Cà phê phin

Nước mắt mùa thi

- Chủ Nhật, 09/06/2019, 08:11 - Chia sẻ
Phải để con bạn tự chọn sự thành công của chính nó, đừng quyết định giùm! Bởi cuộc đời con là của con, không phải của mẹ!

Cứ vào mùa thi là lại nhìn thấy những giọt nước mắt rơi. Con khóc, rồi mẹ khóc, và cả ba cũng khóc. 

Thực ra ai ở Việt Nam ai mà chưa từng lo lắng về chuyện thi cử? Tôi 40 “nồi bánh chưng” rồi mà thỉnh thoảng nửa đêm vẫn giật mình tỉnh giấc, nước mắt ướt đẫm gối hoặc mồ hôi đầm đìa vì đã mơ phải một giấc mơ đi thi. 

Những giấc mơ hoảng hốt và ám ảnh, nào là vào phòng thi tự dưng quên hết kiến thức, tự dưng đau bụng, nào là làm bài xong tới khi nộp bài bỗng phát hiện ra lạc đề, nào là quên bút, nào là ngồi nhầm phòng… Thật khó để giải thích cho những người ở nước ngoài hiểu được tại sao lại có thể bị ám ảnh lâu tới như thế, tại sao ở Việt Nam chuyện thi cử vẫn là cái mốc để đo đếm thành công và thành nhân của con người.

“Không sao đâu con! Cười đi nào! Nào đi về nhà nào!”, đây là câu nói của một ông bố dành cho cô con gái đang khóc nức nở sau môn thi Toán 10: “Ba ơi, con đọc đề không có hiểu, nhiều câu con không làm được. Con chỉ làm được một ít thôi”. Ông bố nhắc con đừng khóc, mà làm nhiều người đọc rơi nước mắt. 

Giáo dục chứ đâu phải là cuộc đua sinh tử đâu? Ba mẹ cứ hay mang cái lo của mình áp đặt vào cái lo của con. Bây giờ là năm 2019 rồi, nhưng ba mẹ vẫn bám vào những chuẩn mực mà thế giới đã cho là lạc hậu từ những năm 1970. Mùa thi cũng là mùa lựa chọn con đường đi phù hợp với năng lực, sở trường, ham muốn của mỗi học sinh.

Từ những năm 1970, người ta đã tìm ra nhiều loại trí thông minh, IQ không còn là thống trị nữa. Nhưng nhiều ba mẹ vẫn chỉ cho rằng Toán Lý Hoá là trí tuệ, là thông minh, là thành công, là chắc chắn về tương lai, còn Văn Sử Địa hay mấy môn năng khiếu thì chẳng để làm gì. 

Tôi từng cố theo chuyên Toán và giờ sống bằng nghề viết, dù điểm thi môn Văn thường chỉ 6 - 7 điểm.

Có phụ huynh khóc với tôi, rằng là con họ “bỗng dưng đổ đốn ra, đòi đi học thiết kế. Nghề này lông bông, phập phù, làm nghệ sỹ nghèo, không đủ sống...”.

Thực tế thì nghề này chẳng bao giờ thiếu việc. Nghĩ xem, sáng ra, vừa mở mắt đã nhìn các thiết kế nội thất. Vào WC thấy bao bì và hình họa trên tuýp kem đánh răng. Mặc lên bộ đồ thì là thành phẩm của nhà thiết kế thời trang. Thậm chí ngồi xuống một quán cóc ven đường để uống một ly cà phê thì cái menu cũng là một sản phẩm của thiết kế, làm bố cục và sắp xếp. Từ cái điện thoại, cái bàn cái ghế, cái bảng treo, và đa số các hình ảnh trên mạng xã hội cũng cậy nhờ một tay các nhà thiết kế. Các phim bom tấn của Hollywood kiểu siêu thực cũng là thành phẩm của nghề thiết kế… 90% thông tin chúng ta tiếp nhận là từ hình ảnh, cũng như trung bình một người chỉ đọc 20% thông tin trên một trang web nhưng coi tất cả hình trên trang web đó, chưa kể 75% người dùng Instagram quyết định mua hàng là thông qua hình ảnh.

Làm thiết kế, không cần sáng cắp ô đi tối cắp về, ngồi ở đâu cũng làm việc được hết. Vẽ 1 cái logo đẹp cho công ty đã được trả ít là 50 triệu đồng, và số tiền thực tính là không biên giới.

Theo số liệu của Tổ Chức Nhân Lực Toàn Cầu, nhu cầu sử dụng nhân công trong lĩnh vực thiết kế đồ họa liên quan đến máy tính sẽ tăng từ 24 - 26% trong những năm tới.

Theo khảo sát của diễn đàn Viet Designer, mức lương đối với người có kinh nghiệm từ 4 - 5 năm là 800$ - 2.000$. Ở Mỹ, thiết kế đồ họa đứng thứ 22 trong số 50 ngành nghề đang có thu nhập tốt nhất với mức lương trung bình là hơn 1 tỷ đồng/năm.

Với bao nhiêu là kỹ năng như thế, thì số lượng cơ hội cho các bạn sinh viên khoa này cũng tỉ lệ thuận: Đồ họa & Giao tiếp thị giác, Thiết kế thời trang, Thiết kế 3D nội và ngoại thất, Thiết kế thực tế ảo ứng dụng, Minh họa & Hình ảnh…, mỗi ngành lớn như thế lại có hàng trăm công việc nhỏ bên trong.

Vậy đấy, tụi trẻ đang vận hành theo cách mới, làm bố mẹ không hiểu được, rồi ra sức phản đối! Và những giọt nước mắt trong thi cử hãy để dành cho những ước mơ nghề nghiệp mà các con ham thích và theo đuổi.

Thế nên, đôi khi các bạn phải dũng cảm chọn ngược dòng bố mẹ! Và ba mẹ ạ, phải để con bạn tự chọn sự thành công của chính nó, đừng quyết định giùm! Bởi cuộc đời con là của con, không phải của mẹ!

Trần Thu Hà