Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã lên đến mức báo động

Phạm Liên 24/03/2012 15:20

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hầu hết không khí tại các thành phố lớn ở Việt Nam bị ô nhiễm bụi tổng số, tiếng ồn. Trong đó, mức độ ô nhiễm không khí của TP Hà Nội đã lên đến mức báo động; chất lượng môi trường không khí đang bị suy giảm, bụi đang có chiều hướng gia tăng; một số khu vực có biểu hiện ô nhiễm CO, SO2, NO2 và tiếng ồn cục bộ. Ô nhiễm tại Hà Nội đã vượt quy chuẩn cho phép, chủ yếu là hàm lượng bụi cao hơn 1-2 lần tiêu chuẩn. Đặc biệt, tại các công trình xây dựng, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5-6 lần quy chuẩn cho phép.

Hoạt động giao thông chiếm 70% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí

 

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã lên đến mức báo động ảnh 1

Mức độ ô nhiễm bụi trong không khí xung quanh giữa các vùng có sự khác biệt đáng kể, trong đó tại khu vực mật độ giao thông đông đúc và các nút giao thông, các khu sản xuất công nghiệp, vượt mức quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí QCVN 05:2009. Tại nhiều khu vực như Thượng Đình, Mai Động, khu công nghiệp Thăng Long, khu công nghiệp Nội Bài, khu Bia Hà Đông, khu công nghiệp Định Công, nồng độ bụi, NO2, CO đều vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng không khí xung quanh. Nhất là tình trạng ô nhiễm tiếng ồn xuất hiện tại hầu hết các tuyến giao thông có cường độ xe tải lớn, mật độ giao thông đông đúc như Nguyễn Văn Linh, Giải Phóng, Trần Hưng Đạo, Thăng Long – Nội Bài, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng; mức độ tiếng ồn ở các đường giao thông này đều vượt quy chuẩn cho phép QCVN 26:2010, rõ nhất vào các giờ cao điểm. Đại diện Công ty ARIA Technologies, doanh nghiệp chuyên về phần mềm và hệ thống mô phỏng chất lượng không khí của Pháp, ông Jacques Moussafir cho rằng: nồng độ các chất gây ô nhiễm cao trong không khí là nguyên nhân khiến cho Hà Nội trở thành một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Á.
 
Các tác nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội bao gồm hoạt động giao thông vận tải, công nghiệp, hoạt động xây dựng, hoạt động sản sinh năng lượng, xử lý chất thải và hoạt động sinh hoạt của người dân. Trong đó, 70% nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội là từ hoạt động giao thông, xe máy và ô tô là 2 phương tiện góp tỷ lệ cao trong đó. Theo Trung tâm quan trắc môi trường, hoạt động giao thông góp phần tạo ra 85% lượng khí CO, 95% lượng VOCs và khí NO2 - các chất ô nhiễm môi trường không khí. Điều đáng quan tâm là số lượng phương tiện giao thông cá nhân tại Hà Nội tăng nhanh trong thời gian vừa qua. Theo số liệu mà ARIA technologies cung cấp, Hà Nội là thành phố có tỷ lệ sử dụng phương tiện công cộng thấp nhất châu Á. Mỗi năm Hà Nội có hơn 180.000 phương tiện giao thông được đăng ký, trong đó có 20.000 ô tô và 160.000 xe máy. Điều đó có nghĩa là tốc độ tăng phương tiện giao thông hàng năm bình quân từ 12 - 15%, đưa số phương tiện giao thông cơ giới lưu thông tại Hà Nội lên 4 triệu vào năm 2011. Bên cạnh đó, các phương tiện giao thông càng qua nhiều năm sử dụng thì càng tạo ra nhiều khí thải độc hại và gây tiếng ồn lớn.
 
Một nguồn gây ô nhiễm không khí khác nữa là hoạt động công nghiệp, chủ yếu là các ngành sản xuất thực phẩm và đồ uống, sản xuất sản phẩm kim loại, sản xuất gỗ và chế biến lâm sản. Các ngành công nghiệp hóa chất cơ bản và hóa chất khác như vật liệu xây dựng, sản xuất nhựa, phân bón... chiếm 25 – 27% nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí tại thủ đô. Bụi và phần lớn lượng khí SO2 gây ô nhiễm không khí đến từ hoạt động này.
 
Bên cạnh đó, hoạt động trong nông nghiệp và làng nghề cũng làm phát sinh chủ yếu các khí CH4, H2S, NH3, các khí có tính axit, kiềm độc hại vào trong không khí. Nhiều làng nghề tái chế kim loại, giấy nhựa, đúc đồng, thực phẩm, gốm sứ... đã thải lượng lớn bụi, khí SO2, NO2, CO, hơi axit và kiềm vào môi trường từ các quá trình xử lý bề mặt, nung, sấy, tẩy trắng, đục, tạo hình các sản phẩm. Theo số liệu Trung tâm quan trắc môi trường đưa ra, năm 2007, làng nghề gốm sứ Bát Tràng đã thải ra 262 tấn bụi; 8,6 tấn CO; 308,7 tấn SO2; 251,7 tấn NO2 vào môi trường… Đặc biệt, hoạt động sinh hoạt của người dân cũng là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí. Hoạt động đun nấu sử dụng nhiên liệu than, củi, rơm rạ phát sinh bụi và các khí CO, SO2, gây ô nhiễm cục bộ trong phạm vi một hộ gia đình hoặc vài hộ xung quanh, ảnh hưởng tới sức khỏe của người sử dụng và góp phần gây ô nhiễm môi trường chung. Ước tính tổng lượng thải SO2 từ sinh hoạt đô thị chiếm 0,03%, tổng lượng thải CO chiếm 0,01% tổng lượng thải đóng góp từ một số lĩnh vực chủ yếu.
 
Giải pháp nào để giảm ô nhiễm môi trường không khí?

Ô nhiễm không khí tác động xấu chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân trong thành phố, nhất là trẻ nhỏ. Để giảm ô nhiễm môi trường không khí trong các thành phố, nhất là đối với TP Hà Nội, cần thực hiện nhiều biện pháp trên nhiều lĩnh vực. Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, để nâng cao chất lượng không khí tại khu vực đô thị cần phải có nhiều giải pháp trên nhiều lĩnh vực như cần phải ban hành và áp dụng những quy chuẩn mới để các ngành công nghiệp giảm dần lượng phát thải; đồng thời giáo dục, tuyên truyền người dân giảm dần việc đun nấu bằng bếp than. Đối với lĩnh vực giao thông, cần phải giảm dần lượng phát thải của các phương tiện giao thông qua việc tăng cường phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, xe điện trên không, xe điện ngầm...) và các hình thức giao thông không gây ô nhiễm để giảm lượng số lượng phương tiện cá nhân lưu hành trên đường phố. Cần xem việc phát triển phương tiện vận chuyển công cộng như là trọng tâm để giảm nguy cơ tắc nghẽn và ô nhiễm giao thông tại các đô thị. Theo ông Jacques Moussafir, việc xây dựng các tuyến tàu điện ngầm chắc chắn sẽ có lợi cho chất lượng không khí tại Hà Nội.
 
Mặt khác, cần phải hoàn thiện thể chế, chính sách, luật pháp về bảo vệ môi trường không khí đô thị. Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm, chúng ta chưa tiếp cận tổng thể trong quản lý chất lượng không khí, bên cạnh các hoạt động đang được thực hiện thường xuyên như quan trắc, báo cáo hiện trạng; kiểm soát khí thải từ phương tiện, tiêu chuẩn nhiên liệu thì nhiều hoạt động đang bị bỏ trống hoặc ít được thực hiện như kiểm soát chất lượng nhiên liệu; kiểm soát nguồn thải; đánh giá, dự báo chất lượng không khí; ô nhiễm xuyên biên giới và chia sẻ thông tin và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng trong việc giảm ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, văn bản quy phạm pháp luật đặc thù cho quản lý môi trường không khí còn thiếu. Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác về bảo vệ môi trường không khí quá chung chung. Trong khi các quy định về bảo vệ môi trường trong nước thải, chất thải rắn, chất thải công nghiệp đều được chú trọng thì quy định về quản lý chất lượng không khí hầu như chưa có. Bên cạnh đó, cần kiện toàn hệ thống các trạm đo mức độ ô nhiễm không khí. Hiện tại, hệ thống các trạm này tại hà Nội và cả nước còn quá mỏng và thiếu. Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho biết, Hà Nội hiện chỉ có 2 trạm quan trắc đặt tại đường Phạm Văn Đồng và tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, số lượng này quá ít để đánh giá tổng quan môi trường không khí của Hà Nội. Ông Tùng cũng cho biết, Hà Nội cần ít nhất 10 trạm quan trắc trở lên. Hệ thống các trạm đo đạc này sẽ giúp biết được chính xác từng giờ mức độ ô nhiễm không khí tại các điểm khác nhau của thành phố, đồng thời cho phép xác định những tác nhân gây ô nhiễm với mức độ như thế nào và ở đâu. Trong tương lai, hệ thống này sẽ đánh giá và so sánh hiệu quả của các biện pháp được triển khai để khắc phục ô nhiễm không khí.
 
Đồng thời cũng cần tăng cường nguồn lực tài chính, nguồn đầu tư cho  công tác quản lý, kiểm soát môi trường không khí; đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học về môi trường không khí và triển khai mạnh mẽ các chương trình kiểm soát ô nhiễm không khí đặc thù như ô nhiễm bụi, kiểm soát khí thải ngành xi măng, khoáng sản, thép… để nâng cao chất lượng môi trường không khí tại các đô thị.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã lên đến mức báo động
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO