ODA và vị thế nước có thu nhập trung bình
Sau nhiều nỗ lực, đặc biệt là qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, từ một nước đói nghèo, lạc hậu, chậm phát triển do phải chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, năm 2010, Việt Nam đã đứng vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình trên thế giới. Trong những năm qua, bên cạnh những cố gắng nội tại, thì việc tranh thủ ngoại lực, trong đó sử dụng vốn ODA-vốn viện trợ phát triển chính thức đã góp phần đưa nước ta tiến nhanh hơn trên con đường thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều thách thức.

Tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ vừa diễn ra tại thành phố Rạch Giá, Kiên Giang, các nhà tài trợ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, nhân dân Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển và đưa ra nhiều khuyến nghị thẳng thắn, tư vấn cho Chính phủ trong chặng đường tiếp theo khi Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình. Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Victoria Kwakwa chia sẻ: Việt Nam còn nhiều thách thức phải vượt qua, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo ở khu vực dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và dịch vụ y tế; mở rộng cơ hội sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường của người dân... Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện các chương trình mục tiêu của nước có thu nhập trung bình mới nổi như nâng cao chất lượng giáo dục đại học và dạy nghề, tạo nguồn tài chính đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở.
Với nhiều mục tiêu đan xen khi chúng ta mới chạm vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình thì bài toán đặt ra là phải sử dụng các nguồn lực như thế nào để phát triển, trong đó cần tận dụng tối đa các nguồn viện trợ và các khoản vay ưu đãi. Từ năm 1993, khi Việt Nam bắt đầu tiếp nhận ODA cho đến nay, nước ta đã nhận được cam kết tài trợ gần 55,4 tỷ USD. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, nhà tài trợ lớn nhất của Việt Nam năm 2010, Việt Nam là một trong số các nước sử dụng vốn ODA hiệu quả nhất. Điều này đã được minh chứng qua việc hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu Thiên niên kỷ như: năm 2010, nước ta đã xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng giới; đẩy lùi sốt rét và các loại bệnh dịch khác.
Khi lên vị trí mới - nước có thu nhập trung bình, Việt Nam sẽ phải tự lực nhiều hơn, thậm chí còn phải gánh vác trách nhiệm quốc tế - trở thành nhà tài trợ cho các nước kém phát triển. Do đó, vấn đề quan trọng là làm sao sử dụng từng đồng vốn tài trợ cho hiệu quả, tạo thành hạt nhân thu hút các nguồn vốn khác, như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, tăng thêm nguồn lực cho phát triển. Còn nhớ, ngay từ năm 2007, tại Hội nghị cuối kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Azay Chiber đã phát biểu: “Nếu đạt ngưỡng 1.000 USD thu nhập bình quân đầu người/năm, Việt Nam sẽ được xếp vào danh sách các nước có thu nhập trung bình trên thế giới... khi đó, ưu đãi về ODA chắc chắn sẽ không còn như hiện nay”. Đầu năm 2009, thời điểm thế giới vừa qua đáy khủng hoảng kinh tế, nhiều nền kinh tế lớn trì trệ, dự báo vốn tài trợ cho Việt Nam sẽ giảm nhiều. Nhưng ngược lại, vào Hội nghị cuối kỳ nhóm các nhà tài trợ năm 2009, Việt Nam đã nhận được mức cam kết tài trợ kỷ lục: hơn 8 tỷ USD, khẳng định sự quan tâm, cũng như ghi nhận của các nhà tài trợ đối với những nỗ lực của Việt Nam. Khi đã trở thành một nước có thu nhập trung bình, nhiều vấn đề còn khó khăn hơn thời điểm nước ta còn nằm trong nhóm các nước có thu nhập thấp. Cần tiếp tục nỗ lực loại bỏ các hiện tượng không mong muốn như nạn tham nhũng, thủ tục hành chính nhằng nhịt và tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực trình độ cao...
Cho dù đã nằm trong nhóm nước có thu nhập trung bình, Việt Nam vẫn rất cần ODA trong vòng 10 - 15 năm tới. Vốn ODA - nguồn tài trợ phát triển nhưng không phải là quà tặng cho không. Thông thường chỉ 1/4 trong số vốn tài trợ là vốn viện trợ không hoàn lại, 3/4 còn lại sẽ là vốn vay. Cho dù là vốn vay với lãi suất thấp, thời hạn hoàn trả và ân hạn dài thì vẫn là nợ vay phải trả. Để tận dụng những ưu điểm của loại vốn đặc biệt này, và tranh thủ nguồn tài trợ cho phát triển, cần nỗ lực gấp đôi thời kỳ trước đây. Thông điệp này được Chính phủ Việt Nam gửi tới các nhà tài trợ tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2010 qua Chiến lược phát triển KT-XH quốc gia 2011-2020; đối phó với thách thức biến đổi khí hậu và Kế hoạch phát triển KT-XH 2011-2015, với trọng tâm là cải cách kinh tế, tăng trưởng cho mọi người và phát triển nguồn nhân lực.