Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Nút thắt sẽ được tháo khi tư duy thống nhất

- Thứ Hai, 30/08/2021, 06:20 - Chia sẻ
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi quy định liên quan đến quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng sẽ chuyển từ Nhà nước sang tổ chức chủ trì. Nhưng tại Hội thảo góp ý cho dự thảo Luật, do Ủy ban Pháp luật và Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, một vấn đề được nêu ra là phương án sửa đổi chưa thống nhất với quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
	Toàn cảnh hội thảo Ảnh: P. Thủy
Toàn cảnh hội thảo
Ảnh: P. Thủy

Thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Đối với quy định liên quan đến quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã bổ sung các Điều 86a, Điều 133a, Điều 136a, khoản 6 Điều 139. Theo hướng này, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thuộc về tổ chức chủ trì nhiệm vụ hoặc tổ chức, cá nhân khác, thay vì do đại diện Nhà nước thực hiện như hiện nay. Đồng thời, chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí này cũng sẽ được chuyển nhượng quyền cho tổ chức, cá nhân khác khi được đại diện chủ sở hữu Nhà nước chấp thuận.

Luật sư Đinh Nhật Quang cho rằng, phương án sửa đổi tại dự thảo Luật sẽ thúc đẩy thương mại hóa quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Thay vì thuộc quyền đăng ký của Nhà nước như hiện hành, các tổ chức chủ trì hoặc tổ chức, cá nhân khác đều được quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Nhưng ông Đinh Nhật Quang cũng lưu ý, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và dự thảo Luật đều chưa có quy định giải thích về hai khái niệm "giao quyền" và "ủy quyền". Chưa làm rõ điểm khác biệt giữa hành vi giao quyền và ủy quyền như vậy có thể gây tranh cãi trong quá trình áp dụng, nhất là trong xác định trường hợp nào được thực hiện hay không được thực hiện hành vi ủy quyền. Bên cạnh đó, dự thảo Luật mới dừng ở quy định công nhận tổ chức chủ trì hay tổ chức, cá nhân khác được giao thực hiện đăng ký để nhận văn bằng bảo hộ cho các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay thiết kế bố trí, chưa xác định cơ quan nào đại diện cho Nhà nước có thẩm quyền giao lại này.

Mặt khác, việc giao quyền đăng ký theo dự thảo Luật hiện nay chỉ quy định một chiều từ bên giao là Nhà nước cho bên được giao là tổ chức chủ trì. Dự thảo Luật chưa có quy định về sự phản hồi của bên được giao, cũng như yêu cầu việc giao quyền phải bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ của bên được giao quyền đăng ký này. Với quy định chưa rõ ràng này, ông Đinh Nhật Quang lo ngại, có thể xảy ra tình trạng một số tổ chức chủ trì trong cơ quan nhà nước không có thẩm quyền đăng ký hoặc có thẩm quyền không tương xứng với nhiệm vụ quản lý được giao vẫn được giao thực hiện đăng ký cấp văn bằng bảo hộ cho những kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ nêu trên.

Nhà nước đóng vai trò như nhà đầu tư

Một vấn đề khác được đặt ra khi chuyển quyền đăng ký này sang tổ chức chủ trì, hay tổ chức, cá nhân khác là kết quả từ nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước - tiền đóng góp của toàn dân, thì người dân lại không được sử dụng rộng rãi. Theo đại diện Hiệp hội thương mại giống cây trồng Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã quy định rõ, giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát triển, phát hiện do sử dụng ngân sách nhà nước hoặc từ dự án do Nhà nước quản lý thì quyền đối với giống cây trồng đó thuộc về Nhà nước. Song, tại văn bản hướng dẫn Luật quy định việc đăng ký và thực hiện các quyền được giao cho tổ chức trực tiếp chọn tạo hoặc phát hiện, phát triển giống. Do vậy, hầu hết các giống do viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học tạo ra được chuyển giao hoặc chuyển nhượng cho các doanh nghiệp tư nhân.

Nếu không có những điều chỉnh quy định pháp luật liên quan, một số chuyên gia lo ngại, kết quả từ việc chi ngân sách nhà nước cho chọn tạo giống cây trồng sẽ không thực sự giúp toàn dân được hưởng. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế giống cây trồng cho doanh nghiệp tư nhân độc quyền khai thác sẽ mất tính chất "giống" của Nhà nước.

Từ thực tiễn, ông Nguyễn Ngọc Hưng, giảng viên Học viện Khoa học, công nghệ và Đổi mới, sáng tạo cho rằng, mâu thuẫn giữa quy định của dự thảo Luật với Luật Khoa học và công nghệ cũng như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hình thành do quan niệm kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước là tài sản công. Hiện nay, chưa phân biệt trong phần tiền Nhà nước chi cho nhiệm vụ khoa học và công nghệ sẽ có tỷ lệ bao nhiêu là khoản kinh phí cấp không cho tổ chức nghiên cứu, thậm chí là cho cá nhân nghiên cứu, khi đề xuất nghiên cứu đáp ứng đạt các tiêu chuẩn đặt ra, hoặc theo đặt hàng nghiên cứu của cơ quan nhà nước để phục vụ nhu cầu quản lý. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, việc trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ vừa tạo động lực cho các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát minh sản phẩm có lợi cho xã hội, vừa tạo thêm một lượng thuế nhất định cho Nhà nước qua hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Do vậy, phần lớn trên thế giới, Nhà nước khi trao quyền sẽ không đòi hỏi thêm việc chia sau khi ứng dụng được thương mại hóa, phần chia chỉ giữa đơn vị nghiên cứu với khoa hay trường đại học. Nhà nước chỉ giữ vai trò như một nhà đầu tư, có quyền sở hữu như các nhà đầu tư khác.

Ông Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, vướng mắc với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công trong xác định quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ được tháo gỡ nếu coi đây là một kết quả đầu tư hay kinh phí cấp không của Nhà nước. Tách bạch được hai tính chất của kinh phí cấp cho thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sẽ giúp tư duy viết các nội dung khác của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ rõ ràng hơn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hưng và các chuyên gia tham dự Hội thảo thống nhất cho rằng, việc bồi hoàn kinh phí cấp cho nhiệm vụ khoa học, công nghệ không nên đề cập ở dự thảo Luật này, nên được quy định khi sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ hiện hành.

Lê Bình