Nước Mỹ Cộng hòa sẽ khác nước Mỹ Obama như thế nào?

Quốc Đạt
Theo Washington Monthly
01/09/2012 09:00

Tất cả các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa đều cho rằng, chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã làm cho nước Mỹ thất bại. Theo họ, bằng cách cố làm hòa với những kẻ thù như Iran, những đối thủ như Trung Quốc và xa rời các đồng minh như Israel, Obama đang theo đuổi chủ nghĩa nhân đạo với một hiểu biết yếu kém về lợi ích cốt lõi của nước Mỹ. Tóm lại, ông là một người “dễ thương cảm trong một thế giới khắc nghiệt”.

Mitt Romney, đối thủ phe Cộng hòa của Tổng thống Obama từng phát biểu trong cuộc tranh luận về vấn đề an ninh quốc gia: “Có những người trên thế giới muốn đàn áp những người khác, đó là điều xấu xa. Can dự chỉ khích lệ những lực lượng xấu xa đó. Đã đến lúc cần thay thế một cái bắt tay nhẹ nhàng bằng một nắm đấm siết chặt”.

Đó có vẻ là cách mà Romney sẽ chi phối các công việc đối ngoại của Mỹ nếu đắc cử. Nhưng chính sách đối ngoại không giống như chính sách đối nội. Nó bao gồm những phản ứng trước những sự kiện bất ngờ, phần lớn được định hình bởi chính những sự kiện đó và bởi hệ tư tưởng của tổng thống. Với tư cách là ứng cử viên, Bush đã hứa hẹn một chính sách thực tế dựa trên “những lợi ích” chứ không phải “những giá trị”. Thế nhưng nổi lên từ sự kiện 11.9, lời lẽ của ông nghe giống như một nhà tư tưởng theo đường lối Wilson – “quyết tâm dân chủ hóa khu vực Trung Đông”. Tuy nhiên, những phẩm chất bẩm sinh, những giả định cơ bản của họ về thế giới cũng quan trọng không kém. Bush, một ứng cử viên có quan điểm mờ nhạt về chủ nghĩa đa phương, và với tư cách tổng thống, ông coi thường vai trò của Liên Hợp Quốc (LHQ) để ủng hộ “những liên minh tự nguyện”. Vì vậy, trong khi không thể nói một cách chính xác là chính sách của một người Cộng hòa sẽ khác với chính sách của Obama như thế nào, thì một điều chắc chắn rằng, kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11 tới sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến cách hành xử của Mỹ trên thế giới.

Nguồn: Cagle Cartoons
Nguồn: Cagle Cartoons

Sự biến mất của hồ sơ Iraq và Afghanistan

Một điều kỳ lạ là, các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan – hai vở kịch đối ngoại lớn trong thập kỷ trước, sẽ có ảnh hưởng không đáng kể đến cuộc bầu cử tổng thống. Chúng chắc chắn sẽ biến mất dù ai giành chiến thắng. Các ứng cử viên Cộng hòa từng quả quyết rằng, không giống như Obama, họ sẽ lắng nghe các vị tướng của họ, nhưng không một ai trong số họ quá vội vàng để nói về “thắng lợi” ở Afghanistan như John McCain đã từng khẳng định năm 2008. Người Mỹ không còn muốn tham gia vào cuộc chiến trên bộ ở Trung Đông, giống như họ từng không còn tâm trí với bất kỳ cuộc chiến nào ở châu Á vào đầu những năm 1970. Mỹ sẽ để cho người Afghanistan tự xoay sở lấy sau khi rút quân năm 2014, cho dù điều này đồng nghĩa với việc Taleban sẽ kiểm soát một số vùng.

Với Iran: Cái bắt tay lịch sự hay nắm đấm siết chặt?

Nhưng ở một hồ sơ khác, một tổng thống Cộng hòa có thể sẽ ngả theo xu hướng đối đầu. Iran là một ví dụ nổi bật. Các đối thủ của Obama đã mô tả chính sách Iran của ông như “sự thỏa hiệp với cái xấu xa”. “Chúng ta đang bênh vực cái xấu vì Tổng thống của chúng ta tin rằng, những kẻ thù của chúng ta phẫn uất một cách chính đáng” – Rick Santorum từng phát biểu.

Là một ứng cử viên, Obama tranh luận rằng, Mỹ đã hy sinh ngay cả khả năng tìm kiếm điểm chung với các quốc gia như Iran bằng cách từ chối đàm phán với họ. Với tư cách là Tổng thống, ông đã thay thế cụm từ “trục ma quỷ” đầy khiêu khích của Bush bằng thứ ngôn từ mang tính xoa dịu hơn là “sự tôn trọng lẫn nhau vì những lợi ích chung”. Ông đã bỏ công sức gửi lời chúc mừng tới người dân Iran nhân ngày lễ năm mới của người Hồi giáo và nhắc tới nước này là “nước Cộng hòa Hồi giáo Iran”. Trong bài diễn văn đọc tại Cairo tháng 6.2009, Obama thậm chí còn thừa nhận bàn tay của Mỹ trong vụ lật đổ một nhà lãnh đạo được bầu dân chủ của Iran năm 1953.

Những người Cộng hòa cho rằng Obama quá ngây thơ khi tin rằng thứ ngôn ngữ hấp dẫn hơn này sẽ khiến Iran nhượng bộ trong chương trình hạt nhân của họ. Nhưng có vẻ Obama không ngây thơ đến vậy. Bằng cách chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy người Iran không hợp tác ngay cả với những giải pháp nhẹ nhàng, ông đã lôi kéo được một liên minh quốc tế sẵn sàng ủng hộ những biện pháp cứng rắn hơn. Năm 2010, Obama đã thuyết phục được Nga và Trung Quốc chấp nhận các lệnh trừng phạt cứng rắn của HĐBA đối với Iran. Iran đang dần bị cô lập hơn nhiều so với cách đây vài năm.

Nhưng ở những hồ sơ khác, Obama tỏ ra ít “thương cảm” hơn và thực dụng hơn rất nhiều so với những gì mà những người ủng hộ ông hy vọng hoặc những người chỉ trích đã buộc tội ông. Ông đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái ở Afghanistan, tiếp tục thực hiện việc di chuyển những kẻ tình nghi khủng bố đến những nước cho phép tra tấn bất chấp sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền. Nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại theo đường lối cũ, những người đã từng phục vụ dưới thời Bush cha, cảm thấy thoải mái với cách chỉ đạo chính sách đối ngoại của Obama hơn là với những chính sách đối đầu mà Romney và những nhân vật Cộng hòa khác hứa hẹn. Vì vậy, một Tổng thống Cộng hòa có thể đẩy chính sách đối ngoại của Mỹ không phải từ tả sang hữu mà từ trung dung sang cánh hữu.

Bất chấp những nỗ lực, chính sách Iran của Obama cũng chỉ là một thành công dè dặt. Các ứng cử viên Cộng hòa quả quyết rằng, Iran không đầu hàng vì Obama chưa gây đủ sức ép. Tất nhiên, họ sẽ không dùng thứ ngôn ngữ cho thấy sự tôn trọng lẫn nhau hay gửi lời chúc mừng trong những ngày lễ. Họ sẽ nỗ lực tìm cách thay đổi chế độ. Sự khác nhau thực sự và quan trọng nhất giữa một Tổng thống Cộng hòa và Obama là ở chỗ: một người Cộng hòa sẽ sẵn sàng mở một cuộc tấn công vào Iran để phá hủy chương trình hạt nhân của họ, hoặc sẽ bật đèn xanh cho Israel làm điều đó. Obama, mặc dù tuyên bố “mọi lựa chọn đều được đặt trên bàn”, nhưng ông có thể không sẵn sàng tấn công Iran. Mitt Romney từng tuyên bố Spartanburg: “Nếu chúng ta bầu lại Barack Obama, Iran sẽ có vũ khí hạt nhân. Và nếu các vị bầu Mitt Romney, Iran sẽ không có vũ khí hạt nhân”.

Về cơ bản, chính sách của Obama là nhằm kéo dài thời gian với hy vọng các hành động trừng phạt tập thể sẽ làm thay đổi sự tính toán của Iran, hoặc một sự thay đổi nào đó vẫn chưa thể thấy trước được ở bên trong Iran sẽ đem đến một chính sách mới. Ông tìm cách – theo ngôn ngữ Chiến tranh Lạnh - kiềm chế Iran. Romney và những nhân vật khác tranh luận rằng, “kiềm chế” là sự xa xỉ mà Mỹ không có được. Iran tượng trưng cho một mối đe dọa hiện hữu, một mối đe dọa cần phải ngăn chặn ngay từ bây giờ. Chưa ai dám chắc rằng các cuộc không kích có thể loại trừ hoàn toàn chương trình hạt nhân của Iran hay không, nhưng một điều có thể chắc chắn là nó sẽ đưa đến một đòn thù nghiêm trọng. Bộ trưởng Quốc phòng của Obama từng cảnh báo người Israel về “những hậu quả không mong muốn” của một sứ mệnh kiểu như vậy, bao gồm các cuộc tấn công vào binh lính, các nhà ngoại giao và các tài sản của Mỹ trên khắp Trung Đông. Một vài người thuộc giới tinh hoa Ảrập có thể hoan nghênh một cuộc tấn công như vậy, nhưng dân thường ở Trung Đông sẽ nổi giận. Mỹ vì vậy có thể phải trả giá đắt cho một lợi ích khiêm tốn.

Người Cộng hòa khẳng định họ là những người có đầu óc thực tế, trái với chủ nghĩa lý tưởng theo thuyết phổ độ của Obama. Nhưng một người thực tế sẽ coi sự lựa chọn như vậy là một vụ đặt cược bị hớ.

Các ứng cử viên Cộng hòa coi Trung Quốc như một thế lực khác đang tìm cách tự khẳng định với sự trả giá của Mỹ. Romney cho rằng Obama đã để Trung Quốc vượt lên trước, đánh cắp việc làm của người Mỹ và gây ra một cuộc chiến tranh thương mại chống lại Mỹ. Họ chỉ trích Tổng thống đương nhiệm về việc “nuông chiều” Trung Quốc và không quan tâm đến nhân quyền, nhưng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc còn có nghĩa là các vấn đề đặt lên cán cân bên kia, phần lớn không phải là vấn đề đạo đức, đó là các vấn đề thuộc chiến lược và kinh tế.

Với Trung Quốc: Kiềm chế hay đối đầu?

Obama đang phải đối phó với ngân sách quân sự đang tăng lên nhanh chóng của Trung Quốc, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Đông và sự kháng cự chủ quyền của nước này đối với vùng lãnh thổ tranh chấp với các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc, Nhật Bản. Trong chuyến thăm châu Á mới đây, Obama đã loan báo rằng Mỹ sẽ triển khai 2.500 lính thủy đánh bộ tại một căn cứ ở Australia, đồng thời tuyên bố với sự trơ tráo đặc trưng “Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương” hoặc “chúng ta trở lại để ở lại”. Trong khi bắn những phát đạn này về phía mũi tàu của Trung Quốc, Mỹ đã tìm cách gửi đi những thông điệp khác. Về mặt tài chính, các quan chức Mỹ không đe dọa trả đũa hoặc kiện cáo Trung Quốc ra trước WTO dù họ khẳng định đồng nhân dân tệ đang được định giá thấp. Về mặt quân sự, Nhà Trắng cũng không nói rõ ràng rằng Trung Quốc tìm cách loại Mỹ ra khỏi khu vực dù đó là những gì họ lo lắng.

Một Tổng thống Cộng hòa ít nhất sẽ không duy trì cán cân nhạy cảm này. Họ sẽ mô tả thẳng thừng hơn về Trung Quốc như một đối thủ và sẽ đòi hỏi nước này thay đổi chính sách một cách mạnh mẽ hơn. Những người bảo thủ nói về việc thiết lập một liên minh châu Á mạnh hơn nhiều được củng cố bởi nhiều vũ khí hơn và hiện đại hơn của Mỹ cũng như sự đáp lại công khai hơn đối với nỗ lực bá chủ khu vực của Trung Quốc. Quả thực, Romney và các đảng viên bảo thủ khác viện dẫn sự cần thiết phải đối phó với chủ nghĩa quân phiệt của Trung Quốc như lý lẽ có sức thuyết phục nhất để tăng ngân sách của Lầu Năm Góc thay vì cắt giảm ngân sách này khoảng 450 tỷ trong hơn một thập kỷ qua như Obama và Quốc hội Mỹ đã nhất trí làm như vậy.

Trung Quốc dường như đã từ bỏ học thuyết “trỗi dậy hòa bình” để chuyển sang học thuyết tăng cường bành trướng và mở rộng ảnh hưởng. Đó là lý do Obama chấp nhận một giọng điệu cứng rắn hơn. Nhưng sự cứng rắn chứa đựng những mối nguy hiểm riêng của nó. Sự hợp tác của Trung Quốc đối với Mỹ là không thể thiếu được trong hàng loạt vấn đề, từ kinh tế, năng lượng, biến đổi khí hậu. Khiêu khích chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc là con đường chắc chắn dẫn đến một mối quan hệ sứt mẻ. Đó là lý do vì sao các tổng thống của hai đảng có xu hướng hòa giải với Trung Quốc nhiều hơn những gì họ nói khi còn là ứng cử viên. Hơn nữa, không rõ là những nước láng giềng và những đồng minh của Mỹ ở khu vực, vốn lo ngại các chiến thuật hăm dọa của Trung Quốc, có hoan nghênh một sự hiện diện vênh váo của Mỹ hay không. Họ, thậm chí hơn cả Mỹ, phải lo cân đối giữa mối quan ngại về an ninh với mong muốn được hưởng những lợi ích từ nền kinh tế năng động của Trung Quốc. Một niềm tin vững chắc trong những người Cộng hòa, rằng thế kỷ XXI, giống như thế kỷ XX, vẫn sẽ là thế kỷ của người Mỹ. Nhưng “nước Trung Quốc cộng sản” là cách nói cổ xưa lố bịch, và quốc gia ấy dường như sẽ không “kết thúc trên đống tro tàn của lịch sử” như những người tư bản vẫn cố tự thuyết phục. Việc đối xử với một cường quốc đang nổi lên hàng đầu của thế giới giống như đối xử với Liên bang Xô Viết trước kia sẽ là một sai lầm mang tầm vóc lịch sử.

Với Israel: Nuông chiều hay nghiêm khắc?

Một trong những cách nói ưa thích của người Cộng hòa là Tổng thống đã luồn cúi trước các đối thủ và phản bội lại các đồng minh. Đồng minh duy nhất mà những người Cộng hòa luôn nghĩ đến trong trường hợp này là Israel. Đúng là Obama đã chỉ trích Israel nhiều hơn Bush. Obama đã xác định rõ ngay từ đầu nhiệm kỳ rằng Israel phải có cử chỉ thiện chí là ngừng xây dựng các khu định cư ở các vùng chiếm đóng để mang đến cho giới lãnh đạo Palestine một khoảng không chính trị để có được sự nhân nhượng đau đớn của riêng mình trong một cuộc thương lượng về giải pháp hai nhà nước. Ông kêu gọi mỗi bên thừa nhận tính hợp pháp của những khát vọng cơ bản của bên kia. Israel cuối cùng đã lẩn tránh còn người Palestine thì bỏ đi.

Một Tổng thống Cộng hòa sẽ bênh vực giới lãnh đạo Israel ngay cả khi họ xử sự theo cách làm cho người Palestine và thế giới Ảrập giận dữ. Điều đó chỉ gây nguy hiểm cho nền an ninh của Mỹ. Quả thực trong những năm gần đây, sự ủng hộ chắc chắn của các lãnh đạo Cộng hòa đã mang đến niềm tin cho Thủ tướng Netanyahu để phớt lờ sức ép từ Obama. Trước đây, các đồng minh độc đoán trong thế giới Ảrập đã hành xử như các bên đối thoại với Israel. Mùa xuân Ảrập gần như đã chấm dứt kỷ nguyên đó, điều có nghĩa là Mỹ hiện bị phơi trần chưa từng thấy trước công luận Ảrập.

Chủ nghĩa đa phương: Sự yếu kém hay sức mạnh?

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Romney có thể có vị trí chắc chắn hơn hiện nay, nhưng nước này sẽ đứng một mình. Mỹ sẽ có nhiều đối thủ hơn, bao gồm Iran, Trung Quốc, Nga, Venezuela và những người Hồi giáo. Với tư cách là một ứng cử viên, Obama lập luận rằng, Bush đã làm hại nước Mỹ bằng cách quay lưng với các đồng minh truyền thống ở Tây Âu cũng như LHQ và ông đã phục hồi những mối quan hệ này. Sự kết hợp giữa chủ nghĩa đa phương với việc tuân thủ hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân đã giúp Mỹ có những phản ứng mạnh mẽ hơn đối với cả Iran và Triều Tiên, trong khi thái độ sẵn sàng chia sẻ quyền lãnh đạo ở HĐBA của Obama đã cho phép Mỹ tìm được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc trong nghị quyết về Libya. Chủ nghĩa đa phương đối với Obama không phải là một biểu hiện của sự yếu kém mà là một biện pháp tăng cường sức mạnh.

Trái lại, những người Cộng hòa nhìn nhận LHQ như một “sự vướng bận chân tay” và họ bỏ qua nó. Dưới thời một tổng thống Cộng hòa, những căng thẳng giữa Mỹ và LHQ có thể chìm xuống mức của nhiệm kỳ Bush. Washington có thể phản ứng lại bằng cách cắt trợ cấp đối với tất cả hoặc một phần của thể chế này. Một sự hài lòng trước mắt mà hành động đó mang lại sẽ nguội dần khi tổng thống mới nhận ra rằng LHQ đang làm nhiều việc mà Mỹ cần họ làm. Người Cộng hòa cũng tỏ ra nghi ngờ nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ như việc Romney nói về châu Âu như quê hương của một cuộc thí nghiệm thất bại về dân chủ xã hội. Nhưng vấn đề của châu Âu có thể nhanh chóng trở thành vấn đề của nước Mỹ và Washington sẽ phải làm việc với các thủ đô châu Âu để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính đang lan rộng.

Các ứng cử viên tổng thống Mỹ gần như luôn xem xét thế giới theo cách đơn giản hơn cái thực sự nó là. Obama, một cách khác biệt, đã không biến chính sách ngoại giao thành những nguyên tắc lỗi thời và không bao giờ làm cho thành công nghe có vẻ như chỉ là nỗ lực của ý chí. Người Cộng hòa cho rằng thế giới này nguy hiểm hơn so với những gì mà “Obama ngây thơ” đang đánh giá, và họ sẽ chỉ đạo chính sách của Mỹ theo cách có thể làm cho những gì họ nghĩ trở thành sự thật.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nước Mỹ Cộng hòa sẽ khác nước Mỹ Obama như thế nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO