Nước - thành phần quan trọng đầu tiên cần được bảo vệ
Trung Quốc chiếm 22% dân số thế giới, trong khi chỉ có khoảng 7% nước sạch. Tình trạng thiếu nước sạch ngày càng trở nên nghiêm trọng khi nguồn nước tự nhiên đã và đang bị ô nhiễm do tác động của các hoạt động phát triển công nghiệp và đô thị tại Trung Quốc. Trước tình hình đó, Chính phủ Trung Quốc đã ưu tiên xây dựng Luật Ngăn ngừa và Kiểm soát ô nhiễm nước năm 1984, trước cả khi có Luật Bảo vệ môi trường (năm 1989).
Quá trình hình thành
Năm 1972, tình trạng ô nhiễm nước ở vịnh Đại Liên gây tổn thất nghiêm trọng cho ngành thủy sản và sự cố ô nhiễm nước tại sông Tùng Hoa gây ra bệnh Minamata cho người dân địa phương do ăn cá từ sông bị ô nhiễm. Nhận thấy việc kiểm soát ô nhiễm nước là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, năm 1984, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành Luật Ngăn ngừa và Kiểm soát ô nhiễm nước (WPPCL) và Luật Bảo vệ môi trường biển 1999. Luật WPPCL có 7 chương và 46 điều là Luật đầu tiên của Trung Quốc về phòng chống và kiểm soát ô nhiễm, tập trung chủ yếu vào ô nhiễm công nghiệp.
Luật WPPCL đã được sửa đổi lần đầu vào năm 1996, với 23 điều được điều chỉnh, bổ sung.
Năm 2008, Luật WPPCL tiếp tục sửa đổi do hậu quả của việc ô nhiễm nước nghiêm trọng trên cả nước và các sự cố về ô nhiễm nguồn nước vẫn xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc. So với Luật WPPCL 1996, Luật năm 2008 có nội dung bao quát hơn, cấu trúc Luật hoàn chỉnh hơn, có nhiều điểm mới và cơ chế phạt nghiêm khắc hơn.
Củng cố trách nhiệm của chính quyền địa phương: Theo Luật WPPCL 2008, chính quyền địa phương phải đưa bảo vệ môi trường (BVMT) nước vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chính quyền sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng nước trong khu vực quản lý tương ứng của mình. Luật cũng quy định lấy thành tích đạt được trong mục tiêu bảo vệ nước là một chỉ số để đánh giá hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý môi trường.
Tạo cơ hội cho cộng đồng tham gia vào công tác BVMT: Theo quy định của Luật WPPCL 2008, cộng đồng có quyền yêu cầu tiết lộ thông tin về chất lượng nước quốc gia một cách thống nhất. Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc có trách nhiệm ban hành các thông tin về tiêu chuẩn chất lượng nước quốc gia để tránh nhầm lẫn và bảo đảm công chúng được cung cấp thông tin chính xác và đáng tin cậy về chất lượng nước. Luật mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết tranh chấp môi trường. Bên cạnh đó, Luật có một điều khoản quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại môi trường. Theo Điều 88, nếu số lượng (lớn hơn 10) các bên có quyền lợi hợp pháp bị thiệt hại trong một sự cố ô nhiễm nguồn nước với mức độ tương đối lớn, các bên có thể lựa chọn một đại diện để nộp đơn kiện tập thể.
Đối với các đơn vị vi phạm pháp luật và gây ra sự cố ô nhiễm nguồn nước (nếu vụ việc là nghiêm trọng), chủ doanh nghiệp/nhà máy sẽ phải nộp khoản tiền phạt dưới 50% doanh thu của doanh nghiệp trong năm trước đó. Luật mới cũng mở rộng các biện pháp thực thi bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp và được thực hiện bởi cơ quan môi trường địa phương. Ví dụ, Luật mới quy định, đối với các đơn vị thiết lập trái phép cống thoát nước hoặc đường ống ngầm, cơ quan môi trường địa phương hoặc Bộ Bảo vệ môi trường phải ban hành lệnh dỡ bỏ trong một thời gian nhất định.
Cải thiện một số công cụ quản lý: Theo Luật WPPCL 2008, để kiểm soát được hoàn toàn chất lượng nước dòng sông, hồ thì bắt buộc ngay cả các nhà máy đạt tiêu chuẩn cũng phải giảm lượng thải các chất gây ô nhiễm chính. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng phải giảm thiểu và kiểm soát tổng lượng thải các chất gây ô nhiễm nước trong khu vực hành chính và Chính phủ chịu trách nhiệm tương ứng để giảm thiểu và kiểm soát tổng lượng thải các chất trong phạm vi quốc gia. Đối với những nơi có tổng lượng thải các chất gây ô nhiễm nước trên mức quy định, cơ quan bảo vệ môi trường địa phương sẽ phải dừng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với hạng mục công trình nào có thể làm tăng tổng lượng phát thải các chất gây ô nhiễm.

Luật Ngăn ngừa và Kiểm soát ô nhiễm nước 2017
Tháng 6.2017, dự thảo sửa đổi Luật Ngăn ngừa và Kiểm soát ô nhiễm nước đã được Quốc hội Trung Quốc thông qua và chính thức đi vào cuộc sống từ ngày 1.1.2018. Văn bản mới tăng cường trách nhiệm và sự giám sát của Chính phủ đối với vấn đề trên. Trong phạm vi luật, có bốn lĩnh vực trọng tâm cần lưu ý đó là hệ thống lãnh đạo về bảo vệ nguồn nước hay còn gọi là hệ thống “các thủ lĩnh sông”, bảo vệ an toàn nước uống, kiểm soát ô nhiễm nước nông nghiệp và đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật.
Cụ thể, hệ thống lãnh đạo về bảo vệ nguồn nước đã lần đầu tiên được đưa vào luật mới. Theo đó, các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm giải quyết ô nhiễm nước, bao gồm công tác bảo vệ tài nguyên, quản lý tuyến dẫn nước, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và phục hồi sinh thái. Các quan chức hoàn thành nhiệm vụ sẽ được khen thưởng, ngược lại sẽ phải đối mặt với những hình phạt và bị hạn chế cơ hội thăng tiến. Thực tế, hệ thống “thủ lĩnh sông” này lần đầu tiên được thí điểm thành công ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô cách đây một thập kỷ để giải quyết tình trạng ô nhiễm nước ở hồ Taihu do tảo gây ra và đã được triển khai trong những năm gần đây trên khắp đất nước như một phần trong nỗ lực mạnh mẽ hơn trong công tác phòng, chống ô nhiễm nước.
Cũng theo luật sửa đổi, để ngăn ô nhiễm nước từ nguồn nông nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng và sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu... phải tuân thủ các yêu cầu bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, nguồn nước sạch và chất lượng nước uống là một lĩnh vực quan trọng khác. Luật quy định, các nguồn nước khẩn cấp và dự phòng cần được thiết lập tại các thành phố chỉ có nguồn nước duy nhất và chính quyền trên cấp quận phải cung cấp thông tin công khai về chất lượng nước uống ít nhất một lần mỗi quý. Các nhà cung cấp nước uống không đáp ứng tiêu chuẩn sẽ bị phạt và bị đình chỉ hoạt động cho tới khi khắc phục được hậu quả. Thậm chí, những ai xây dựng hệ thống thoát nước thải trong khu vực nguồn nước uống được bảo vệ còn bị phạt nặng hơn.
Theo luật sửa đổi, mức tiền phạt lớn nhất cho các vi phạm có thể lên tới 1 triệu Nhân dân tệ. Đối với những trường hợp nghiêm trọng, hình phạt đóng cửa và truy cứu trách nhiệm hình sự cũng có thể được áp dụng. Luật cũng quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc giám sát các chất gây ô nhiễm nước. Đối với các doanh nghiệp không có thiết bị giám sát hoặc để thiết bị giám sát không hoạt động, họ có thể phải đối mặt với mức phạt lên tới 200.000 Nhân dân tệ.