Thủ tướng Pakistan tuyên bố tình trạng khẩn cấp về giáo dục trên toàn quốc, cùng với phát động chiến dịch tuyển sinh cho học sinh và bắt đầu bữa ăn trưa cho trẻ em tại trường học; đồng thời nhấn mạnh rằng, xóa mù chữ là quyền cơ bản của con người và là quyền hiến định, cũng như bảo đảm tương lai của Pakistan. Xóa mù chữ không chỉ đơn thuần là trang bị khả năng đọc và viết mà còn là “cánh cổng dẫn đến sự trao quyền, cơ hội kinh tế và sự tham gia tích cực vào xã hội”.
Ông Shehbaz Sharif cũng kêu gọi khu vực tư nhân và các tổ chức dân sự tại nước này chung tay với Chính phủ để giải quyết tình trạng mù chữ và không được tiếp cận giáo dục của trẻ em.
Với nỗ lực giảm tỷ lệ bỏ học và khuyến khích mọi trẻ em Pakistan hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, Chính phủ Pakistan cũng đã đưa ra các chương trình học bổng và các ưu đãi khác. Quốc gia này cũng đang triển khai một kế hoạch toàn diện để tích hợp công nghệ vào hệ thống giáo dục và đảm bảo rằng, thanh thiếu niên được trang bị các kỹ năng cần thiết để phát triển trong nền kinh tế số.
Đây không phải lần đầu Chính phủ Pakistan đưa ra tuyên bố về tình trạng khẩn cấp về giáo dục. Hồi tháng5, Thủ tướng Shehbaz Sharif đã nhắc đến điều này và cam kết sẽ đưa khoảng 26 triệu trẻ em bỏ học trở lại trường. Ông cho rằng, việc 26 triệu trẻ em không được đến trường và tình trạng chậm phát triển là những thách thức lớn mà Pakistan phải đối mặt, đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ để giải quyết.
Một báo cáo do Liên minh Toán học và Khoa học Pakistan (PAMS) công bố hồi đầu năm cho thấy, Pakistan có khoảng 71 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 5-16. Ước tính có khoảng 36%, tương đương 25,3 triệu trẻ em nước này không được đến trường. Trong số trẻ em không được đến trường, 53% là trẻ em gái.
UNESCO khẳng định rằng, việc thiếu tiếp cận giáo dục vẫn là một rào cản đáng kể, vì cứ 3 trong số 4 trẻ em ở các nước đang phát triển không thể đọc hoặc hiểu một văn bản cơ bản khi lên 10 tuổi và vẫn còn 754 triệu người lớn mù chữ trên toàn cầu, trong đó hai phần ba là phụ nữ.
Ngày Xóa mù chữ Quốc tế được thế giới tổ chức vào ngày 8.9 hàng năm nhằm nhắc nhở các nhà hoạch định chính sách, những người công tác trong ngành giáo dục và công chúng về tầm quan trọng của xóa mù chữ trong việc tạo ra một xã hội phổ cập về giáo dục, công bằng, hòa bình và bền vững hơn.