Ổn định thị trường vàng do phương thức quản lý mới

- Thứ Tư, 26/06/2013, 08:36 - Chia sẻ
Tính đến thời điểm này, Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã có hiệu lực hơn một năm. Sau rất nhiều băn khoăn, lo ngại với những phân tích trái chiều, đến nay, phương thức quản lý mới này dường như đã giúp giải quyết một số bất ổn của thị trường.
 
Nguồn: baotintuc.vn

Hiệu quả đầu tiên của Nghị định 24 là đã không còn tình trạng sốt giá ảo, khiến các nhà đầu tư cá nhân đổ xô đi mua vàng. Thực tế, trong thời gian qua đã có nhiều đợt giá vàng tăng giảm mạnh tới hàng triệu đồng mỗi lượng, nhưng cảnh chen chúc mua vàng không diễn ra nhiều. Giao dịch chủ yếu trên thị trường thời gian này là các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước. Tính đến hết ngày 18.6.2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 32 phiên đấu thầu vàng với số lượng vàng trúng thầu là 813.000 trong tổng số 900.000 lượng vàng được chào thầu. Sau phiên đầu tiên chỉ có 2.000 lượng vàng trúng thầu do giá chào của Ngân hàng Nhà nước quá cao, 31 phiên tiếp theo hầu hết số vàng chào bán đều được đấu thầu hết. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, vẫn còn quá sớm để tin rằng đã loại bỏ được tình trạng đầu cơ. Theo Ts Vũ Đình Aánh, Bộ Tài chính, trong thời gian tới sự vận hành của thị trường chắc chắn sẽ phát sinh ra hiện tượng đầu cơ mới khi có cơ hội. Những điều kiện gây ra đầu cơ trên thị trường vàng cũng đã khác nên các biện pháp chống đầu cơ trong thời gian tới cũng phải khác.

Cần ghi nhận hoạt động mua bán vàng miếng đã được kiểm soát chặt chẽ hơn, với số lượng điểm bán giảm mạnh. Nếu như trước đây, cả nước có trên 12.000 cửa hàng hoặc điểm kinh doanh vàng, thì nay chỉ còn 2.497 điểm đủ tiêu chuẩn mua bán vàng miếng, thuộc 38 doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Việc chuẩn hóa các điểm mua bán vàng miếng được kỳ vọng là sẽ tránh được tình trạng bất ổn về giá, cũng như bất ổn về tuổi vàng. Dù vậy, vẫn còn những bất ổn chưa được tháo gỡ. Chẳng hạn như sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới quá cao trong suốt một thời gian dài vừa qua. Mức chênh lệch dao động từ 4 triệu đồng - 6 triệu đồng/lượng. Có nhiều lý do dẫn đến sự chênh lệch này như việc các ngân hàng thương mại đang tích cực mua vào vàng miếng cho kịp thời hạn đáo hạn của đợåt huy động vàng ngày 30.6.2013; giá vàng thế giới giảm quá mạnh và quá sâu... Song có ý kiến cho rằng, thực chất sự chênh lệch này không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế vì người dân không còn ồ ạt mua vàng miếng như trước nên không phải chịu thiệt vì chênh lệch giá. Vàng không phải là hàng hóa thiết yếu nên không nhất thiết phải giữ giá tương đương với giá thế giới. Tuy nhiên, việc để mức chênh lệch cao như vậy cũng là không công bằng với nhà đầu tư trong nước vốn có thói quen cất giữ vàng, mặc khác sẽ ảnh hưởng tới giá các sản phẩm trang sức vốn không thuộc đối tượng quản lý theo Nghị định 24. Ts Đinh Xuân Hạng, Học viện Tài chính cho rằng, hoạt động đấu thầu vàng trong thời gian qua chưa thể giải quyết quan hệ cung cầu, cũng như tác động đến giá vàng trong nước. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn quá cao trong khi thị trường thế giới đang có xu hướng giảm mạnh. Để giảm sự chênh lệch này cần sửa cơ chế đấu thầu vàng để có tác dụng như mong muốn. Để chống vàng hóa, một số ý kiến cũng cho rằng, cần thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia; chuyển hướng từ giao dịch vàng vật chất sang giao dịch các sản phẩm phái sinh như chứng chỉ vàng hàng hóa, vàng tài khoản...

Chỉ còn ít ngày nữa là tới thời điểm các ngân hàng thương mại phải hoàn thành việc tất toán các khoản huy động bằng vàng. Theo kỳ vọng của nhiều người, sau thời điểm này, giá vàng trong nước sẽ tiếp tục giảm và thu hẹp khoảng cách chênh lệch so với giá thế giới. Tất cả phải chờ câu trả lời từ thực tế.

Tố Uyên