Phác họa một số khía cạnh của chất vấn

Hồ Trọng Ngũ
Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh
07/03/2011 08:11

Trong hoạt động của QH, nếu giám sát là một trong ba chức năng quan trọng, thì chất vấn là hình thức giám sát trực tiếp, toàn diện, có sức mạnh tổng hợp, có tác động mạnh mẽ, nhiều chiều, giúp cho QH thực hiện chức năng giám sát tối cao.

Sở dĩ, chất vấn tại kỳ họp QH là hình thức giám sát có hiệu lực, hiệu quả cao nhất, tác dụng đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức vụ quyền hạn trong bộ máy Nhà nước vì nó là cách thức thể hiện cụ thể, trực tiếp, sinh động của quyền lực nhân dân và có sức lan tỏa nhanh chóng, tính thời sự sốt dẻo và sức cộng hưởng mạnh mẽ của dư luận xã hội.

Cội nguồn của chất vấn là sức mạnh của quyền lực nhân dân

Có học giả cho rằng, quyền chất vấn được pháp luật trao các cá nhân ĐBQH, nhưng khi được tiến hành tại kỳ họp QH thì mới trở thành hoạt động giám sát tối cao. Có lẽ cần nói thêm rằng, chất vấn tại kỳ họp mới là hình thức giám sát tối cao bởi chỉ khi đó, chất vấn được tổ chức thành hoạt động tập thể của QH.

Xét cho cùng, hoạt động của QH là tập hợp tất cả những hoạt động của đại biểu, nhưng, chỉ khi chất vấn tại kỳ họp, với cả một chương trình, kế hoạch làm việc tập thể, với việc sử dụng tối đa sự ủy quyền của nhân dân và với danh nghĩa toàn thể QH trong việc đánh giá, phán quyết về tính đúng đắn, hợp hiến, hợp pháp của các hoạt động, quyết sách của các cơ quan tổ chức nhà nước, các cá nhân có chức vụ một cách công khai, minh bạch để mọi người dân đều có cơ hội giám sát hoạt động của Nhà nước – mới là giám sát tối cao. Cũng vậy, chất vấn tại kỳ họp, với ý nghĩa hoạt động tập thể của QH là một trong những hình thức của giám sát tối cao. Mặc dầu, việc từng đại biểu chất vấn, không được coi đó là giám sát tối cao. Tuy nhiên phải nói rằng, chất vấn của đại biểu tại kỳ họp là cực kỳ quan trọng và là bộ phận hợp thành  của chất vấn. Các ĐBQH thực hiện quyền chất vấn thì không còn nhân danh cá nhân nữa mà nhân danh quyền lực nhà nước do nhân dân ủy quyền. Kỳ họp QH với ý nghĩa một hình thức tổ chức thực hiện quyền lực tối cao, thì chất vấn của QH nhân danh quyền lực tối cao, thay mặt nhân dân yều cầu người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm pháp lý của mình, đánh giá quy kết trách nhiệm pháp lý đối với người bị chất vấn.

Hoạt động chất vấn được thực hiện dưới những hình thức nhất định. Về lý thuyết, có thể căn cứ vào quy định của Hiến pháp để phân loại các hình thức phổ biến thực hiện chất vấn. Điều 98 của Hiến pháp quy định: “ Người bị chất vấn phải trả lời trước kỳ họp; trong trường hợp cần điều tra thì QH có thể quyết định cho trả lời trước UBTVQH hoặc tại kỳ họp sau của QH hoặc cho trả lời bằng văn bản”. Như vậy, có thể phân tích và hình dung 3 hình thức chất vấn của QH và ĐBQH. Bao gồm: chất vấn thông qua văn bản hỏi và văn bản trả lời của người có thẩm quyền chất vấn và người có trách nhiệm trả lời chất vấn; chất vấn thông qua phiên họp của các cơ quan của QH (hình thức này trong lý luận và thực tiễn của nhiều nước còn gọi là điều trần); chất vấn tại kỳ họp QH, để góp phần thực hiện giám sát tối cao tại kỳ họp. Đây là một trong những hình thức (có ý kiến cho là phương pháp) thực hiện quyền giám sát tối cao.

Chất vấn có ý nghĩa chính trị xã hội và pháp lý sâu sắc. Cội nguồn sâu xa của nó chính là sức mạnh của quyền lực nhân dân. Chất vấn là hình thức biểu hiện cụ thể của dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Chất vấn trong hoạt động của QH về cơ bản đã được điều chỉnh bởi hệ thống các quy phạm pháp luật, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để có một cơ sở pháp luật hoàn chỉnh cho hoạt động chất vấn, nhằm nâng cao hơn nữa vai trò, tác động của hình thức giám sát này.

Thực tiễn sinh động

Hoạt động chất vấn tại QH đã có một thực tiễn khá sinh động trong các nhiệm kỳ QH vừa qua, đặc biệt trong nhiệm kỳ QH khóa XII.

Thực tiễn trong hai nhiệm kỳ gần đây, QH luôn đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động, qua đó, hoạt động chất vấn của QH cũng đã được thực hiện khá sinh động và đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, cho đến nay, chất vấn chủ yếu vẫn mới được thực hiện dưới hai hình thức: chất vấn bằng văn bản của ĐBQH, chất vấn tại hội trường trong kỳ họp QH. Còn hình thức chất vấn tại phiên họp của các cơ quan của QH nói chung đang ở giai đoạn thử nghiệm, dẫu rằng điều này là cơ sở pháp lý trong Hiến pháp, các đạo luật và các quy định khác.

Tại các kỳ họp của QH khóa XII và các phiên họp của UBTVQH, nội dung chủ yếu của chất vấn tập trung xung quanh các vấn đề thực hiện chính sách pháp luật kinh tế, xã hội liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của dân cư. Cử tri yêu cầu các đại biểu phải lên tiếng. Nhìn chung, cử tri thường quan tâm đến những vấn đề liên quan đến lợi ích sát sườn của họ. Chính vì vậy, các vấn đề điện nước, môi trường môi sinh, giá cả, vệ sinh an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, giải quyết việc làm, học phí, khám chữa bệnh và thực thi các chính sách xã hội khác thường được các đại biểu quan tâm trong các phiên chất vấn. Và như vậy, thể theo nguyện vọng của cử tri, nhiều đại biểu có mối quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề sinh hoạt xã hội, đời sống thường nhật. Cần những chất vấn liên quan đến những vấn đề chiến lược, lâu dài ở tầm vĩ mô, nhất là trên các lĩnh vực tư pháp, xét xử, các vấn đề đối ngoại, các vấn đề tổ chức bộ máy, các vấn đề an ninh chính trị khác.

Thực tế cho thấy, hoạt động chất vấn ở QH khóa XII đã luôn được đổi mới, cải tiến về nội dung, cách thức tiến hành, điều hành phiên chất vấn. Đó là tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề; người trả lời không đọc văn bản mà trực tiếp trả lời vào thẳng câu hỏi; tập trung vào các vấn đề bức xúc, có trao đi, đổi lại; mời Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ tham gia trả lời trực tiếp chất vấn của ĐBQH; ban hành nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn... Quan sát hoạt động chất vấn nhiệm kỳ khóa XII, cho thấy, số lượng câu chất vấn của ĐBQH ngày càng tăng thêm. Qua báo cáo của Đoàn thư ký kỳ họp và thông báo của UBTVQH, thấy rằng, trước các kỳ họp, các thành viên Chính phủ đã nhận được hàng trăm câu hỏi chất vấn từ các ĐBQH gửi đến thông qua UBTVQH, Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu và các cơ quan của QH. Số lượng câu hỏi và tính chất nội dung của các vấn đề đại biểu nêu ra ngày càng đa dạng. Chất lượng câu hỏi của đại biểu được nâng lên rõ rệt. Các đại biểu đã tự tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn; chọn những vấn đề nóng hổi, thời sự, đúng với tâm trạng của cử tri; nêu câu hỏi ngắn gọn hơn và rõ ràng hơn. Đại biểu đã chọn những vấn đề đúng tầm với người trả lời chất vấn. Càng vào những kỳ họp cuối các câu đã được đặt đúng đối tượng. Về số lượng, phần lớn câu hỏi đã được chuyển đến thành viên Chính phủ bằng văn bản.

Các cơ quan chức năng đã có sự phối hợp khá nhịp nhàng trong tổ chức hoạt động chất vấn. Việc chuẩn bị và trả lời các câu hỏi chất vấn của ĐBQH là một trong những phần việc được các vị Bộ trưởng, trưởng ngành hết sức quan tâm, chú trọng. Vào mỗi kỳ họp QH, các Bộ trưởng phụ trách các lĩnh vực có nhiều vấn đề cử tri quan tâm, thường nhận được nhiều câu hỏi chất vấn của ĐBQH thì đã có kinh nghiệm thành lập tổ công tác giúp Bộ trưởng trong việc nghiên cứu chuẩn bị thông tin, ý kiến trả lời các chất vấn của ĐBQH.

QH khóa XII đã có những bước tiến khá dài trong hoạt động giám sát nói chung và chất vấn – trả lời chất vấn nói riêng, tuy nhiên vẫn còn khá nhiều những vấn đề lý luận, thực tiễn cũng như pháp lý đã đặt ra cần được tiếp tục giải quyết. Trên các phương diện tổ chức, pháp lý, kỹ thuật đều cần tiếp tục có những cải tiến, sửa đổi, bổ sung.

Trước hết cần có những quy định cụ thể về mặt pháp lý xác định hình thức chất vấn, thủ tục, cách thức tiến hành; thủ tục điều hành phiên chất vấn; mức độ, phạm vi, đối tượng, chủ thể chất vấn; thời gian cần thiết và có thể của từng nội dung, từng người hỏi, trả lời... để có thể xử lý nhanh những yếu tố phát sinh trong thực tế hoạt động chất vấn

Cần quy định cụ thể trách nhiệm, nội dung các vấn đề liên quan đến việc thông tin về chất vấn (cho đại biểu, cho báo giới, cho người chất vấn và người bị chất vấn, nội dung nhóm vấn đề sẽ được chất vấn)

Xử lý tốt hơn vấn đề tập hợp chắt lọc ý kiến của cử tri và kiến nghị của cử tri, sao cho tránh dàn trải, trùng dẫm, hay đi vào chi tiết vụn vặt, không đúng tầm của đối tượng bị chất vấn, làm tiêu phí không cần thiết thời gian của QH. Bảo đảm sử dụng tối ưu nhất thời gian đã được dành cho chất vấn.

Vấn đề chọn nội dung chất vấn. Cần lưu ý hết mức đến vai trò lan tỏa, tác dụng mạnh mẽ của chất vấn đến đời sống xã hội, vì thế cùng với việc bảo đảm tính minh bạch cao thì cũng cần xử lý thật tốt những vấn đề có thể gây ra phản ứng tiêu cực, mặt trái, hậu quả kinh tế xã hội bất lợi; đặc biệt xét trên phương diện chính trị đối ngoại và an ninh quốc phòng. Việc chọn người trả lời chất vấn có vai trò hết sức quan trọng. Hiện nay UBTVQH phối hợp với Thường trực Chính phủ để xác định những người sẽ trả lời chất vấn trên cơ sở những ý kiến mà cử tri cả nước gửi đến, ý kiến chất vấn của các vị ĐBQH tập trung sự chú ý, quan tâm chất vấn. Thực tế đó cũng là những vấn đề có ý nghĩa, tác động kinh tế xã hội to lớn.

Vấn đề kỹ thuật đặt câu hỏi chất vấn của ĐBQH cũng cần được tiếp tục quan tâm. Thực tế cho thấy, có một vài đại biểu đã đặt câu hỏi  không đúng lĩnh vực chức năng của người trả lời chất vấn. Có câu hỏi vụn vặt không xứng tầm người hỏi và người trả lời, đồng thời cũng khó cho người trả lời vì thực tế quản lý bao giờ cũng có sự phân cấp mạnh mẽ, người quản lý ở cấp cao khó có thể trả lời một nội dung có tính chi tiết, kỹ thuật cụ thể. Có câu hỏi không phản ánh đúng sự nhạy cảm chính trị của ĐBQH, thậm chí gây ra xung đột tâm lý  giữa người hỏi và người bị hỏi.

Tâm lý nghị trường và xử lý tình huống nghị trường là vấn đề cần được chú ý trong tổ chức và điều hành phiên chất vấn.

Thực tế cho thấy Lãnh đạo QH điều hành phiên chất vấn đã rất khéo léo tinh tế xử lý các hiện tượng bùng nổ tâm lý xuất hiện trong phiên chất vấn. Thực tiễn chất vấn cũng cho thấy việc đại biểu tự chuẩn bị tâm lý cho mình trước các thời điểm nêu câu hỏi chất vấn, xuất hiện trước ống kính của báo giới cho đại biểu nhiều kinh nghiệm quý giá. Vì vậy, ngoài việc các đại biểu tự trang bị kiến thức cho mình, cũng cần có sự hỗ trợ thông tin và kinh nghiệm của ngay chính các cơ quan của QH mà các đại biểu là thành viên.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Phác họa một số khía cạnh của chất vấn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO