Ông trùm của điện ảnh tiên phong
Jonas Mekas, “ông trùm của điện ảnh tiên phong” (avant-garde cinema), nói chuyện với Sean O’Hagan (trên tờ Người quan sát) về quá trình làm việc chung với Andy Warhol, Salvador Dali và Jackie Kennedy… Mekas bước vào tuổi 90 vào Giáng sinh 2012, nhưng ông vẫn còn minh mẫn và đầy nhiệt huyết. Trong dịp này, nhiều hoạt động vinh danh cuộc đời & sự nghiệp của ông được tổ chức ở London, Paris, New York.
![]() Đạo diễn Jonas Mekas 11.2012 |
Chúng tôi ngồi bên một cái bàn trong căn bếp tại xưởng phim của Mekas ở Brooklyn, bên dưới một bức ảnh phai màu của Arthur Rimbaud – một trong những nguồn cảm hứng bất tận của ông. Xung quanh, các thùng chứa đầy những tài liệu lưu trữ được xếp cao lên nhau theo từng ngăn định sẵn: báo chí, nhật ký, phim cuộn, thư từ, tiểu luận. Người đàn ông được gọi là ông trùm của điện ảnh tiên phong sắp bước vào thời kỳ “xưa nay hiếm”.
![]() Phim của Mekas (từ trái qua): John Lennon và Yoko trong phim Mừng sinh nhật John (1996), Jackie Onassis và các con trong phim Bên phía thiên đường (1999), Mekas và Dalí trong phim Between (1978) |
Trong đời thường, Mekas là một người tinh nghịch, mặc chiếc áo khoác lao động xanh dương và đội mũ, đôi mắt khép hờ và ngái ngủ cho đến khi ông dồn vào bạn một cái nhìn chòng chọc thấu suốt. Ông sinh ra tại một ngôi làng nhỏ miền bắc Lithuania ngày 24 tháng 12 năm 1922. Đó là một nơi “không có gì xảy ra, sau đó đột nhiên mọi thứ xảy ra”. Khi còn nhỏ, ông mắc một chứng bệnh lạ, trông rất gầy yếu nên có biệt danh “Xác chết”. Vì thế, ông thu mình vào những cuốn sách và kể lại thật ám ảnh trong nhật ký. Năm 1940, xe tăng Liên Xô ầm ầm vào Lithuania. Ông trốn đằng sau một bức tường trong làng và bắt đầu chụp ảnh bằng cái máy ảnh đầu tiên của mình, nhưng một người lính Nga giận dữ giật lấy máy ảnh và tịch thu cuộn phim. “Mọi thứ thay đổi khi người Nga đến”, ông nói. “Tất cả đều bị cuốn đi”.
Sau đó, năm 1949, ông và anh trai di cư sang Mỹ. Họ sống trong một ngôi nhà sơ sài ở Williamsburg, Brooklyn, và làm bất kỳ công việc nào có thể tìm được. Một trang nhật ký vào tháng 4 năm 1950, in lại trong cuốn sách Không có nơi nào để đi, chép rằng: “Chúng tôi đã tham gia một vài câu lạc bộ phim thử nghiệm, chỉ để tìm hiểu thêm về những gì đang xảy ra và được gặp gỡ mọi người”.
Làm thế nào ông có bước nhảy vọt từ xem phim thành sản xuất phim? “Tôi đã 27 tuổi và phải lấy lại tất cả các thời gian đã bị mất trong trại tỵ nạn, vì vậy tôi bắt đầu đón nhận mọi thứ. Tôi đến rạp chiếu phim mỗi ngày. Tôi thèm khát văn hóa, sự kích thích. Tất cả là cố nắm lấy thời gian”. Ông mua chiếc máy quay Bolex đầu tiên bằng tiền vay mượn chỉ hai tuần sau khi đến New York. Ban đầu, Mekas quay phim về cộng đồng Litva ở Brooklyn. Ông nói, ông vẫn còn nhiều khao khát mãnh liệt để phản ánh rõ cuộc sống lưu vong. Ông bắt đầu trình chiếu những bộ phim ngắn của mình trong các phòng chiếu nhỏ ở East Village và Lower East Side. Mùa xuân năm 1955, ông đến sống ở Manhattan. “Đó là khi cuộc sống mới thực sự bắt đầu”, ông kể. “Mọi người nói rằng tôi kém may mắn, nhưng tôi luôn nói rằng tôi đã may mắn khi bị lưu đày và bật gốc, bởi vì tôi bị ném vào New York đúng thời điểm có tất cả năng lượng và thái độ mới nổ ra ở khắp mọi nơi, không chỉ trong phim ảnh, mà còn trong văn học, nghệ thuật, âm nhạc”.
Năm 1961, Mekas làm bộ phim dài đầu tiên, Súng ống của cây cối (Guns of the Trees). “Nó ngốn hết 15.000$, lúc ấy là quá nhiều. Phim kế tiếp của ông, The Brig, dựa trên vở bi kịch cùng tên về một ngày bên trong một nhà tù quân sự, chi phí chỉ 900$ và mặc dù có diễn viên và bối cảnh theo kịch bản, nhưng đã giành Giải thưởng lớn của ban giám khảo (giải nhì, Grand Jury Prize) cho phim tài liệu hay nhất ở Venice vào năm 1964. Một đánh giá tích cực trên tờ Cahiers du cinéma: “Khi rời khỏi bộ phim này, người ta chắc sẽ không bao giờ nhìn thấy nó một lần nữa. Có vẻ như chẳng thể thấy một cảnh tượng như vậy hai lần”.
Một người khách khác của Mekas thời gian đó là họa sĩ Salvador Dalí, Mekas nói, “tôi cảm thấy anh ấy cần phải liên lạc với thế hệ trẻ và biết cái gì đã xảy ra ở New York”. Mekas nhớ Dalí “thình thịch lên cầu thang vào nhà tôi”, họ đã đồng ý rằng Mekas sẽ làm phim về một trong những hoạt động ngẫu hứng trên phố của họa sĩ này. Ngày 18 tháng 4 năm 1964, Mekas quay Salvador Dalí trong công việc, ấn tượng với cảnh Mekas nhăn nhó dắt người mẫu Veruschka trên phố và sau đó Dalí quết đầy kem cạo râu lên người cô.
“Tôi đã gặp Yoko vào năm 1962”, ông nói, “chúng tôi vẫn giữ liên lạc khi cô trở lại Nhật Bản và có vấn đề về thần kinh”. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Yoko quay lại Mỹ, đến nỗi Mekas phải tạo ra một công việc giả cho cô tại tạp chí Văn hóa Điện ảnh. Khi John và Yoko đến New York vào năm 1976 để định cư ở đây, Mekas là người đầu tiên họ gọi. “Đó là vào lúc nửa đêm, Yoko và John vừa hạ cánh tại sân bay JFK. John muốn một cốc cà phê phin. Tôi đưa họ đến một chỗ còn mở cửa, và John đã uống một cốc cà phê phin và một cốc cà phê Ireland. Có thể nói rằng John rất thích thú khi được uống cà phê vào đêm đầu tiên ở Mỹ”.
Mekas chưa bao giờ tự coi mình xung đột với điện ảnh truyền thống. “Chúng tôi chỉ đơn giản là muốn làm cái gì đó để có thể tồn tại bên cạnh Hollywood, nhưng họ xây những bức tường kiên cố bao quanh điện ảnh truyền thống nên chúng tôi phải hoạt động bên ngoài những bức tường đó bằng bất cứ cách nào có thể”. Ông kể năm 1960 chỉ có 15 địa điểm ở các trường đại học để trình chiếu những bộ phim của Maya Deren. Đến năm 1970, đã có 12.000 điểm chiếu. Mekas và người anh Adolfas, là chất xúc tác chính của sự thay đổi to lớn này.