Phải chăng từ độc quyền nhà nước đã biến thành độc quyền doanh nghiệp?
![]() |
ĐBQH Lê Thị Nga (Thái Nguyên): Phải chăng từ độc quyền nhà nước đã biến thành độc quyền doanh nghiệp?
Ngành điện luôn kêu thiếu vốn, lỗ và đòi tăng giá trong khi không hoàn thành nhiệm vụ chính vì EVN đã giành hàng nghìn tỷ đồng đầu tư ngoài ngành, trong đó có hoạt động bị lỗ nặng. Lương và thưởng của nhân viên rất cao, vượt xa mức thu nhập trung bình của người dân, lương tới 7,3 triệu đồng mà Tổng giám đốc EVN vẫn nói “Tôi rất đau lòng khi lương của nhân viên tập đoàn chỉ có ngần đấy”. Xin hỏi Bộ trưởng, phải chăng từ độc quyền nhà nước biến thành độc quyền doanh nghiệp EVN đã buộc người tiêu dùng không những phải chịu những khoản lỗ do yếu kém của tập đoàn, mà còn phải chịu cả những khoản lỗ do thất thoát điện năng, do đầu tư ngoài ngành và do việc trả lương, thưởng rất cao? Pháp lý và đạo lý nào cho vấn đề này? Việc đề nghị tăng giá điện như vậy có minh bạch không?
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Giá điện sẽ tăng trong năm 2012 nhưng ở mức kiềm chế
Nhu cầu điện cho nước ta lớn, nếu không có mức giá phù hợp thì sẽ không thu hút được đầu tư trong và ngoài nước. Nếu không thì không giải quyết được tình trạng căng thẳng, thiếu điện. Nguyên tắc thị trường không cho phép bù lỗ, bù chéo cho nhau. Nhưng trong kinh tế thị trường thì yếu tố thị trường không mâu thuẫn hay ngăn cản việc Nhà nước quản lý giá. Nhà nước quản lý giá trên cơ sở ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, và hướng dẫn kiểm tra thực hiện. Trong trường hợp các mặt hàng được Nhà nước bình ổn, trợ giá, thì Nhà nước sẵn sàng thực hiện để phục vụ cho mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, bình ổn giá các mặt hàng giá vẫn được Nhà nước quản lý phải làm sao để có trợ giá người nghèo, người có thu nhập thấp. Với những hộ sử dụng điện ở mức trung bình cũng phải chú ý để mức tăng giá không cao hơn mức tăng giá bình quân chung. Nguyên tắc chung trong điều hành giá là kiên trì thực hiện như vậy.
Thưa với QH, trong năm 2011, bên cạnh điều hành giá theo nguyên tắc thị trường, điều chỉnh dần giá phù hợp với nguyên tắc thị trường đồng thời phải hết sức coi trọng việc nhà nước bình ổn giá. Chúng ta vừa thực hiện các quy định của Pháp lệnh Giá, vừa thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Đầu tháng 3 này chúng ta đã tăng giá điện ở mức kiềm chế là 15,6%. Chúng ta sẽ điều chỉnh giá mặt hàng này theo cơ chế thị trường, vừa bảo đảm chi phí cho nhà đầu tư, thu hút đầu tư, từ đó giúp thực hiện tổng sơ đồ điện 6, và triển khai tổng sơ đồ điện 7 để có điện đáp ứng sản xuất, tiêu dùng. Trong năm 2012, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương và Bộ Tài chính ngồi với nhau để tính toán kịch bản. Chúng tôi chỉ xin nói khái quát thôi đó là năm 2012, trước hết về giá thành, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và EVN đã thống nhất lấy căn cứ là giá sản xuất của 2011, và chi phí đầu vào (tỷ giá lấy ngày 15.9.2011) và không tính tất cả phần lãi từ khâu sản xuất, truyền tải, phân phối cho đến bán lẻ (tức là tính lãi của EVN bằng không). Thứ ba là giá than bán cho EVN bằng 57 – 83% giá thành tiêu thụ của than thôi. Và đối với các hợp đồng mua bán điện thì giữ như hiện hành. Với phương án này, giá thành của điện là khoảng 2.160 đồng/kWh, tăng 46% so với giá bán hiện nay. Xin báo cáo với QH, trong giá thành hiện nay, chúng tôi đã tính tất cả các khoản tập đoàn EVN phải giảm trừ theo kết quả kiểm toán. Trước hết là chi phí thuê cột điện, hàng năm cho thuê cột điện khoảng 200 tỷ đồng, bán các tài sản thanh lý được 100 tỷ đồng. Trước đây EVN hạch toán thu nhập này vào thu nhập khác. Nhưng một vài năm gần đây, bản thân EVN và Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính đã thống nhất phải trừ khoản này vào giá thành điện để giảm bớt giá điện càng nhiều càng tốt. Như vậy trong kịch bản giá thành điện năm 2012 đã trừ vào số lãi từ thuê cột điện, thanh lý tài sản. Và chúng ta chỉ phân bổ lỗ từ năm 2010 khoảng 2.000 tỷ, và phân bổ 1/3 chênh lệch giá. Than cũng điều chỉnh khoảng 62- 87% giá thành bán, tức là bù cho điện từ 20 – 28%. Chi phí hoàn thiện lưới điện nông thôn khoảng 3.560 tỷ đồng. Các yếu tố này sẽ được tính vào giá điện 2012. Với cách tính này thì giá điện sẽ tăng trong năm 2012 nhưng ở mức kiềm chế. Và nếu năm 2012 chúng ta vẫn tăng giá điện thì tiền điện bán cho hộ nghèo và thu nhập thấp vẫn giữ nguyên như hiện nay. Kể cả hỗ trợ cho một hộ gia đình từ ngân sách là 30.000 vẫn giữ nguyên như hiện nay. Đối với các hộ tiêu thụ điện ở mức trung bình thì mức tăng hộ này thấp hơn mức bình quân chung giá thành điện.
Liên quan đến hao phí điện năng và tiết kiệm của EVN đúng như đại biểu nói còn khá cao so với khu vực. Năm 2009, tổn thất điện năng là 9,57% năm 2010 là 10 -15% ko phải là thụt lùi mà do đó là điện nông thôn nên số điện tổn thất hạ áp loại trừ còn 9,28%; năm 2011 là 9,65% trừ tổn thất 0,8 còn 8,85%. Hao hụt này tập đoàn có quan tâm nhưng chưa đúng mức. EVN cần tập trung đầu tư công nghệ, quản lý, xây dựng hệ thống... và thoái vốn trên tất cả các lĩnh vực khác.
ĐBQH Đặng Thế Vinh (Long An): Bộ trưởng cần có thông điệp rõ ràng cho cử tri
Thời gian qua, khi tiếp xúc cử tri, cử tri nêu nhiều về tình hình giá xăng dầu tăng cao không theo kịp diễn biến tăng, giảm của giá thế giới. Khi giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng tăng theo, nhưng khi giá thế giới giảm thì giá trong nước giảm không kịp thời, thường có độ trễ làm cho cử tri băn khoăn, bức xúc. Xin Bộ trưởng cho biết về phương án điều hành giá xăng dầu, giải pháp, biện pháp của các cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới như thế nào để có thông điệp rõ ràng về vấn đề này trả lời với cử tri.
Bộ trưởng Vương Đình Huệ: Giá xăng dầu đúng là nhảy múa thật
Trên thế giới giá xăng dầu đúng là nhảy múa thật. Điện mới điều chỉnh có một lần và điều chỉnh hồi tháng 3, còn xăng dầu điều chỉnh bốn lần, hai lần tăng tháng 2, tháng 3 và hai lần giảm lần gần đây nhất là ngày 26.8 và ngày 10.10. Có lẽ lần điều chỉnh tăng vào tháng 3 sát điều chỉnh tăng tỷ giá quá, chu kỳ điều chỉnh sát nhau quá nên cảm giác là tăng dồn dập. Nhưng thực chất là có hai lần tăng và hai lần giảm. Việc điều hành giá xăng dầu tuân thủ theo nguyên tắc thị trường phù hợp với giá quốc tế vì chúng ta nhập khẩu 70%, kể cả xăng dầu Dung Quất đầu vào tính như quốc tế không bán rẻ hơn nên chúng ta phải tính 100% theo giá quốc tế. Và giá bán xăng dầu tính theo giá dầu thành phẩm chứ không phải giá dầu thô.
Kịch bản điều hành giá xăng dầu trong thời gian tới thì chúng tôi vẫn kiên trì thực hiện Nghị định 84 của Chính phủ. Hiện nay, thuế nhập khẩu xăng dầu là 0%. Tới đây, chúng tôi sẽ khôi phục lại giá cơ sở và sau khi khôi phục giá cơ sở, nếu giá giảm tiếp chúng ta sẽ có điều kiện giảm, nếu giá thế giới tăng thì chúng ta cũng sẽ xem xét để điều chỉnh tăng, còn mức tăng như thế nào thì còn phụ thuộc vào điều hành kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Về lâu dài, chúng tôi đã đề nghị và Thủ tướng cũng đã đồng ý là sẽ sơ kết việc thực hiện Nghị định 84 để điều chỉnh một số bất cập của Nghị định 84. Ví dụ như chu kỳ điều chỉnh giá tăng giảm thì có thể chỉ khoảng 10 ngày thôi; hay đưa lợi nhuận định mức ra khỏi giá cơ sở để bảo đảm so sánh giá cơ sở với giá thực tế; điều chỉnh lại một số định mức và quy định rất chặt chẽ định mức về chiết khấu bán hàng cho các đại lý.