Ông Cò Loan (Phần 1)
Truyện ngắn của Nghiêm Lương Thành

06/10/2009 00:00

Người làng gọi ông là Ông Cò Loan bởi người con đầu lòng của ông tên là Loan và người ấy là kẻ sẽ có trách nhiệm chống gậy trúc, đội vành rơm, mặc áo xô thắt dây chuối trong đám ma của ông sau này. Cũng chẳng hiểu tại sao ông lại đặt cho con trai cả của mình một cái tên nhiều nữ tính như thế. Có thể do ông thích đẻ con gái đầu lòng chăng? Có được con gái đầu lòng còn thiết thực hơn cả ruộng sâu, trâu nái. Đối với ông, việc đó là hoàn toàn có thể hy vọng được; còn ruộng sâu trâu nái chỉ là những chất liệu tinh thần dân gian, làm cho giấc mơ của mình sau một ngày làm lụng mệt mỏi thêm phần trữ tình bay bổng. Phần thân xác duy trì được là nhờ lúa ngô khoai sắn, phần hồn là chỗ dựa của phần thân xác và nó đứng vững được ở cõi nhân sinh là nhờ những giấc mơ. Bí bách càng nhiều thì mơ càng lắm. Khi tần suất và cường độ của những giấc mơ đạt tới một ngưỡng nào đó thì tất sinh ra cách mạng. Cách mạng là tươi sáng. Loan phượng cũng tươi sáng, vì chúng thuộc giống tứ linh. Tứ linh là bốn giống sang quý. Từ xưa, những nhà quan thường lấy chúng đặt tên cho con cái; về sau, những nhà có của ăn của để cũng học theo: cho nó sang; và khi những làn gió dân chủ trong lành đã tỏa tràn khắp nơi, nó trở thành thứ hoàn toàn bình dân. Một lần, ông nói: “Mẹ cha nó chứ, của đáng tội, cái tên ấy nghe cũng bay bay đáo để”. Mà, biết đâu đấy, cái tên ấy, cũng có thể là một ước mơ cháy lòng của ông, những mong sao cho con cái thoát khỏi cái đói triền miên, cái thân phận nghèo hèn truyền kiếp của ông bà, cha mẹ nó. Tiếc một nỗi, phần thân xác của ông tuy có một chỗ dựa huy hoàng là vậy mà thực tế những gì ông có được lại còi cọc đến chảy nước mắt.

Ngày ấy, thời gian Mỹ ném bom miền Bắc, gia đình tôi phải đi tản cư theo hợp tác xã thủ công nghiệp, nơi mẹ tôi có công ăn việc làm. Làng Phượng, cách thị xã không đầy năm cây số, là địa phương chúng tôi tản cư đến; một cái tên đầy ứ chất thơ, mặc dù có bói cả tháng, khắp làng, cũng không ra nổi lấy một gốc phượng. Vậy thì, phượng ở đây, chắc hẳn, là cái tên thuộc giống tứ linh rồi. Làng Phượng nằm giữa con đường nội tỉnh và núi Dàn, một quả núi thấp nhỏ có đủ cả cây mọc trên đá, dây leo bụi rậm và tiếng chim kêu… Dấu chấm hết về phía tây của dãy núi đá vôi bắt đầu từ trong Vức, nổi tiếng với những ngọn núi Nấp, núi Nhồi cùng hòn vọng phu từ lâu đã phải đứng trơ trọi, càng ngày càng cô độc trên một triền đá đã gần như phẳng lỳ vì người ta đã và vẫn không ngừng nổ mìn lấy đá để nung vôi, tạc bia mộ và đem rải đường. Ô tô chạy trên con đường từ thị xã lên mạn ngược, khi qua khu vực này bao giờ cũng để lại phía sau chúng những cái đuôi dài cuồn cuộn, đặc quánh những bụi đá trộn với bột vôi, bột than, phải lúc lâu sau mới tan hết được. Sống ở vùng này, lỗ mũi và mi mắt của ai cũng có màu bàng bạc.

Ông Cò Loan là dân làng Phượng. Loan - Phượng chẳng phải là một cặp trời sinh đó sao? Có phải vì thế, từ lúc được cha mẹ sinh ra, ông đã gắn bó với cái làng này; gắn bó đến nỗi, dẫu biết là đi khai hoang trên mạn ngược, đất đai thoải mái, cuộc sống có thể no đủ, mà sao ông không thể nào quyết một bề mà dứt đi cho được. Có thể, còn có một cái gì đấy hệ trọng hơn cả miếng ăn. Cũng có thể, trong người ông không có nhiều chất cách mạng mặc dù trước đây cũng có lúc ông đã từng là một chàng trai lực lưỡng hào hùng, đã từng say sưa hát vang “nhà ta không cần lo, đời ta không cần thiết, ta quyết chí hy sinh…”, hòa vào đoàn người đang cháy khát tự do no ấm, gậy gộc trong tay, tiến thẳng vào nơi phủ huyện, phá tan cái chính quyền ọp ẹp mang bản chất áp bức, bóc lột, cấm đoán, sách nhiễu và coi dân như cỏ rác, lập nên một chính quyền mới chỉ chuyên tâm làm những việc có ích cho dân.

Không hiểu sao, ngay từ lần gặp đầu tiên, tôi đã thấy rất có cảm tình với ông. Người đàn ông có đôi mắt đen ẩn phía dưới đôi mày rậm, nước da ngăm đen, khuôn mặt hơi gẫy, chân đi cà nhắc đó luôn nở một nụ cười hiền lành và rụt rè mỗi khi tôi chào ông. Ông đông con, đứa nào mặt mũi cũng lem nhem, quần áo vá chằng vá đụp. Bản thân ông cũng mặc quần áo vá; chỉ có điều, hai cái ống quần ta nhầu nhĩ của ông chưa một lần tôi thấy chúng được buông xuống một cách thảnh thơi. Tuổi ông cũng chỉ trạc tuổi bố tôi, nghĩa là khoảng ngót năm mươi, nhưng không hiểu sao, cả làng, ai cũng gọi là Ông Cò Loan. Tôi, chẳng nghĩ ngợi gì, cũng thuận miệng mà gọi theo như thế.

Có lẽ ông cũng quý tôi. Ông luôn gọi tôi là chú, xưng tôi chứ không gọi là thằng, xưng tao như đối với những đứa trẻ cùng lứa khác. Tôi hỏi tại sao, ông bảo: “Vì chú là người có học” (Lúc ấy tôi đang học những lớp bảy, hệ mười năm, kia đấy). Đối thoại của tôi với ông, thường đại loại như thế này:

- Ông Cò Loan ơi, cho cháu một đẫn tre.

- Ờ, cái bụi ở cuối vườn ấy. Thích cây nào thì chú chặt cây ấy.

Hoặc:

- Ông Cò Loan ơi, bện giúp cháu một cái mũ rơm nhé.

- Ờ, tối nay tôi làm, sớm mai chú sang mà lấy.

Một lần đi ngang qua nhà ông, qua kẽ hàng rào cúc tần, thấy ông đang giỡ dong diềng ở góc vườn. Thoáng nhận ra tôi, ông vẫy vào, đưa cho mấy vầng củ còn nguyên cả đất ướt:

- Chú đem về luộc mà ăn.

- Cháu cảm ơn ông, nhưng… cháu không lấy đâu.

Tôi biết nhà ông rất khó khăn, thường phải ăn độn đủ thứ mà không mấy bữa được no. Tôi ngại, nhưng không biết từ chối thế nào cho nó dễ nghe hơn. Ông ngẩn mặt, vẻ không bằng lòng:

- Bữa trước, thấy mẹ chú đi mua dong diềng, tôi hỏi, bà ấy bảo chú thích thứ này lắm mà… hay là chú khinh tôi nghèo?

Tôi sợ quá, đành phải muối mặt mà cầm lấy.

Nói đến ông Cò Loan là, dứt khoát, người ta liên tưởng đến ngay cái đói. Cái nồi hai phần cơm tám phần khoai hoặc dong ấy cũng không mấy khi giúp gia đình ông quên được cái đói. Thuở ấy, nhà tôi cũng ăn độn, nhưng có sổ gạo và ăn độn bằng bột mỳ của nước ngoài, nên cũng có phần sang hơn. Người đời, nếu có đói, thì thường là đói meo, đói ngấu nhưng nhà ông lại chơi khác kiểu: đói luỹ kế!

Túng thì phải tính, lối đời vốn vậy. Khi cái đói đã luỹ kế tới trạng thái tới hạn, ông cũng tính. Người làng ai cũng nói ông là người có tật hay ăn trộm. Mà ai cũng nói, thì “hẳn cũng phải vì sao đấy chứ”(1). Vậy mà đối với tôi, cái việc vô đạo đức tày đình ấy, không hiểu sao, chẳng đọng lại chút ấn tượng gì nặng nề trong lòng. Mà, ngay cả cái làng này, kể cũng lạ, đã biết ông hay đi ăn trộm mà chẳng nhà nào có ý cảnh giác với ông; chẳng nhà ai dùng khóa; đi làm đồng, cửa nhà nào cũng chỉ thấy khép hờ. Về chuyện cái tật ông đi cà nhắc, có mấy người kháo rằng một lần ông bị những người ở nơi mất trộm bắt được, họ mới điên tiết cắt phăng đi của ông một gót chân bên phải để cho mà nhớ, mà chừa hẳn. Tôi không tin, tôi bức xúc chạy thẳng đến nhà cụ đồ già (trước đây cụ dạy chữ nho trong xã) hỏi cho ra nhẽ. Nghe tôi nói, cụ dụi ngay cái đóm đang cháy dở vào khe cái điếu bát, nét mặt nghiêm sắt lại, tay chống xuống bàn, chòm râu bạc khẽ rung rung:

- Tầm bậy! Thậm tầm bậy! Hơn chục năm trước, nhà bác ấy đi đập đá thuê cho xí nghiệp vôi đá trong núi Nhồi, lỡ bị đá lăn đè phải chân nên mới thành tật vậy đó!

- Người ta còn nói ông ấy ăn trộm đã thành nghề nữa cụ ạ.

- Nghề… thì chưa hẳn - giọng cụ dịu xuống - Nhưng ông ấy cũng chỉ trộm của nhà nước với hợp tác xã thôi… mà cũng chỉ ở vùng khác, tận nơi nảo nơi nào không biết nữa. Cháu tính, có ai đi làm công điểm cho hợp tác xã mà tận lực? Lúa má ngoài đồng năm nào nom cũng loe hoe; năng suất làm sao cao được, thành thử thóc chia theo mùa vụ cũng chẳng được là bao, nhà lại đông con. Muốn trồng trọt thêm cái gì cho các con thêm cái mà ăn thì không có đất. Muốn vào núi làm đá như trước cũng chẳng được, chân cẳng ông ấy như thế thì ai người ta thuê. Họp hành thì ai ai cũng đua nhau phát biểu bao la ngút ngát, nhưng mà… có ai quan tâm đến hoàn cảnh ông ấy đâu! Chậc, biết làm thế nào hở cháu!… Ờ - Đôi mắt cụ đồ bỗng sáng lên - Cứ loanh quanh thế mà rồi cũng góp được thằng Loan vào bộ đội đi Nam rồi đấy!

Ngày ấy, tôi học buổi sáng, buổi chiều về nhà vẫn nhận làm thêm thùng đựng nước mắm, thùng đựng sứa cho xí nghiệp nước mắm Hưng Hải; loại thùng ghép bởi những thanh gỗ tạp rồi chít các đường ghép cho kín lại bằng thứ nhựa lấy từ cây sơn trên rừng, nên cũng có đồng ra đồng vào. Tôi hay sang nhà ông bảo mấy đứa nhỏ học bài. Thỉnh thoảng lại đem sang cả lọ mực Cửu Long hoặc ít tập giấy viết năm hào hai (tôi cậy cục nhờ người quen mua cho ở công ty bách hóa tỉnh), nói dối là được thưởng, không dùng hết. Lần nào Ông Cò Loan cũng lặng im, rồi sau đó bảo mấy đứa: “Chúng bay cố mà học được như chú ấy, rồi ra đời chúng bay mới no được. Giống tao thì đếch ra gì!”

Chao ơi, có mỗi một chữ no thôi mà sao nó lại nặng đến thế. Không nhẽ tư tưởng “Dĩ thực vi thiên” của người Trung Hoa cổ đại nhập khẩu sang ta cả ngàn năm nay vẫn còn đất sống?

(Số sau đăng hết)

______________

1. Thơ Nguyễn Cảnh Mão.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ông Cò Loan (Phần 1)<BR>Truyện ngắn của Nghiêm Lương Thành
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO