Nỗ lực sáng tạo, phục hồi theo lộ trình
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của người trẻ trong bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống?
- Thực tế hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận âm nhạc, tôi đã có trải nghiệm trực tiếp hoặc đồng hành liên quan đến sự tham gia của người trẻ trong bảo tồn văn hóa nghệ thuật truyền thống và sáng tạo giá trị mới. Đặc biệt là quá trình phục hồi hát xẩm - một trong những loại hình nghệ thuật có nguy cơ thất truyền đã dần hồi sinh và phát huy trong đời sống nhờ nỗ lực sáng tạo cùng sự kiên trì của nhiều cá nhân và cộng đồng. Câu chuyện bắt đầu năm 2005, tôi gặp nhạc sĩ Thao Giang và trở thành thành viên nhóm phục hồi hát xẩm, cùng GS.TS. NGND Minh Khang, nhạc sĩ Thao Giang, nhạc sĩ Hạnh Nhân, NSND Thanh Ngoan, NSƯT Văn Ty... Người trẻ thời điểm đó có Mai Tuyết Hoa và tôi, thế hệ 7x, sau có thêm Khương Văn Cường.
Nhiệm vụ thời gian đầu của chúng tôi là từ tư liệu đã có, phục hồi một số điệu, bài xẩm phổ biến ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, tôi đề xuất với lãnh đạo NXB Âm nhạc thực hiện album Xẩm Hà Nội đầu năm 2006 với các bài/điệu xưa gồm: xẩm Anh Khóa, xẩm tàu điện Giăng sáng vườn chè, Lỡ bước sang ngang, xẩm xoan, xẩm nhị tình và xẩm chợ Mục hạ vô nhân. Sau đó có thêm xẩm Hà Nội: Vui nhất có chợ Đồng Xuân, xẩm phồn huê Quyết chí tu thân, Cái trống cơm...
- Đây đều là tác phẩm đã thất truyền, song đến nay trở nên quen thuộc với công chúng. Hành trình này diễn ra thế nào, thưa ông?
- Thành công ban đầu đã thôi thúc tôi vận động để Sân khấu âm nhạc dân gian “Hà Nội 36 phố phường” tại chợ đêm Hàng Đào - Đồng Xuân sáng đèn (năm 2006). Tháng 1.2008, chúng tôi tổ chức “Đêm xẩm trống quân mừng xuân Mậu Tý” tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Cùng năm đó, từ nguyện vọng của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu được thấy lễ giỗ tổ nghề hát xẩm hồi sinh, tôi nghiên cứu viết nội dung kịch bản, lễ giỗ tổ sau đó diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Năm 2009, nhận thấy hát xẩm truyền thống đã lan tỏa trong đời sống, tôi nghĩ xẩm cần có bước phát triển, sáng tạo mới nên đã vận động thành lập nhóm xẩm Hà Thành. Ngay sau đó, chương trình “Xẩm Hà Thành” được tổ chức có sự kết hợp với beatbox và hiphop; các sản phẩm mới cũng lần lượt ra đời như: Tiễu trừ cướp biển (2014), Xẩm trà đá (2015), Bốn mùa hoa Hà Nội (2016), Tứ vị Hà Thành (2017), Chúc Xuân chúc phúc (2020)... Trước nhu cầu phát triển của âm nhạc đại chúng, xu hướng của giới trẻ, tôi biên soạn Xẩm Hà Nội dựa trên xẩm cổ kết hợp với EDM, Rap; chuyển soạn các sáng tác mới cho xẩm truyền thống kết hợp với EDM.
Từ những thành quả mà xẩm lan tỏa, hiện có thêm nhiều người trẻ thuộc lứa sau chúng tôi yêu và gắn bó với xẩm, như Đào Bạch Linh ở Hải Phòng hay Bùi Công Sơn ở Thái Bình…
Có chế độ, chính sách thu hút người trẻ
- Từ thực tiễn tham gia phục hồi và làm mới xẩm, ông thấy quá trình này cần lưu ý điểm gì để đạt hiệu quả như mong muốn?
- Sinh ra và lớn lên trong những cộng đồng và môi trường nuôi dưỡng nghệ thuật, chúng tôi - những người yêu nghệ thuật truyền thống đều được tiếp xúc với nghệ thuật từ nhỏ, có người thưởng thức, có người trực tiếp thực hành. Điểm khởi đầu để tham gia bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống thường ở vai trò người thực hành mức độ phổ thông là nghệ nhân trình diễn, hoặc trực tiếp tạo ra sản phẩm. Bắt đầu chính thức tham gia quá trình phục hồi giá trị truyền thống và sáng tạo giá trị mới khi đã hiểu rõ về di sản, sáng tạo giá trị mới khi đã ở độ chín của tuổi thanh niên.
Xuất phát điểm khác nhau, người trực tiếp tham gia học tập tại các trường chuyên về nghệ thuật phù hợp, người trực tiếp lĩnh hội từ cộng đồng, học hỏi từ phương thức truyền khẩu và từ thực tiễn khi thực hành di sản. Dù là sáng tạo cộng đồng, thành quả của sáng tạo sau khi áp dụng thuộc về cộng đồng nhưng quá trình phục hồi, cải tiến và sáng tạo cần bảo đảm yếu tố cá nhân, không can thiệp, không gây khó dễ trong quá trình một cá nhân hoặc nhóm cá nhân thực hiện cải tiến, sáng tạo giá trị mới. Đồng thời, cần các nhà chuyên môn và cộng đồng có cái nhìn nghiêm túc, khách quan nhưng bao dung khi đón nhận những giá trị mới. Song cũng cần điều chỉnh nghiêm túc nếu chưa phù hợp.
- Thành phần tham gia bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, sáng tạo giá trị mới chủ yếu đến từ cộng đồng, theo phương thức xã hội hóa, xuất phát điểm khác nhau. Quá trình này có thuận lợi và khó khăn gì, thưa ông?
- Đúng vậy. Có người lấy hoạt động phục hồi và sáng tạo giá trị mới đưa vào sản phẩm để tạo ra giá trị kinh tế và lấy đó làm công việc chính thức; có người chỉ xem quá trình hoạt động sáng tạo gắn với giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống là đóng góp; có người lấy nghề khác để sinh sống và tham gia mang tính chất giữ gìn truyền thống của quê hương.
Có nhiều điểm thuận lợi bởi chủ yếu là tham gia tự nguyện và lấy việc tham gia này, cùng với những đóng góp của mình, là niềm vui trong cuộc sống. Nhưng hạn chế là yếu tố ràng buộc không cao, có thể bỏ bất cứ lúc nào nếu bất đồng quan điểm. Bên cạnh đó là kinh phí cá nhân tự bỏ ra nên phụ thuộc vào khả năng của mỗi người và sự tham gia hỗ trợ từ cộng đồng. Nếu chưa đủ điều kiện tối thiểu để triển khai, họ sẽ không dành kinh phí cùng tâm huyết sáng tạo cho nghệ thuật truyền thống.
- Từ thực tế đó, theo ông cần chính sách gì để hấp dẫn người trẻ tham gia và giữ chân họ gắn bó, cống hiến cho văn hóa nghệ thuật truyền thống?
- Theo tôi, cần nhìn nhận nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ là nhóm đối tượng quan trọng, đóng góp trực tiếp trong công tác thực hành di sản, từ khía cạnh bảo tồn, phục hồi đến phát huy và sáng tạo giá trị mới cho nghệ thuật truyền thống. Vì vậy, cần tạo điều kiện tốt nhất cho người trẻ có trình độ, có thực tiễn, đam mê sáng tạo, cải tiến phương thức cũ và sáng tạo giá trị mới cho nghệ thuật truyền thống; hỗ trợ kinh phí, điều kiện tốt nhất để người trẻ có thể thực hành di sản.
Đối với những người thuộc khu vực Nhà nước, cần quan tâm chế độ, chính sách đãi ngộ, nơi ở và môi trường biểu diễn để họ yên tâm gắn bó với nghề. Đối với những người hoạt động tự do tại các tổ chức phi chính phủ, làng nghề, nhóm nghề truyền thống hay độc lập, cần tạo điều kiện tốt nhất cho họ phát huy năng lực và đam mê cống hiến cho xã hội…
- Xin cảm ơn ông!