Sau lần thông báo cắt giảm mới nhất, tổng khối lượng cắt giảm của OPEC+ là 3,66 triệu thùng/ngày (bpd), tương đương 3,7% nhu cầu toàn cầu. Con số 3,66 triệu bpd được đưa ra đã bao gồm cả mức cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày mà Nga đơn phương tuyên bố hồi tháng 2.2023.
Trong số 1,16 triệu bpd mới nhất được công bố, nhà sản xuất hàng đầu của OPEC Ảrập Xêút cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày. Iraq sẽ giảm sản lượng 211.000 thùng/ngày, theo một tuyên bố chính thức. UAE cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng 144.000 thùng/ngày, Kuwait tuyên bố cắt giảm 128.000 thùng/ngày trong khi Oman tuyên bố cắt giảm 40.000 thùng/ngày và Algeria cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng 48.000 thùng/ngày. Kazakhstan cũng sẽ cắt giảm sản lượng 78.000 thùng/ngày.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cũng cho biết hôm 2.4 rằng Moscow sẽ gia hạn mức cắt giảm tự nguyện 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023. Moscow đã đơn phương thông báo những cắt giảm đó vào tháng 2 sau khi phương Tây đưa ra các mức trần giá.
Một nguồn tin của OPEC+ cho biết Gabon sẽ tự nguyện cắt giảm 8.000 thùng/ngày và không phải tất cả các thành viên OPEC+ đều tham gia động thái này vì một số đã bơm thấp hơn nhiều so với mức đã thỏa thuận do thiếu năng lực sản xuất.
Việc cắt giảm tự nguyện bắt đầu vào tháng 5 và kéo dài đến cuối năm.
Hồi Nga đơn phương cắt giảm, các quan chức Mỹ cho rằng, liên minh của họ với các thành viên OPEC khác đang suy yếu, nhưng động thái đồng loạt cắt giảm hôm 2.4 cho thấy sự hợp tác vẫn mạnh mẽ.
Những động thái của ngày 2.4 diễn ra một ngày trước cuộc họp ảo của Hội đồng Bộ trưởng OPEC + (tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ OPEC và các đối tác), bao gồm Ảrập Xêút và Nga, và dự kiến sẽ tuân theo mức cắt giảm 2 triệu bpd đã có cho đến cuối năm 2023.
Bước đi phòng ngừa rủi ro
Bộ Năng lượng Ảrập Xêút cho biết việc cắt giảm tự nguyện của vương quốc này là một biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ. Amrita Sen, người sáng lập và giám đốc của Energy Aspects, cho biết: “OPEC đang thực hiện các bước phủ đầu trong trường hợp nhu cầu có thể giảm.
Giá dầu tháng trước đã giảm xuống 70 USD/thùng, thấp nhất trong 15 tháng, do lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Tuy nhiên, động thái mới nhất của OPEC+ là điều khiến thị trường "trở tay không kịp" và có khả năng khiến giá dầu vọt tăng.
Người đứng đầu công ty đầu tư Pickering Energy Partners cho biết mức cắt giảm mới nhất có thể nâng giá dầu lên 10 USD/thùng, trong khi nhà môi giới dầu mỏ PVM cho biết giá dầu dự kiến sẽ tăng ngay lập tức khi các giao dịch tuần mới bắt đầu.
Chuyên gia Tamas Varga của PVM cho biết: “Tôi hy vọng thị trường sẽ mở cửa cao hơn vài USD... có thể lên tới 3 USD".
Goldman Sachs ước tính việc giảm sản lượng có thể giúp giá dầu tăng 7%, góp phần làm tăng doanh thu từ dầu mỏ của Ảrập Xêút và OPEC+.
Mỹ phản ứng gay gắt
Tháng 10 năm ngoái, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11 cho đến cuối năm, một động thái khiến Washington tức giận vì nguồn cung thắt chặt hơn làm tăng giá dầu.
Mỹ lập luận rằng thế giới cần giảm giá để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ngăn Tổng thống Nga Vladimir Putin kiếm thêm doanh thu để tài trợ cho cuộc chiến Ukraine.
Chính quyền Biden cho biết họ coi động thái được các nhà sản xuất công bố hôm 2.4 là thiếu hợp lý. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết: “Chúng tôi không nghĩ rằng việc cắt giảm là nên làm vào thời điểm này do thị trường không chắc chắn, và chúng tôi đã nói rõ điều đó”.
Giá dầu tăng vọt
Theo Reuters, ngay thời điểm thị trường mở cửa vào thứ hai (3/4), giá dầu đã tăng tới 5 USD/thùng.
Dầu thô Brent đạt mức cao nhất trong gần một tháng khi mở cửa, giao dịch ở mức 84,95 USD/thùng lúc 00:39 GMT, tăng 5,06 USD, tương đương 6,3%.
Dầu thô WTI của Mỹ chạm mức cao nhất kể từ cuối tháng 1 và đẩy lên mức 80,47 USD/thùng, tăng 4,80 USD, tương đương 6,3%.