Phải bao quát hết phạm vi, chủ thể ban hành quyết định hành chính
(ĐBNDO)- Cho ý kiến vào dự án Luật Ban hành quyết định hành chính sáng 25.9, UBTVQH đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại phạm vi điều chỉnh của Luật bao phủ hết các quyết định hành chính của tất cả các cơ quan, chứ không chỉ là các cơ quan hành chính hành pháp.
Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật không áp dụng đối với các Quyết định hành chính về giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vụ việc cạnh tranh và trong hoạt động tố tụng; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quyết định hành chính ban hành trong trường hợp khẩn cấp; Quyết định hành chính áp dụng chính sách, pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước trực tiếp của cơ quan, tổ chức.
![]() Ảnh: Quang Khánh |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, khái niệm quyết định hành chính như dự thảo Luật là chưa đầy đủ. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thể hiện lại khái niệm về quyết định hành chính cho phù hợp và thống nhất với các khái niệm trong các văn bản pháp luật hiện hành. Đây cũng là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện. Theo Chủ nhiệm, khái niệm quyết định hành chính tại khoản 1, điều 2 dự thảo Luật không bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Hiện chúng ta đang sử dụng khái niệm này trong Luật Tố tụng hành chính và Luật Khiếu nại. Chủ nhiệm đề nghị cân nhắc lại quy định này, tránh sự sai khác với quy định trong Luật Tố tụng hành chính.
Chủ thể ban hành quyết định hành chính là những ai?
Cơ quan ban hành quyết định hành chính bao gồm: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, trực thuộc cơ quan ngang Bộ; UBND các cấp; Chủ tịch UBND các cấp; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước - Dự thảo Luật Ban hành quyết định hành chính. |
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt vấn đề, bên cạnh các đối tượng trong dự thảo Luật, thì các cơ quan tổ chức khác cũng ban hành các văn bản hành chính. Tại sao quyết định lương của một cơ quan hành chính là quyết định hành chính, trong khi quyết định lương của chủ nhiệm VPQH hoặc của Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lại không xem là quyết định hành chính? Chủ nhiệm khẳng định, đó đều là các quyết định hành chính. Tổ chức chính trị xã hội, một số cơ quan hành chính khác cũng ban hành quyết định hành chính, chứ không chỉ cơ quan hành chính nhà nước. Nhưng phạm vi tác động của các cơ quan hành chính nhà nước có thể ra ngoài xã hội, còn quyết định hành chính của các tổ chức khác mang tính cá biệt, nhưng nó vẫn là quyết định hành chính. Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị, Luật điều chỉnh chung cho cơ quan hành chính vì phạm vi tác động mạnh hơn; đồng thời bổ sung một Chương vào dự thảo Luật quy định về quyết định hành chính của các cơ quan, tổ chức không phải cơ quan hành chính hành pháp. Như vậy, sẽ bảo đảm sự kiểm soát tốt hơn, tạo thuận lợi chung cho toàn xã hội. Nhiều ý kiến UBTVQH đồng tình với quan điểm của Cơ quan thẩm tra, đề nghị bổ sung các chủ thể này vào dự thảo Luật để bảo đảm quy trình thống nhất ban hành quyết định hành chính.
Cũng liên quan đến đối tượng áp dụng, dự thảo Luật không điều chỉnh đối với quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Không đồng tình với quy định này, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm, theo quy định của Hiến pháp, Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất. Đã là cơ quan hành chính, ban hành các quyết định hành chính thì phải chịu sự điều chỉnh của Luật này. Chủ nhiệm cho rằng nên bỏ quy định tại điểm 2, khoản 2 dự thảo Luật. Nội dung dự thảo Luật nên đi sâu quy định các nguyên tắc, thủ tục ban hành quyết định hành chính để kiểm soát. Đại diện Tòa án nhân dân Tối cao cũng cho rằng, nếu loại trừ các quyết định hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khỏi dự thảo Luật thì người dân sẽ không hiểu, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra giám sát sẽ không thể kiểm soát được hoạt động ban hành quyết định hành chính. Đã là ban hành quyết định hành chính chung thì ai có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính thì cần phải đưa vào luật để điều chỉnh.
Cho rằng đây là một dự án Luật khó và còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện, UBTVQH cho rằng dự thảo Luật chưa đủ điều kiện trình ra QH, đồng thời yêu cầu Chính phủ tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trên cơ sở ý kiến của UBTVQH tại phiên họp này.