Nuôi dưỡng văn hóa đọc

- Thứ Bảy, 04/12/2021, 06:44 - Chia sẻ
Mặc dù chịu tác động không nhỏ của dịch Covid-19, song thời gian qua các thư viện trên cả nước vẫn cố gắng tổ chức hoạt động thu hút người đọc bằng nhiều hình thức phù hợp với thực tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần nuôi dưỡng và phát triển văn hóa đọc.
	Thư viện ngày càng thích ứng linh hoạt với điều kiện mới nhằm duy trì số lượng người đọc - Ảnh: N.Linh
Thư viện ngày càng thích ứng linh hoạt với điều kiện mới nhằm duy trì số lượng người đọc
Ảnh: N.Linh

Kết nối người đọc qua truyền thông, mạng xã hội

Theo Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Đức, người đọc nói chung, trong đó phần nhiều là giới trẻ đều mê công nghệ, thích cái mới lạ và sáng tạo. Vì vậy, để thu hút họ đến với thư viện, hào hứng tham gia các hoạt động, chương trình, sự kiện liên quan đến sách, các thư viện phải có cách thức tổ chức sáng tạo, lấy người đọc làm trung tâm; tạo không gian phù hợp cho các lứa tuổi sử dụng thư viện, nhất là trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp hiện nay.

Ông Đức cho rằng, linh hoạt và an toàn nhất vẫn là lập kênh trao đổi và kết nối cộng đồng của thư viện trên mạng xã hội. “Việc ứng dụng mạng xã hội để kết nối với người đọc, phụ huynh, học sinh, tình nguyện viên và các đối tác là một tiện ích tuyệt vời nếu chúng ta biết cách sử dụng hiệu quả. Ngoài ra, đây còn là kênh thông tin để khảo sát mức độ hài lòng, thống kê số lượng người quan tâm, đo lường hiệu quả mỗi hoạt động và đón nhận ý kiến đóng góp của người đọc để công tác phục vụ được lâu dài và tốt hơn”.

Giám đốc Thư viện tỉnh Kiên Giang Lê Thị Thanh Thủy cho biết, trong thời gian giãn cách xã hội, để duy trì thường xuyên hoạt động, ngoài tạo điều kiện cho người đọc mượn sách báo về nhà, Thư viện tỉnh còn tích cực tuyên truyền văn hóa đọc qua các phương tiện truyền thông như báo, đài, website, mạng xã hội. Tiết mục Thư viện truyền thanh do Thư viện tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang duy trì phát sóng trên loa phát thanh của 3 thành phố và 12 huyện trong tỉnh vào sáng thứ 7 hàng tuần. Song song đó, chương trình Tạp chí Thư viện Kiên Giang được phát vào tối Chủ nhật đầu tháng (12 số/năm), với nội dung phong phú gồm các chuyên đề về biển đảo quê hương, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử, các ngày lễ lớn và tổng hợp các hoạt động nổi bật của Thư viện trong tháng.

Với Thư viện Quân đội, Ban Giám đốc Thư viện cũng chủ trương đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với tình hình mới, trong đó có công tác tuyên truyền giới thiệu sách, báo. Trưởng phòng Phục vụ bạn đọc, Thượng tá Nguyễn Thúy Cúc chia sẻ, Thư viện Quân đội đã giới thiệu hàng trăm cuốn sách hay nên đọc, sách chuyên đề và xây dựng hàng chục clip thu hút hơn 150.000 người tiếp cận bài viết. “Nhằm duy trì lượng người đọc, Thư viện còn đẩy mạnh hoạt động phục vụ từ xa với các hình thức cung cấp thông tin, tư vấn hướng dẫn người đọc sử dụng thư viện trực tuyến, cung cấp danh mục sách và tra cứu sách theo yêu cầu, phục vụ tài liệu từ xa cho giảng viên, học viên các học viện, nhà trường trong Quân đội...”.

Hợp tác tổ chức chương trình, sự kiện

Các thư viện trên toàn quốc còn hợp tác với đơn vị trong và ngoài nước tổ chức chương trình, sự kiện lớn cần huy động nhiều nhân lực và kinh phí. Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2021, Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hải Phòng phối hợp với thư viện các trường cao đẳng, đại học, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên và một số nhà xuất bản, nhà sách có sự tham dự của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, học giả, nhà giáo tổ chức thành công hoạt động chào mừng gồm nhiều nội dung: Trưng bày, triển lãm sách báo, xếp sách nghệ thuật, tọa đàm trao đổi về sách, hướng dẫn kỹ năng đọc sách, nói chuyện chuyên đề, giới thiệu tác giả, tác phẩm.

Phó Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hải Phòng Nguyễn Thị Hậu cho hay, khắc phục khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong hai năm 2020 - 2021, Thư viện thành phố vẫn phối hợp duy trì phục vụ sách báo lưu động bằng xe ô tô đa phương tiện cho học sinh 22 trường học trên địa bàn; thực hiện chương trình đưa sách tới Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng, Trường Giáo dục Thanh Xuân và Trung tâm Giáo dục lao động xã hội số 2. Đặc biệt, Thư viện chú trọng phục vụ sách báo tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, hải đảo…

Năm 2021, Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh tiếp tục hợp tác với Liên hoan phim Khoa học tổ chức các buổi chiếu phim, lớp tập huấn trực tuyến với mong muốn truyền tải các thông điệp về sức khỏe dưới góc nhìn khoa học, kèm theo các hoạt động giáo dục thú vị cho đối tượng học sinh và người làm giáo dục; phối hợp với Công ty Điện tử Samsung Vina tổ chức cuộc thi “Level up - Kỹ năng mềm mở cửa tương lai” tại Không gian chia sẻ S.hub dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh.

Ở một số thư viện tỉnh như Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Đà Nẵng, Thư viện tỉnh Sơn La, Thư viện tỉnh Yên Bái, Thư viện tỉnh Hưng Yên, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế… hoạt động hợp tác tổ chức sự kiện trong và ngoài nước cũng được kêu gọi đầu tư công sức, kinh phí. Các hoạt động phát triển văn hóa đọc vì thế đã tạo môi trường thân thiện để người đọc có điều kiện giao lưu, học tập...

Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Quốc Hùng khẳng định, hệ thống thư viện công cộng, thư viện chuyên ngành, đặc biệt là hệ thống thư viện lực lượng vũ trang đã có được những kết quả đáng ghi nhận trong triển khai Đề án Phát triển văn hóa đọc giai đoạn mới. Các hoạt động hội thảo, tập huấn nghiệp vụ, trưng bày, triển lãm… với nhiều hình thức đã góp phần giáo dục, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng, dân cư, phát huy vai trò quan trọng và sứ mệnh của thư viện trong việc cung cấp thông tin tại thời điểm rủi ro cao bởi dịch bệnh như hiện nay.

Hồng Hà