Phải biết dân cần gì!
Đất nước tăng trưởng là mốc son ghi nhận sự đổi mới! Nhưng nhìn từ thẳm sâu, còn bao việc phải lo, phải làm!
Ấy là khoảng cách giàu - nghèo vẫn còn lớn. Ấy là công bằng xã hội, minh bạch và công khai vẫn còn bao ngẫm ngợi. Hãy nhìn từ sự giàu có của các đại gia phất lên từ đâu? Hãy nhìn từ một bộ phận không nhỏ người dân còn khó, còn nghèo, vì sao chưa bứt được lên? Đừng vội trách, mà phải đến với dân, nghe dân, mới thấu hiểu người nghèo khó đang cần gì, đợi gì?
Vì sao người dân dời xứ đi xa? Âu cũng là sinh kế cuộc sống áo cơm, cũng là việc chẳng thể đừng. Thế nên chính sách với người quê, đất quê cũng phải thay đổi, phải khác đi. Đất nước khuyến khích mọi người vươn lên giàu có. Nhưng sự giàu có lại như đặt vào tay các đại gia quá dễ dàng, mà như ngoảnh mặt, quay lưng với những người quê lam làm. Hãy nhìn xem đại gia giàu có đều “ăn” vào đất đai, “ăn” vào các dự án mở ra vội vàng, nóng vội, giờ trở thành những dự án treo - chờ quá nhiều kia. Còn người dân, khi đất đai bị giải tỏa, thu hồi thì cái khó càng thêm khó. Người quê ùn ùn kéo nhau về các đô thị lớn với đủ nghề mưu sinh. Người quê đổ xô vào các tỉnh Tây Nguyên kiếm đất sinh nhai. Nạn phá rừng cũng từ đây mà càng nóng bỏng. Người quê không hộ khẩu, không đất đai ai lo? Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cứ mãi loay hoay với bài toán di dân tự do. Chính phủ với nhiều chính sách dành cho miền núi, nhưng cần nhìn lại các chính sách đã đủ tầm, đủ độ để xóa bỏ cái khó, cái nghèo chưa?
Rất mừng, Chính phủ và các bộ, ngành đã “bắt đúng huyệt”. Những chuyến khảo sát của lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành cùng với cuộc họp mới đây của Chính phủ tìm cách tháo gỡ vấn đề di dân tự do đã mở ra hướng mới. Không thể để tình trạng không nhập hộ khẩu cho dân vì dân không có đất. Hãy hiểu thấu đến tận cùng “gan ruột” của người quê để các bộ, ngành biết phải làm gì?
Mới thấy Chính phủ quyết định dành gần 17.000ha đất cho người di dân tự do và yêu cầu nhập khẩu cho dân là việc phải làm ngay. Có ai muốn xa xứ? Có ai muốn tha hương? Di cư tự do thì con cái học hành, tương lai thế nào? Lo cho dân có đất, lo cho từng hộ dân di cư tự do nhanh chóng ổn định cuộc sống chính là đạo lý. Đừng bộ nọ đổ lỗi cho ngành kia nữa. Hơn thế, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên phải hiểu đó là trách nhiệm của mình. Phải có chính sách thế nào để cho người dân giang tay ra giữ rừng hơn là để họ vì áo cơm mà trở thành kẻ phá rừng? Hãy hành động trước khi quá muộn.
Đất dành cho dân di cư tự do phải phân bổ cho đúng người cần đất, nếu không hậu quả sẽ khó lường hơn. Hãy xem lại cả việc quy hoạch, thu hồi đất của dân để triển khai dự án gì, có hiệu quả không? Hãy xem lại vì sao những vụ việc khiếu kiện đông người, vượt cấp đều liên quan đến thu hồi, đền bù? Hãy mổ xẻ những “ký tá” phê duyệt cho các dự án “sân sau”, những công ty “gia đình” của chính những cán bộ được trao trọng trách có dùng “uy”, dùng “quyền” để mưu tính vụ lợi không? TP Hồ Chí Minh đâu chỉ nổi cộm đất đai ở khu đô thị Thủ Thiêm, ở những khu “đất vàng” ở quận 1? Hà Nội đâu chỉ nóng với vụ “xẻ thịt” rừng phòng hộ Sóc Sơn mà còn cả vụ con đường đắt nhất hành tinh, Chính phủ vừa yêu cầu phải báo cáo? Còn bao tỉnh, thành khác trên cả nước, vấn đề đất đai, sự cách biệt giàu - nghèo còn lớn là việc không thể không suy nghĩ. Bao gia đình khó, nghèo phải xa quê, phải di dân tự do - rất cần cách nhìn mới hơn trong xây dựng, ban hành các chính sách để người nghèo khó có cơ hội vượt lên.
Vì người nghèo, hướng đến người nghèo! Các bộ, ngành và chính quyền các cấp hãy vào cuộc và hành động, chứ không thể chỉ nói rồi sau đó lại coi như việc của ai. Phải biết những người dân còn khó, nghèo phải di dân tự do đang mong gì, cần gì ở Chính phủ và các bộ, ngành?