Kỷ niệm 40 năm ký Hiệp định Paris (27.1.1973 - 27.1.2013)

Paris địa điểm đàm phán tốt nhất

- Chủ Nhật, 27/01/2013, 09:21 - Chia sẻ
Việc chọn Paris để tổ chức hội nghị đàm phán với Mỹ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã đem lại cho chúng ta nhiều thuận lợi, góp phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng.

Hội nghị Paris là cuộc đấu tranh ngoại giao gian khổ, dài nhất và khó khăn nhất của nhân dân Việt Nam. Ngay từ việc tìm địa điểm họp hội nghị cũng mất thời gian. Mỹ đề nghị Vientiane, Tokyo, sau đó Bangkok... Việt Nam thì chọn Phnompenh, Warsaw... nhưng không thống nhất được với nhau. Cuối cùng chúng ta đề xuất Paris và Mỹ đã chấp thuận. Paris có vị trí đặc biệt, là trung tâm về chính trị, văn hóa, kinh tế của phương Tây. Khi ta chọn Paris, Pháp rất hoan nghênh, hứa sẽ tạo mọi điều kiện để Hội nghị diễn ra tốt đẹp, đặc biệt là bảo đảm an ninh cho các đoàn. Theo ông Võ Văn Sung, nguyên Tổng đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Pháp trong thời gian đàm phán Paris, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, nhìn tổng quát, có thể nói Paris là địa điểm có môi trường đàm phán, đấu tranh dư luận, tranh thủ quốc tế vào loại tốt nhất cho hai đoàn đàm phán của ta.


Hai chiếc bút dùng để ký kết Hiệp định Paris năm 1973
Paris hội tụ những điều kiện mà không thể tìm thấy ở các thủ đô khác. Thứ nhất, Paris là trung tâm báo chí không chỉ của châu Âu mà của cả thế giới. Không ở đâu có khả năng tập hợp dư luận và thông tin một cách nhạy bén như ở Paris, nơi có thể ví là đầu não của thông tin thế giới lúc bấy giờ. Pháp có nền báo chí lớn, trong đó nhiều báo chí có cảm tình với Việt Nam. Thư ký của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris, ông Lưu Văn Lợi kể: người ta tường thuật rằng, chưa có hội nghị quốc tế nào tại Paris mà buổi khai mạc, riêng phóng viên đã lên tới... 3.000 người. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam luôn chiếm gần như một nửa thời lượng thông tin thời sự thế giới, đặc biệt là giai đoạn cuối của tiến trình đàm phán Hiệp định Paris. Báo L’Humanité (Nhân đạo) đã tạo ra một diễn đàn thực sự cho các nhà đàm phán Việt Nam là Xuân Thủy và Nguyễn Thị Bình... Các tuyên bố của họ được đăng hàng tuần. Thực tế, Việt Nam đã tận dụng được Paris như là một đầu não thông tin quốc tế để tuyên truyền tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và tính phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, tranh thủ dư luận của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Bình trả lời báo chí tại Paris

 Báo Nhân Dân số ra ngày Chủ nhật, 28.1.1973 đã in trên trang nhất những dòng chữ to, nét đậm, in hai màu đỏ và đen nổi bật:

“Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã giành được thắng lợi vĩ đại.

Hiệp định Paris đã được ký chính thức.

Từ 7 giờ sáng nay, chiến tranh chấm dứt ở cả hai miền nước ta”.

Thế là “Chính nghĩa đã thắng phi nghĩa! Ý chí bất khuất đã thắng bạo tàn! Việc đạt một hiệp định như vậy là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam” - như tuyên bố của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại cuộc họp báo lớn chiều 24.1.1973 ở Thủ đô Paris, Pháp.

Thứ hai, không thể không nhắc đến vai trò của Đảng Cộng sản Pháp (PCF) - một lực lượng chính trị rất mạnh ở Pháp lúc bấy giờ. PCF đã dành cho chúng ta sự giúp đỡ vô điều kiện, sự ủng hộ của tình đồng chí, tình anh em. Ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở phố Kleber, nằm cách Khải hoàn môn vài trăm thước, được dành làm nơi họp, PCF còn nhường hẳn trường Đảng (nằm ở quận “đỏ”, cực kỳ an toàn) cho đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Theo ông Lý Văn Sáu - người phát ngôn Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tại Hội nghị Paris 40 năm trước, có lẽ họ nghĩ Hội nghị này cũng nhanh thôi, không ngờ nó kéo dài gần 5 năm. Trong lịch sử của Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở Kleber, chưa có cuộc thương lượng quốc tế nào chiếm dụng phòng họp của Trung tâm liên tục gần 5 năm như cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ. Ngoài sự giúp đỡ vật chất to lớn mà PCF dành cho hai đoàn Việt Nam tham gia đàm phán, PCF có vai trò tích cực trong việc tập hợp các lực lượng chính trị và nhân dân Pháp ủng hộ các cuộc kháng chiến của ta và phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ. “Cảm động và tuyệt vời nhất là nhiều đảng viên PCF còn xin nghỉ một tháng phép để đến phục vụ hai đoàn Việt Nam” - ông Lưu Văn Lợi nhớ lại.

Thứ ba, Hội Việt kiều yêu nước tại Paris rất mạnh, từ thời Nguyễn Ái Quốc, sau này tiếp tục được củng cố để trở thành một lực lượng hùng mạnh, hậu thuẫn tích cực cho hai đoàn đàm phán của Việt Nam. Chính những Việt kiều yêu nước đã ủng hộ không chỉ tinh thần mà cả vật chất cho hai đoàn, từ cung cấp người phiên dịch, lái xe, bác sỹ, đến hỗ trợ tổ chức họp báo, tuyên truyền... Họ đồng thời cũng trở thành những “vệ tinh” tuyên truyền, phổ biến rộng rãi những quan điểm của phái đoàn ta, những thông tin về cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Ngoài ra, ở Paris, ta có điều kiện đi hàng chục nước xung quanh, các nước châu Âu và sang cả châu Phi, châu Mỹ... để tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.

Đại sứ Dương Văn Quảng, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Pháp nhìn nhận: Paris có lợi thế mà các nơi khác không thể có được cho việc tổ chức một hội nghị quốc tế dài hơi như vậy. Nếu thiếu các điều kiện khách quan như vậy, Hội nghị Paris khó có thể đi đến kết cục tốt đẹp như ta đã chứng kiến.

PV tổng hợp