“Độc quyền” khai thác 21 sân bay, mỗi ngày “bỏ túi” hơn 23 tỷ đồng
Được coi là doanh nghiệp “hot” nhất ngành hàng không, những năm qua, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là một trong những doanh nghiệp chính hưởng lợi trong dài hạn nhờ sự bùng nổ của ngành hàng không và du lịch của Việt Nam.
Hiện, Việt Nam có 22 sân bay khai thác hàng không thương mại, trong đó Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác 21 sân bay (trừ sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh).
Năm 2023, các sân bay của ACV quản lý, khai thác đã phục vụ trên 113,5 triệu lượt khách, thấp hơn 4% so với kế hoạch đề ra.
Tổng doanh thu ACV năm vừa qua đạt trên 20.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 10.619 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 8.571 tỷ đồng. Như vậy, với lợi thế độc quyền, mỗi ngày trong năm 2023, ACV đã “bỏ túi” hơn 23 tỷ đồng.
Ôm khoản nợ xấu hơn 6.000 tỷ đồng
Mặc dù báo lãi lớn nhưng ACV cũng đang đối diện với khoản nợ xấu ngày càng “phình to”. Theo báo cáo tài chính mới nhất được công bố, tính đến ngày 31.12.2023, tổng giá trị nợ xấu tại ACV đã lên tới 6.520 tỷ đồng, tăng 52% so với thời điểm đầu năm.
Đi cùng với tăng mạnh nợ xấu, khoản dự phòng cũng tăng từ 1.250 tỷ đầu năm lên 3.645 tỷ đồng vào cuối năm. Hãng hàng không đang nợ ACV nhiều nhất là Bamboo Airways. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng đang nợ 1.231 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mặc dù Pacific Airlines chỉ xếp thứ tư về giá trị nợ xấu (849 tỷ đồng) nhưng đối với khoản nợ quá hạn này, ACV đang phải dự phòng tới 760 tỷ đồng (tương đương gần 90%) cho thấy nguy cơ mất vốn.
Việc phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ quá hạn gần như không có khả năng thu hồi đã khiến gánh nặng chi phí của ACV tăng lên đáng kể.
Theo đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của ACV trong năm 2023 đã tăng lên 3.355 tỷ đồng, tăng tới 103% so với năm 2022. Chi phí tăng mạnh cũng khiến lợi nhuận của ACV bị “bào mòn” khiến một số quý lợi nhuận của ACV “giảm tốc” trong khi doanh thu vẫn lập đỉnh.
Các hãng bay đang “thu hộ” hàng nghìn tỷ đồng cho ACV mỗi năm, giá vé bị đẩy lên cao?
Phân tích về doanh thu của ACV có thể thấy, trong cơ cấu doanh thu năm 2023 của ACV, doanh thu phục vụ hành khách vẫn là nguồn thu chính đóng vai trò cốt lõi với giá trị lên tới 9.549 tỷ đồng.
Thực chất khoản thu nêu trên là khoản thu được cộng trực tiếp vào giá vé các hãng bay, được các hãng bay thu hộ cho ACV từ nhiều năm nay. Kế đến là doanh thu dịch vụ hạ cất cánh, đạt 2.570 tỷ đồng. Trong năm, ACV còn thu về 2.397 tỷ đồng từ các dịch vụ hàng không khác. Tuy nhiên, thuyết minh của ACV không thể hiện chi tiết khoản thu này.
Cũng chính từ việc các hãng bay “thu hộ” tiền cho ACV nên đã dẫn tới tình trạng một số hãng bay chưa hoàn thành nghĩa vụ thanh toán, hình thành những khoản nợ quá hạn khó đòi bị xếp vào nợ xấu khiến ACV nhiều lần phải làm công văn để giục trả nợ.
Thời gian gần đây, dư luận nói đến rất nhiều về thị trường vé máy bay, trong đó nổi bật là tình trạng giá vé máy bay đang có dấu hiệu ngày một gia tăng và hoàn toàn có khả năng vượt trần giá vé nếu như mức trần này không được điều chỉnh tăng lên. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, trong cơ cấu vé máy bay thì phần phí còn cao hơn cả phần vé rất nhiều.
Đương nhiên, để duy trì hoạt động của các cảng hàng không thì việc thu các loại phí dịch vụ sân bay là điều không thể tránh khỏi. Song, các chuyên gia cho rằng, đang tồn tại quá nhiều loại phí với mức thu của không ít loại trong số này đang ở mức cao đã và đang trở thành gánh nặng cho các hãng hàng không.
Khi hãng hàng không đẩy các loại phí đó vào giá vé máy bay thì đến cuối cùng, mọi khoản phí này đều đi ra từ túi hành khách và đương nhiên, người dân – những người đi máy bay vẫn là đối tượng phải gánh chịu dù muốn hay không.