Ở Sydney, nhìn ra Biển Đông
Củng cố quan hệ là chủ đề được Australia và Mỹ tập trung thảo luận trong các cuộc họp cấp cao tại Sydney, Australia tuần qua. Động thái này nhằm mở đường cho quân đội Mỹ tăng cường sự hiện diện tại Australia, một phần trong chiến lược tái cân bằng tại châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông.
![]() |
Tại Hội nghị Tham vấn Bộ trưởng Ngoại giao - Quốc phòng Australia - Mỹ (AUSMIN) thường niên diễn ra cuối tuần qua, giới chức hai nước tập trung thảo luận vấn đề an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tăng cường quan hệ quân sự. Cụ thể, hai bên bàn thảo kế hoạch của Mỹ gia tăng triển khai luân phiên các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tại căn cứ không quân gần thành phố Darwin ở phía Bắc Australia; khả năng gia tăng hợp tác quân sự cũng như các đề xuất thiết lập hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa đạn đạo rộng lớn hơn để bảo vệ các đồng minh của Mỹ tại châu Á. Đây là một phần trong bước đi của chính quyền Obama tăng cường quan hệ quốc phòng với các đồng minh trong khu vực.
Hiện tại, theo thỏa thuận về hợp tác quốc phòng Mỹ - Australia, Mỹ hàng năm vẫn đang luân phiên triển khai 1.500 binh lính, chủ yếu là thủy quân lục chiến, tại căn cứ quân sự Darwin. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ tăng gần gấp đôi, lên 2.500 binh lính, trong đó có binh lính không quân và bộ binh, tại căn cứ không quân ở phía Bắc Australia này. Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Obama và Thủ tướng Australia Tony Abbott đã đạt được thỏa thuận, theo đó gia tăng sự có mặt của lực lượng quân sự Mỹ và tăng cường hợp tác quốc phòng song phương. Thỏa thuận còn bao gồm cả các chi tiết về chi phí xây dựng thêm các doanh trại và các cơ sở quân sự tại Darwin.
Trước hết, việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Australia là sự khẳng định chính sách xoay trục sang châu Á được triển khai từ nhiệm kỳ đầu của ông Obama. Các cuộc hội đàm lần này là bước quan trọng tiếp theo về mức độ tiếp cận và sự hiện diện ngày càng tăng của lực lượng Mỹ trên lãnh thổ Australia, cả về nhân lực và các trang thiết bị. Đây có thể được coi là thông điệp của Washington về tham vọng củng cố lợi ích của Mỹ tại khu vực trong bối cảnh xuất hiện quan ngại về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc. Nếu nhìn vào những gì Mỹ đang làm, rõ ràng người ta có thể thấy chính sách tái cân bằng vẫn còn hiệu lực và đang được thực thi tốt. Mỹ ngày càng can dự vào nhiều lĩnh vực, gồm cả quân sự và ngoại giao.
Thứ hai, củng cố an ninh khu vực và thực hiện điều mà Nhà Trắng lâu nay úp mở rằng giám sát Biển Đông. Sau khi Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) chấm dứt, giới chức Mỹ tuyên bố Washington sẽ giám sát các hành động ở Biển Đông để theo dõi các bước giảm căng thẳng có được thực hiện hay không. Trước đó, tại hội nghị này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố, tình hình ở châu Á càng trầm trọng hơn, do đó Mỹ và ASEAN có trách nhiệm chung về việc bảo đảm an ninh ở các vùng biển, vùng đất và hải cảng có ý nghĩa quan trọng chiến lược. Ông John Kerry còn kêu gọi các bên tiến tới thỏa thuận đa phương, nhằm đình chỉ mọi hành động có thể làm tình hình trở nên phức tạp và khiến căng thẳng leo thang.
Chuyên gia Vasily Kashin từ Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, Mỹ đang cố gắng đẩy mạnh chính sách kiềm chế Trung Quốc. Vì thế, họ ngày càng tích cực nói lên lập trường của mình, đặc biệt, về vấn đề Biển Đông.
Trước đó, trong cuộc hội đàm hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama và Thủ tướng Australia Tony Abbott đã tránh đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng lên án việc sử dụng những đe dọa, ép buộc hay vũ lực để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.