trong hệ thống quy định pháp luật về điện ảnh trong thời kỳ đầu, hầu như các quốc gia đều dành “thời lượng” rất lớn để quy định về chế định kiểm duyệt phim. Một số nước vẫn duy trì các biện pháp kiểm duyệt mang tính quản lý hành chính rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, thậm chí giao hẳn cho cơ quan an ninh phụ trách (như ở các nước có xung đột về tôn giáo, dân tộc…). Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh thì chế định kiểm duyệt phim ngày càng có sự thay đổi. Vài thập niên trở lại đây hầu hết các nước đã chuyển sang kiểm duyệt phim trên cơ sở phân loại phim như cách tiếp cận của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này. Ngay cả những nước áp dụng chế định kiểm duyệt ngặt nghèo nhất về nội dung thì hiện cũng đã có xu hướng chuyển sang cơ chế phân loại.

Trong bối cảnh đó, theo ông Sỹ, quy định tại Điều 22 của dự thảo Luật quy định về trách nhiệm và trao quyền kiểm duyệt, phân loại phim cho các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng là phù hợp với thực tế nước ta hiện nay khi chúng ta chưa có đủ điều kiện về năng lực, bộ máy, hạ tầng kỹ thuật và đáp ứng yêu cầu về tiền kiểm phim quá lớn hiện nay. Tuy nhiên, việc hậu kiểm cũng tạo ra nguy cơ để lọt các bộ phim có tính chất vi phạm pháp luật hoặc không phù hợp với thuần phong mỹ tục của nước ta mà thời gian gần đây đã xuất hiện và bị dư luận xã hội phản ứng. Do đó, đại biểu tỉnh Sơn La đề nghị Nhà nước cần đề cao trách nhiệm và tăng cường năng lực quản lý, kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm một cách hợp lý, trong đó, hậu kiểm là chủ yếu và tiền kiểm đối với các bộ phim tác động tiêu cực về an ninh, trật tự, chính trị, tư tưởng. Để thực hiện được phương án hậu kiểm, ông đề nghị cần xây dựng được bộ tiêu chí về phân loại phim một cách chi tiết, cụ thể và tường minh hơn để các cá nhân, tổ chức phát hành phim có căn cứ để tự kiểm duyệt trước khi phổ biến. Cùng với đó, cần quy định trách nhiệm của đơn vị phát hành phổ biến phim trong việc cung cấp công cụ đo lường tự động và kiểm duyệt tự động để đánh giá, phát hiện nội dung vi phạm, hiển thị cảnh báo rõ ràng cho người xem về những nội dung không phù hợp, gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu; cung cấp công cụ để người xem có thể phản ánh được các nội dung vi phạm.

Ông Sỹ cũng đề nghị cần tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý thật nghiêm minh với các bộ phim vi phạm; xây dựng được tổ chức bộ máy trong việc thực hiện hậu kiểm, phản ứng nhanh khi phát hiện các bộ phim vi phạm, đặc biệt là những bộ phim được phát hành trên không gian mạng vi phạm về thuần phong mỹ tục, về pháp luật, an ninh, đối ngoại, quốc phòng… Đặc biệt, cần áp dụng công nghệ thông tin để cảnh báo, phát hiện sớm các vi phạm.

ĐBQH Quàng Văn Hương (Sơn La) phát biểu
Ảnh: Lâm Hiển

Hội đồng thẩm định và các nhà làm phim phải "ngồi lại" với nhau

Nhất trí với quan điểm phải xây dựng bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, tường minh, ĐBQH Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) cũng nêu thực tế vừa qua có nhiều ý kiến trong giới làm phim cho rằng Hội đồng thẩm định phim đã can thiệp quá sâu vào nội dung phim và ép buộc các nhà làm phim thay đổi nội dung để được cấp phép, phổ biến. Ông Nam cho rằng, hội đồng thẩm định phim đã luôn làm hết trách nhiệm của mình và làm tròn vai, luôn thiện chí với mong muốn đem lại những tác phẩm điện ảnh tốt, chất lượng và bảo đảm nội dung “sạch” khi được phổ biến đến công chúng. Tuy nhiên, do là một tác phẩm nghệ thuật mang tính sáng tạo cao nên có nhiều góc nhìn khác nhau. Để có sự nhìn nhận đúng mức và đạt được sự đồng thuận cao, theo ông Nam, hội đồng thẩm định phim và các nhà sản xuất phải ngồi lại với nhau và có tiếng nói chung về vấn đề này trên cơ sở của bộ tiêu chí phân loại phim chi tiết, rõ ràng.

Đánh giá dự luật đã sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy cá nhân, tổ chức tham gia sản xuất phim, song ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) mong muốn cần tiếp tục rà soát, có thêm các chính sách đột phá hơn nữa.

Nêu quan điểm cụ thể về việc sản xuất phim bằng ngân sách nhà nước, dự luật đưa ra hai phương án, bà Thủy cho rằng, theo quy định tại khoản a, điểm 1 Điều 5 của dự thảo Luật thì đề tài phim được ngân sách nhà nước hỗ trợ có phạm vi rất rộng như đề tài về lãnh tụ, lịch sử, danh nhân, anh hung dân tộc, miền núi hải đảo, đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các vấn đề của cuộc sống đương đại… Nếu quy định như phương án 1 chỉ giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng thì còn rất hẹp. Do đó, bà Thủy tán thành phương án 2 Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu vì chúng ta có bổ sung thêm đấu thấu thì cũng không ảnh hưởng gì đến việc áp dụng cơ chế đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ.

Quỳnh Chi