Lựa chọn nhân sự chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới của Hội Đồng Nhân Dân

Phải chọn được người yêu "nghề" đại biểu

- Thứ Năm, 30/04/2020, 08:43 - Chia sẻ
Trong Đề án nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025, cần đưa vào cơ cấu Phó Chủ tịch HĐND trong Ban Thường vụ cấp ủy; đưa vào quy hoạch chức danh Trưởng, Phó Trưởng ban HĐND từ nhiệm kỳ này để HĐND chủ động và có phương án kịp thời khi có đổi thay về nhân sự… Đặc biệt, để bảo đảm chất lượng đại biểu chuyên trách, cấp ủy cần lãnh đạo, chỉ đạo bám sát quy định, phải chọn cho được người yêu "nghề" đại biểu, thực sự có năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm đã được minh chứng qua hoạt động thực tiễn để cơ cấu làm Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng, Phó các Ban HĐND.
Vai trò trọng yếu
Theo luật định, HĐND hoạt động theo chế độ tập thể và được quyết định bởi mỗi một hoạt động của từng cá nhân đại biểu. Tuy nhiên, thực tiễn chứng minh, hoạt động của cơ quan dân cử thực chất hay hình thức phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhân sự Thường trực và các Ban HĐND. Hiện nay, nhân sự chủ chốt của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã và đang được hình thành theo Đề án nhân sự trình đại hội Đảng bộ các cấp, nhất là các vị trí trong Thường trực HĐND. Như con thuyền trên biển cả, sẽ về đích hay lờ đờ theo dòng nước phụ thuộc rất lớn vào người chèo chống, chính vì vậy việc lựa chọn nhân sự để chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới đóng vai trò hết sức quan trọng.


.Phải lựa chọn được những người thực sự yêu “nghề” đại biểu Ảnh: T. Bình
Chỉ còn khoảng 1 năm nữa, nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ khép lại, Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ lựa chọn, định hướng những người làm nhân sự chủ chốt của HĐND các cấp. Song, dù là cơ cấu thế nào thì quyền quyết định cuối cùng vẫn là cử tri và nhân dân. Đã đến lúc các vị đại biểu HĐND cần nhìn lại chặng đường hoạt động của mình để tự xét thấy có đủ tự tin và bản lĩnh để tiếp tục cuộc hành trình hay là dừng lại. Các bậc cử tri cũng cần có sự đánh giá rõ ràng về người mình cầm lá phiếu để trao gửi niềm tin, hy vọng, chuẩn bị tâm thế để bầu cho người xứng đáng nhất.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Chỉ còn khoảng 1 năm nữa, nhiệm kỳ 2016 - 2021 sẽ khép lại, Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ lựa chọn, định hướng những người làm nhân sự chủ chốt của HĐND các cấp. Song, dù là cơ cấu thế nào thì quyền quyết định cuối cùng vẫn là cử tri và nhân dân. Đã đến lúc các vị đại biểu HĐND cần nhìn lại chặng đường hoạt động của mình để tự xét thấy có đủ tự tin và bản lĩnh để tiếp tục cuộc hành trình hay là dừng lại. Các bậc cử tri cũng cần có sự đánh giá rõ ràng về người mình cầm lá phiếu để trao gửi niềm tin, hy vọng, chuẩn bị tâm thế để bầu cho người xứng đáng nhất.

Lê Hồng Hạnh, Phó trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh
Cũng giống như một cơ thể sống, hoạt động của bất kỳ cơ quan nào cũng cần có bộ phận đầu não. Bộ phận đầu não tốt, chủ động linh hoạt thì cơ thể khoẻ mạnh, vững chắc và ngược lại. Nhân sự chủ chốt của HĐND có thể gói gọn gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và các Trưởng ban HĐND.

Theo quy định tại Điều 104, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Thường trực HĐND có nhiệm vụ, quyền hạn rất lớn. Nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên Thường trực HĐND cũng được chỉ rõ tại Điều 105, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Có thể thấy, Thường trực HĐND đóng vai trò rất lớn trong duy trì hoạt động của HĐND giữa hai kỳ họp cũng như điều hành các kỳ họp HĐND. Đây cũng là cơ quan thường trực xâu nối, cung cấp thông tin và các điều kiện bảo đảm hoạt động cho các đại biểu HĐND. Hoạt động của HĐND mạnh hay yếu phụ thuộc rất lớn vào Thường trực HĐND. Với vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn như vậy nên trong Đề án Đại hội Đảng bộ các cấp, các chức danh chủ chốt của HĐND được đưa vào gắn liền với cơ cấu trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực cấp ủy các cấp.Thiếu tương xứng về vị thế chính trị

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, cơ cấu của Thường trực HĐND so với UBND cùng cấp chưa cân xứng và phù hợp, thể hiện rõ nhất ở cấp huyện và cấp xã. UBND là cơ quan chấp hành của HĐND, do HĐND thiết lập nên nhưng các thành viên lãnh đạo UBND đều được cơ cấu là Ủy viên Ban Thường vụ hoặc Ủy viên Ban Chấp hành. Trên thực tế, hầu hết các địa phương cấp huyện bố trí Chủ tịch UBND là Phó Bí thư cấp ủy; 1 - 2 Phó Chủ tịch UBND là Ủy viên Ban Thường vụ, 2/3 Trưởng phòng là Ủy viên UBND được bố trí là Ủy viên Ban Chấp hành. Ở cấp xã Chủ tịch UBND là Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch UBND được cơ cấu là Ủy viên Ban Thường vụ và nhiều địa phương bố trí Phó Chủ tịch HĐND là Ủy viên Ban Chấp hành.

Trong khi đó, hầu hết vị trí Chủ tịch HĐND do Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy kiêm nhiệm. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, một số địa phương cấp huyện cơ cấu Phó Chủ tịch HĐND là Ủy viên Ban Thường vụ, còn lại cơ bản nhiều đơn vị vẫn đang cơ cấu Phó Chủ tịch HĐND là Ủy viên Ban Chấp hành (vị thế chính trị ngang cấp với Trưởng phòng của UBND mà thôi); còn các vị trí Ủy viên Thường trực HĐND, Trưởng ban HĐND chuyên trách hầu như không địa phương nào cơ cấu là Ủy viên cấp ủy ở địa phương. Việc bố trí thiếu tương xứng về vị thế chính trị là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động của HĐND chưa phát huy đầy đủ vị trí, vai trò được pháp luật quy định.

Bên cạnh đó, việc bố trí Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Đảng kiêm nhiệm Trưởng ban của HĐND ở nhiều địa phương tuy có một số thuận lợi nhất định trong công tác lãnh đạo của Đảng, nhưng cũng làm hạn chế hiệu quả hoạt động của các Ban nói chung và người đứng đầu các Ban nói riêng. Nhân sự các Ban của HĐND không ổn định, thường xuyên có sự luân chuyển, đặc biệt Trưởng, Phó Trưởng ban HĐND cấp huyện chưa được đưa vào quy hoạch nên càng cuối nhiệm kỳ càng không còn người đảm đương. Như ở Hà Tĩnh, có huyện chỉ còn lại 1 Phó Chủ tịch HĐND là đại biểu chuyên trách, nhân sự các Ban đã luân chuyển hết; có nơi Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Pháp chế kiêm luôn Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm hạn chế chất lượng hoạt động của các Ban HĐND.

Đó là về cơ cấu, một yếu tố nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến nhân sự chủ chốt của HĐND đó chính là “tầm” và “tâm” của chính đại biểu được cơ cấu. Đã có không ít phản ánh về tình trạng bố trí người chưa xứng đáng vào các vị trí chủ chốt của HĐND, làm giảm chất lượng hoạt động HĐND. Cụ thể như đưa những người không cùng “cánh hẩu”, sắp nghỉ hưu, khó bố trí, “trại gây” hoặc thậm chí năng lực, trình độ yếu, đạo đức có vấn đề thì đẩy sang cơ cấu Phó Chủ tịch HĐND hoặc Trưởng ban chuyên trách của HĐND với tâm lý ở HĐND vô sư vô sách, đỡ “gây chuyện”… Đây là một thực tế đã đang diễn ra tại một số địa phương. Vì tâm lý như vậy nên khi đưa lên bàn cân nhân sự đại hội, vị trí chính trị của Phó Chủ tịch HĐND ở cấp huyện, cấp xã nhiều nơi chưa được xem trọng, thậm chí có nơi có cũng như không, nhất là cấp xã.

Chủ động, có phương án kịp thời khi đổi thay về nhân sự

Để lựa chọn đúng người, trước hết về mặt chính trị, cần nâng cao nhận thức trong đảng viên về vị trí, vai trò của cơ quan dân cử để có xử sự về mặt nhân sự cho phù hợp. Thực tế, có nhiều địa phương, Tỉnh ủy ra chỉ thị về nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, quy định rất rõ nâng cao chất lượng về nhân sự chủ chốt của HĐND, chỉ rõ Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện cơ cấu Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp; bố trí Trưởng ban HĐND cấp huyện chuyên trách là Ủy viên Ban Chấp hành. Thế nhưng, việc thực hiện chỉ thị vẫn đang còn nhiều bất cập.

Do đó, cấp ủy Đảng các cấp cần rà soát, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ thị, nghị quyết. Trước mắt, trong Đề án nhân sự nhiệm kỳ 2020 - 2025, cần đưa vào cơ cấu Phó Chủ tịch HĐND trong Ban Thường vụ cấp ủy để bảo đảm vị trí chính trị của chức danh này theo tinh thần Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị cũng như hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về xây dựng nhân sự trình Đại hội Đảng bộ các cấp. Đưa vào quy hoạch chức danh Trưởng, Phó Trưởng ban HĐND từ nhiệm kỳ này để HĐND chủ động và có phương án kịp thời khi có đổi thay về nhân sự.

Bên cạnh đó, cần có chủ trương giảm số lượng các đại biểu ở cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu ở các cơ quan Đảng, đoàn thể và tăng số đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6. Thực hiện dự kiến Bí thư cấp ủy các cấp ứng cử đại biểu HĐND cấp mình và cấp trên trực tiếp, đồng thời, làm Chủ tịch HĐND cấp mình. Phát huy vai trò điều hành của Chủ tịch HĐND trong hoạt động của HĐND, nhất là khi vị trí này kiêm nhiệm. Để bảo đảm chất lượng đại biểu chuyên trách - nguồn chủ chốt của HĐND, cấp ủy cần lãnh đạo, chỉ đạo bám sát quy định, phải chọn cho được người “yêu nghề đại biểu” thực sự có năng lực, bản lĩnh và trách nhiệm đã được minh chứng qua hoạt động thực tiễn để cơ cấu làm Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng, Phó Trưởng các Ban HĐND.

Theo đó, những người này có thể tìm trong số đại biểu tái cử, bởi họ vừa có kinh nghiệm và cũng đã được cử tri và cấp uỷ đánh giá, nhìn nhận rõ trong suốt 5 năm làm đại biểu dân cử, ai như thế nào chỉ cần Đảng và dân nhìn sẽ rõ ràng nhất. Điều quan trọng là nếu các đại biểu này trúng cử, có vị trí chính trị tương xứng sẽ là hạt nhân trong hoạt động giám sát và quyết định của HĐND. Cần bỏ tư tưởng đưa những người sắp nghỉ hưu, đạo đức, tư cách chưa bảo đảm, năng lực yếu để đưa vào cơ quan dân cử, nhất là làm đại biểu chuyên trách.

Lê Hồng hạnh - Phó Trưởng ban Kinh tế - Xã hội HĐND thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh