Ô vuông sắc màu
Ngày nay những ô vuông vàng, đen, đỏ của Piet Mondrian dường như đã quá quen mắt với đời sống đương đại. Chúng có mặt ở khắp nơi, trên kiến trúc, nội thất, thậm chí được sơn lên ô tô. Nhưng lần đầu tiên ra mắt chúng đã khiến mọi người ngỡ ngàng bởi thực sự không hiểu bậc thầy hội họa người Hà Lan muốn nói gì.
Tại sao lại ô vuông? Tại sao hình chữ nhật? Tại sao lại là những mảng xám bên cạnh những mảng đỏ, hay một mảng đậm nhỏ bên cạnh một mảng sáng lớn? Nhiều câu hỏi đã được đặt ra đối với các bức tranh dạng ô vuông của Mondrian. Một sự trừu tượng đến khó hiểu.
Có lẽ khó có thể hiểu được hết cội nguồn các tác phẩm của Mondrian nếu không bắt đầu từ những bức tranh phong cảnh được ông vẽ năm 1909, khi còn chịu ảnh hưởng một cách đậm nét hội họa Ấn tượng và Dã thú. Những nét đen tạo nên xương sống của chiếc cây được hình học hóa trong sắc lam, hồng. Qua hàng loạt tranh như vậy, ông rút ra rằng hội họa không phải sự tái hiện một cách thô thiển đường nét của vật thể thật, mà phải thể hiện chúng bằng chính linh hồn chúng, là những đường nét cơ bản nhất. Và các hình vuông, nét ngang bắt đầu xuất hiện như hệ quả tất yếu của phép rút gọn.
![]() Bố cục C (số III) với đỏ, vàng và xanh, sơn dầu trên vải của Piet Mondrian, vẽ năm 1935, hiện thuộc bộ sưu tập cá nhân |
Đồng thời, những câu hỏi cụ thể về bản chất nghệ thuật cũng đến với ông: Một đường thẳng có phải đi đến tận mép tranh không? Hay phải dừng lại đúng sát nó? Làm thế nào để tất cả trở nên hài hòa? Câu trả lời là những nét bút được ông tính toán kỹ lưỡng đặt trên mặt tranh. Nó đồng thời cũng tuân theo thuyết Thần trí mà Mondrian là một tín đồ muốn hướng đến sự tìm kiếm nội tại bản thân. Do vậy, những nét đen trở thành xương sống, sắc đỏ, lam, vàng - ba màu cơ bản của hội họa đã trở thành sự kiệm lời cho mọi diễn tả. Và, cái đích cũng hiện ra là cảm giác thư giãn và niềm vui, dẫu các bức tranh đơn giản đến tột độ. Chúng dịu êm hay gắt gao như một bản nhạc không lời mà ông vẽ ra bằng màu sắc, dẫu chỉ lướt nhìn, người ta cũng khó quên.
Những ô vuông của Mondrian vào đầu thế kỷ XX có thể nói là sự phản kháng toàn bộ quan niệm về hài hòa trong nghệ thuật. Hài hòa ở những tác phẩm này không còn là sự phân bố đều đặn màu sắc trên bề mặt nữa, mà chính tỷ lệ của màu tác động thị giác làm nên điều đó. Sắc chói hay sắc trầm, chuyển động ngang hay chéo của các nét tự thân nó đã tạo nên giá trị. Do vậy không phải bỗng nhiên Mondrian đẩy những mảng màu rất cục bộ vào các góc khác nhau của bức tranh. Chúng không có chủ đề, mà lại mang chủ đề sâu sắc nhất là sự tìm về bản thể của chính Mondrian và công chúng thưởng ngoạn, xem để tìm ra chính mình.
Có thể nói, với phát minh này, Mondrian được xem là họa sỹ quan trọng nhất của chủ nghĩa trừu tượng theo lối tượng trưng tối giản. Cho đến nay, những ô vuông của ông vẫn tiếp tục minh chứng cho vị thế tối cao của nghệ thuật là tạo ra sự cân bằng để đạt đến sự tĩnh tại trong tâm trí. Đó cũng là lý do để các tác phẩm của ông được ứng dụng rộng rãi, từ kiến trúc, điêu khắc đến thiết kế nội thất, thời trang, đồ gia dụng trong đời sống hiện đại.