Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu dự và chỉ đạo Đại hội.
Nhiều hoạt động ý nghĩa vì người nghèo
Theo báo cáo chính trị của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang Khóa IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 cho thấy, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai thực hiện đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra. Trong đó, nổi bật là đã vận động Quỹ “Vì người nghèo” và Quỹ “An sinh phúc lợi xã hội” với hơn 1.330 tỷ đồng; xây dựng và sửa chữa hơn 4.530 căn nhà đại đoàn kết, đạt 181,36% chỉ tiêu nghị quyết. Trong cả nhiệm kỳ, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức nhân rộng 169 mô hình hỗ trợ sinh kế, góp phần giúp đỡ cho 2.649 hộ vươn lên thoát nghèo. Qua đó, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 từ 5,11% đến cuối năm 2023 xuống còn 3,29%.
Ngoài ra, MTTQ Việt Nam các cấp tỉnh đã thực hiện giám sát 1.139 nội dung, trong đó MTTQ Việt Nam tỉnh đã chủ trì giám sát 74 nội dung, đạt 296% chỉ tiêu nghị quyết; MTTQ Việt Nam cấp huyện giám sát 147 nội dung và MTTQ Việt Nam cấp xã giám sát 918 nội dung. Đối với công tác phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam các cấp đã tổ chức phản biện được 343 văn bản, trong đó, cấp tỉnh phản biện 16 văn bản, cấp huyện phản biện 76 văn bản và cấp xã phản biện 251 văn bản.
Thực hiện hiệu quả Chương trình hành động thứ sáu
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu ghi nhận và đánh giá cao công tác chuẩn bị, nội dung, tài liệu Đại hội. Bà Tô Thị Bích Châu bày tỏ ấn tượng về các kết quả mà tỉnh Hậu Giang đã đạt được gắn với phong trào “Đoàn kết, sáng tạo” với nhiều mô hình rất đặc biệt, có tính sáng tạo và ứng dụng cao, phục vụ cho nhu cầu thực tế hằng ngày của người dân. Đặc biệt, MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tiếp nhận nhiều giải pháp, ý tưởng mới tham gia phong trào với gần 300 tác giả trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, có hai sáng kiến được công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2021.
Trong nhiệm kỳ tới, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang tập trung triển khai tốt phong trào thi đua cả nước chung tay “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang và các tổ chức thành viên bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của chính quyền địa phương. Từ đó, tuyên truyền, vận động Nhân dân tập trung xây dựng khung nền, thực hiện hiệu quả Chương trình hành động thứ sáu “Xây dựng khu dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”.
“Đây là chương trình mới, theo đó, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần được tính toán kỹ lưỡng vừa phù hợp với chủ trương chung, phù hợp với tình hình về điều kiện kinh tế - xã hội, dân cư, truyền thống văn hóa... tại từng khu dân cư, thôn, ấp”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Tô Thị Bích Châu lưu ý.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang quan tâm hơn nữa trong đổi mới phương thức triển khai thực hiện công việc, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và phát triển cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận ở cơ sở.
Vận động người dân bàn giao mặt bằng cho các dự án.
Phát biểu tại Đại hội, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành chia sẻ: Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, địa phương đã đạt nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực. Trong thành tích đó, có sự đóng góp tích cực, hiệu quả và quan trọng của MTTQ và các tổ chức thành viên, với các điểm nhấn là tích cực tham gia phòng, chống dịch Covid-19; huy động nguồn lực đóng góp cho an sinh xã hội; tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại: một số hoạt động của mặt trận còn mang tính phong trào, do đó, sự lan tỏa, hiệu quả còn hạn chế. Việc nắm bắt tình hình Nhân dân có lúc còn chưa kịp thời; năng lực của một bộ phận nhỏ cán bộ Mặt trận và tổ chức thành viên các cấp chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang yêu cầu Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang bám sát thực hiện chương trình, nghị quyết, chủ trương, định hướng, kế hoạch công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, của tỉnh, với phương châm: “Hình thức tập trung - Nội dung thiết thực - Hành động quyết liệt - Hiệu quả thực chất”. Đồng thời, xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ để thực hiện tốt bốn nhiệm vụ đột phá mà đại hội đã đề ra.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cũng lưu ý hiện nay, địa phương đang tập trung công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để phát triển công nghiệp, đô thị. Từ đó, đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ, bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án. Mặt khác, tiếp tục quan tâm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân trong tỉnh.
* Đại hội đã hiệp thương, thống nhất cử 88/89 ủy viên tham gia Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tại phiên họp thứ nhất, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã hiệp thương cử các chức danh trong Ban Thường trực. Kết quả, ông Trần Văn Chính tiếp tục giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Được biết, Ủy ban MTTQ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2024 - 2029 đã đề ra bốn nhiệm vụ đột phá, gồm: Xây dựng ít nhất 75 mô hình “Hỗ trợ sinh kế” thiết thực, hiệu quả do Mặt trận chủ trì phối hợp theo phương thức “Ba chung”, hỗ trợ sinh kế cho ít nhất 2.000 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo. Vận động Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình “An sinh phúc lợi xã hội” các cấp đạt ít nhất 900 tỷ đồng; kịp thời hỗ trợ xây dựng cho người dân có phát sinh mới, góp phần hoàn thành “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh. Mỗi đơn vị Mặt trận xã, phường, thị trấn xây dựng mới ít nhất 5 tuyến đường hoa kiểu mẫu, chiều dài mỗi tuyến đường hoa tối thiểu 1.000 mét. Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, phấn đấu 100% cán bộ chuyên trách đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn, năng lực, chất lượng hoạt động. Hàng năm có từ 90% trở lên đơn vị Mặt trận cấp xã và Ban Công tác mặt trận ở khu dân cư được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.