Hỗ trợ con giống, kỹ thuật, bảo đảm đầu ra ổn định
Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A Nguyễn Quốc Việt cho biết, việc hỗ trợ sinh kế, tạo điều kiện cho người dân cải thiện đời sống luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Để tiếp sức, trợ lực hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, năm 2023, UBND xã Thạnh Xuân, tiếp tục xây dựng mô hình “Chăn nuôi dê thương phẩm”.
Địa phương lựa chọn những đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo để hỗ trợ thực hiện mô hình công khai, minh bạch, được sự đồng thuận cao từ cộng đồng, người dân. Cụ thể, mô hình “Chăn nuôi dê thương phẩm” được thực hiện tại 12 hộ gia đình, mỗi hộ tham gia được hỗ trợ 30 triệu đồng từ dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, vốn đối ứng của người dân là 25 triệu đồng và không thu hồi vốn.
Khi tham gia mô hình “Chăn nuôi dê thương phẩm”, mỗi hộ dân còn được hỗ trợ 3 con dê giống. Bên cạnh đó, bà con được tham gia các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, chăm sóc để mô hình đạt hiệu quả cao. Các đơn vị thường xuyên quan tâm theo dõi và hỗ trợ về kỹ thuật chăn nuôi, bảo đảm đầu ra ổn định. Mô hình này được đánh giá là có tính khả thi cao vì chi phí đầu tư chuồng trại thấp, nguồn thức ăn có sẵn và đầu ra ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao.
Ông Võ Thanh Sơn, cựu chiến binh ở ấp Láng Hầm B (xã Thạnh Xuân) cho hay, “từ nguồn vốn của Hội Nông dân, gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng để làm chuồng trại và mua con giống. Qua 10 tháng tham gia mô hình, tôi nhận thấy chăn nuôi dê là một giải pháp hữu hiệu giúp ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, vì vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa không tốn công sức chăm sóc, lại ít chi phí thức ăn”.
Vừa qua, xã Thạnh Xuân đã triển khai xây dựng dự án đa dạng hóa sinh kế mô hình giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn. Dự án với tổng kinh phí 720 triệu đồng cho 12 hộ nghèo, trong đó 11 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo tham gia dự án nuôi dê thương phẩm.
Tạo công ăn việc làm, giảm số người thất nghiệp
Tại thị trấn Nàng Mau (huyện Vị Thủy), nhiều hộ dân cũng đã tích cực chuyển đổi sang nuôi dê thương phẩm. Ông Nguyễn Hoàng Tuân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nàng Mau cho biết, thị trấn xây dựng tổ hợp tác nuôi dê cũng như phát triển các hộ gia đình làm ăn có hiệu quả để phát triển kinh tế, nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2023, UBND thị trấn Nàng Mau tiếp tục phối hợp với các ban, ngành đoàn thể tiến hành rà soát, bổ sung đề xuất nhân rộng mô hình nuôi dê thương phẩm. Với đặc tính dễ nuôi, sức đề kháng tốt, chi phí đầu tư thấp do nguồn thức ăn dễ tìm kiếm, giá dê thịt luôn ổn định, phù hợp với các hộ ít đất sản xuất, từ đó tạo thu nhập ổn định cho các hộ gia đình.
Tại thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành), Dự án mô hình nuôi dê tạo sinh kế cho người nghèo được thực hiện tại các ấp Khánh Hội, Thuận Hưng, Đông Bình, Đông Mỹ, Phước Thuận, Tân Hưng và ấp Thị Trấn, nhằm nhân rộng các mô hình tại gia đình bằng việc hỗ trợ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Cụ thể, dự án giúp tạo việc làm cho 20 hộ tham gia mô hình, các hộ tham gia được tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tiết kiệm chi phí, tạo ra sản phẩm có giá trị, tăng thu nhập, góp phần giải quyết việc làm ở địa phương. Phấn đấu giúp 15 hộ sau khi tham gia dự án được thoát nghèo bền vững.
Là một trong số 20 hộ được chọn tham gia dự án, ông Đinh Quốc Tuấn (ấp Phước Thuận, thị trấn Ngã Sáu) vui mừng chia sẻ, “từ sự hỗ trợ của dự án về con giống, tôi dự định xây khu chuồng trại có quy mô phù hợp. Để việc chăn nuôi dê đạt hiệu quả cao, tôi học thêm kỹ thuật chăm sóc, các bệnh thường gặp và cách phòng trị bệnh trên loài vật nuôi này. Hy vọng rằng, với bước khởi đầu này sẽ giúp gia đình cải thiện đời sống, tăng thu nhập”.
Về hình thức hỗ trợ, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình bằng con giống. Quy trình kỹ thuật áp dụng trong quá trình sản xuất được yêu cầu bảo đảm cung cấp nguồn nước sạch để phục vụ chăn nuôi; xây dựng hàng rào bao quanh khu vực chăn nuôi. Cung cấp hệ thống sưởi ấm khi nhiệt độ môi trường hạ thấp hoặc đến mùa sinh sản. Đối tượng được chọn tham gia mô hình còn được tham gia các hội thảo, tập huấn nâng cao kiến thức.
Ông Trần Văn Hiền, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Ngã Sáu cho biết, thị trấn Ngã Sáu là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện Châu Thành triển khai dự án mô hình nuôi dê tạo sinh kế cho người nghèo. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân thông qua các hoạt động sản xuất phù hợp với điều kiện hiện có, khả năng lao động, nguồn lực thực tế, giúp chuyển đổi phương thức sản xuất có hiệu quả. Bên cạnh đó, dự án còn giải quyết được công ăn việc làm cho người dân, góp phần giảm số người thất nghiệp, nâng cao đời sống.