Nước mắt lâm tặc

- Thứ Tư, 21/11/2012, 08:19 - Chia sẻ
Nếu hỏi cánh kiểm lâm Lâm Đồng rằng lâm tặc ở đâu ngang ngược, “gấu” nhất họ sẽ trả lời ngay là ở vùng Quảng Sơn, Ninh Thuận, nghĩa là người ở dải đồng bằng nằm dưới đèo Krông K’Pa, xứ sở mà quay đủ 1800 ta chẳng thể trông thấy rừng đâu cả. Cho đến một ngày tôi quyết định lọt vào trong những cái làng “ăn rừng” khét tiếng chuyên nghiệp suốt mấy chục năm qua này…

Sự xuất hiện của tôi trong tích tắc cả làng Triệu Phong đến Thạch Hà, Hạnh Trí - xã Quảng Sơn, Ninh Sơn, Ninh Thuận - đều hay tỏ. Có lẽ họ đã liên tục rỉ tai, và chạy đi báo cho nhau biết. Một không khí cảnh giác với người lạ, chừng thường trực suy nghĩ rằng ai cũng có thể là công an, kiểm lâm… giả dạng để đoạt lấy gỗ, truy quét nghề “ăn gỗ rừng” phi pháp của họ.

Làng phá rừng “chuyên nghiệp”

Tuy thế, nhưng rảo qua các làng, nhìn đâu cũng thấy gỗ, từ gỗ khúc đến gỗ xẻ; chúng được bày lăn lóc, tứ tung trước, sau và hai bên hông nhà mà không một chút mảy may sợ sệt; tất cả công khai như thể đây là một thế giới riêng, bất trị, mà luật pháp bảo vệ rừng mất tác dụng. Cảnh người ta để gỗ nguyên trên những chiếc cộ bò - loại xe sử dụng bò để kéo, bày bán. Đó đây thêm những chiếc cộ đầy ắp gỗ tươi rói vừa đưa từ rừng về cũng ngang tàng chễm chệ trước các sân nhà. Trong khi đó, những người khác đủng đỉnh chở gỗ trên những chiếc cộ bò đi bán cho những xưởng cưa, hay đầu nậu gỗ trong làng. Không phải tất tần tật người dân đều “nhảy rừng”, nhưng hoạt động về gỗ lậu trở thành thứ sinh hoạt thường nhật sôi động, phổ biến nhất ở cái làng này. Họ rao giá gỗ tạp ngày hôm nay là 1,2 –1,4 triệu đồng, gỗ căm-xe 4,5 triệu đồng, dổi, bằng lăng, hay cẩm lai là cứ thêm 2 - 5 triệu đồng/m3. Làm sao không ngạc nhiên khi một vùng đất không có lấy một chỏm rừng, rừng lại ở cách đến 32 km (nhưng thuộc… huyện Đơn Dương, tỉnh… miền cao nguyên Lâm Đồng), phá rừng nổi tiếng, “chuyên nghiệp” với nghề khai thác, cưa xẻ, bán buôn gỗ lậu suốt hơn 20 năm nay mà chính quyền sở tại vẫn cho phép hệ thống xưởng cưa, xưởng mộc, chế biến gỗ... hình thành, trong khi điều đó ngay cả các tỉnh trên Tây Nguyên - nơi rừng vẫn còn - cũng không dám. Rồi cảnh nhỡn tiền khi đêm về, dễ thấy những tay đầu nậu buôn bán gỗ thoải mái “rước” gỗ từ những chiếc cộ bò ở các nẻo đường rừng đổ ra, cảnh đưa gỗ vừa xẻ lên những chiếc xe khách, xe tải để đánh đi Phan Rang, Nha Trang, và ngược vào Sài Gòn… Hóa ra ở Lâm Đồng, lâu nay giới thầu cất nhà, thợ mộc… kháo nhau “nếu muốn mua gỗ thì về Ninh Thuận!” là thế. http://blog.yahoo.com/_Q4PTUPMKIPXWV4ET4JI3HCXVFY/articles/234299/index

La cà quán xá ở Quảng Sơn, tôi được người dân mách rằng, muốn biết nguồn gỗ trong làng có dồi dào hay không, cũng như dinh dưỡng trong bữa ăn của người dân độ này có đang “khá” không, chỉ cần nhìn vào sức mua hàng hóa ở cái chợ xã nằm trước đường quốc lộ 27 là biết - gỗ là một thứ “hàn thử biểu” đời sống dân sinh vùng này. Và người ta cũng mách rằng, cộ bò đi gỗ vào rừng ngày hôm sau có đông hay không phản chiếu qua sự tấp nập của cái chợ cỏ ngày nào cũng họp (gần như duy nhất ở Nam Trung bộ) nằm không xa làng vào ngày hôm trước, với cỏ do những nông dân nghèo từ các vùng khác cắt đem về đây bán. Cỏ tươi ngon là một thứ “nhu yếu phẩm” quan trọng cho việc đi ăn gỗ ở rừng, và thường chỉ có bò đi rừng (tức bò làm ra tiền nhanh) mới được ăn cỏ mua, bồi dưỡng chu đáo.


Gỗ sau khi cưa hạ và vận chuyển thành công từ rừng về đã để công khai trước nhà - nhà nào cũng có thể vậy (ở thôn Hạnh Tri, xã Quảng Sơn)

Ba ngày “cày” tới cày lui vùng Quảng Sơn đủ để tôi hiểu được “quy trình” tấn công rừng cao nguyên ở đây như sau: người ta đánh cộ bò băng qua những cánh đồng Ninh Sơn, nhắm thẳng lên dãy núi rừng ở hướng Đông Nam từ mờ sáng hôm trước, và đưa gỗ về vào đêm khuya, hoặc rạng sáng của hai ngày sau đó. Những người đi gỗ quý (như cẩm lai, trắc, kiền kiền, căm xe…) thì phóng xe máy vào rừng, giấu xe kín, một tuần sau quay về làng đánh cộ bò vào chở gỗ cưa hạ được. Trước đây mạnh cá nhân nào cá nhân nấy “ăn” rừng, nay người ta “liên minh” lại, đi một lúc với lực lượng 30 – 100 người cùng 15 – 50 con bò vạm vỡ nặng cả nửa tấn. Phương cách này giúp dễ dàng bày binh bố trận theo hướng áp đảo, “đủ sức” chống chọi, đối phó với lực lượng bảo vệ rừng (và lâm luật) vốn lèo tèo và ngày càng quan liêu, nếu lỡ giáp mặt nhau. Ý chí quẫy đạp mưu sinh của con người thật khủng khiếp! Những lâm tặc ngang tàng, khinh đời nói toạc ra với tôi là trước đây họ lầm lũi xẻ gỗ, chở gỗ…, còn nay mọi sự đều có đội quân do thám “trận địa” (như không có kiểm lâm, công an, quân đội…) trước, rồi mới rời rừng. Chưa hết, dân đi “ăn gỗ” đều sắm điện thoại di động, để hễ thấy dấu hiệu bất ổn là tìm đồi núi cao nhảy lên (chỗ có sóng) để loan báo cho nhau giấu gỗ, tẩu tán bò, trốn người… Cứ thế, suốt hơn hai mươi năm chăm chỉa vào vùng rừng chuyển tiếp giữa cao nguyên với miền duyên hải thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Đồng khiến muốn gỗ to ngày càng phải đi xa hơn, rừng mỏng ra, teo lại, nên họ phải mò lên đến tận lâm phận cheo leo ở Ka Đơn, Pró, dãy núi 1600 (có lẽ đỉnh núi này có độ cao 1.600m so với mặt biển). Họ nói, dù rừng đã lùi xa dần, nhưng giờ hễ xuất cộ bò khỏi làng là bằng mọi giá phải có gỗ mang về. Kẻ chuyên đi săn gỗ quý thì cứ 1-2 tuần kiếm được 4 - 7 triệu đồng, còn ai nhỏ gan, chỉ đủ lực để ăn non thì cứ hai ngày một cộ gỗ trên xe đánh về cũng kiếm được triệu bạc…

Chấp nhận phạm pháp

Trước hiên của một ngôi nhà cuối làng Triệu Phong, xã Quảng Sơn, chị Hồng ngồi thẫn thờ nhìn vào dãy núi xa tít hướng lên Lâm Đồng. Tôi hỏi căn nguyên của cái nhìn nặng trĩu ấy, chị bảo: “ không biết ảnh (người chồng - PV) có thoát được “kiểm lâm” không!”. Chị nói rằng, cứ mỗi lần chồng đánh bò ra đi, là dằng dặc thời gian chị ở nhà… hồi hộp, lo sợ. Chị lo cái cây từ trên cao ngã đổ đè chồng, lo bò bị tóm (mỗi con bò dùng để kéo ở đây trị giá trên 10 triệu đồng), lo chồng bị bắt, lo chiếc cộ sì lốp giữa rừng, lo qua núi qua đồi xe chở gỗ sa ổ voi lật nhào… Ngay cái con đường tiến thẳng vào rừng chạy ngang nhà, chị có lạ gì cảnh người ta khiên người chết do gỗ đè trên rừng về… Chị rằng, mấy người đàn ông “gắn bó” với rừng ở cái làng này mà không sức mẻ, què quặt ít nhiều trên thân thể. Không có sức khỏe thì đừng mơ “ăn” được gỗ rừng, cho dù phạm pháp, nên hầu hết dân nhảy rừng đều là người ở cái tuổi hừng hực nhất của đời người, từ 17 - 40. Bà Lê, 60 tuổi, ở làng kế cận, làng Thạch Hà, bảo có mỗi đứa con trai bảo bối nhưng cũng đành để nó đi rừng ăn gỗ, chỉ vì “không thì gia đình lấy gì sống!”. “Đất đai ở đây chỉ toàn cát, lại phơi dưới nắng như trút lửa quanh năm như thế (Ninh Thuận là vùng đất khô hạn gay gắt nhất nước, thì Ninh Sơn khô cháy nhất Ninh Thuận), lại không có thủy lợi…, hỏi làm sao có thể bám nông nghiệp mà sống!”. Tôi nhớ lại hai ngày qua, mình đã qua lại những cánh đồng bao la nhưng “trắng” công trình thủy lợi ấy. Sự khắc nghiệt không chỉ hiện hiện ở ngoài đồng, ngay tại nơi họ cất nhà, tất cả chỉ là cát, từ đường làng đến ngõ xóm, sân nhà; thứ gì nhìn cũng thấy gầy gò, tiều tụy, và nếu có thứ cây xanh gì đó ôm lấy những căn nhà ba gian hai chái cổ điển nhỏ bé, hay nhà xây cấp bốn mới cất thì đấy là cây me chua, và… xương rồng. Bà Lê bày tỏ là gia đình cũng có một ít đất canh tác có thể trồng cây mì, cây mía, nhưng nắng cháy nuốt tiêu liên tục mấy mùa nên đành bỏ hoang luôn cho đỡ… lỗ vốn. Một số người làng chỉ ra rằng nếu nóc nhà nào đó ở đây có cuộc sống thoải mái hơn một chút, thì đó là gia đình có người ở nước ngoài, hoặc có con gái đi lấy Việt kiều. Bà Lê không oán trách tiền nhân (từ Quảng Trị di cư hàng loạt vào từ năm 1972 – 1973) chọn cái chốn đất đai bạc màu, thừa nắng thiếu nước, sự sống khốc liệt… này, mà chỉ an ủi “cũng tìm cách mà tồn tại, chứ sao giờ!”. “Cũng quen với kiểu sống này!”. Trong hành trình di dân suốt dọc dài lịch sử, đâu phải người dân Việt nào cũng chọn được những vùng đất tốt tươi. Mà ai cũng ở vùng đất trù phú, thì ai sống sinh trên những dải đất cằn khô, bất lợi, dù về mặt lý thuyết thì tấc đất nào của Tổ quốc cũng thiêng liêng.

Nhìn thấy chiếc cộ bò chở đầy gỗ lặn lội suốt đêm từ rừng về vừa tấp vào sân một căn nhà, tôi đánh bạo xông vào ngay để “đối thoại” trực diện với một lâm tặc trẻ tuổi: …anh có biết phá rừng là phạm pháp không? Lâm tặc tên Tịnh, vốn là bộ đội xuất ngũ, có một vợ hai con này hỏi ngược lại tôi: “…Nếu vợ con anh cần ăn, rẫy đồng không tạo ra được cây trái, của cải để bán kiếm tiền, anh phải làm gì để duy trì sự sống cho họ, nếu anh ở đây!?”. Anh nói rằng, “đụng” tới rừng là đang hủy hoại sinh thái, là phạm pháp, lại chẳng thể thấy hạnh phúc bao giờ ở nghề “ăn cắp”, luôn phải chui nhủi, bị rượt đuổi này, nhưng anh không có sự lựa chọn khác.

Anh Tịnh thú nhận là từ gạo đổ nồi, mắm muối, sữa cho con vừa chào đời, tiền cho đứa lớn hơn đi học mẫu giáo, đến cái quần lót cho vợ cũng đều do… rừng Lâm Đồng ban cho. “Ngay cả khối tiền nợ ngân hàng cho căn nhà cấp bốn mới cất, con bò kéo vừa mua để đi cày cũng... nhắm vào rừng kia để tìm cơ hội trả”. Anh bày tỏ là anh rất sợ lực lượng bảo vệ lâm luật, họ tịch thu miếng ăn (gỗ) anh nhiều lần, nhưng anh nhưng không hề căm hờn bao giờ. “Họ cứ làm nghĩa vụ của họ, là tìm bắt chúng tôi, còn chúng tôi vẫn phải tìm cách để sống, kiếm cái bỏ bụng… Nếu tôi là họ tôi vẫn quyết liệt đi bắt bọn phá rừng”. Tôi hỏi, vậy anh sẽ phá rừng đến bao giờ thì dừng lại? “Tôi cũng chẳng biết nữa”, anh tỉnh rụi. Tới đây, tôi chợt nhớ lại lời của một kiểm lâm trên Lâm Đồng nói về khoảnh khắc rung động trước tình đồng loại, khi những con người tả tơi đó (dân kiếm sống bằng nghề rừng ai mà chả tả tơi) quỳ lạy dưới chân, hạ mình tuôn trào nước mắt giữa rừng để xin lại con bò (hình như là tài sản lớn nhất của cư dân ở đây), còn gỗ các ông cứ thu. “Có người nào giàu có mà bán sức, lặn lội rừng sâu để tìm kiếm, cưa đẽo từng khúc gỗ lẻ đâu!”, người kiểm lâm ấy khẳng định.

Tịnh nói với tôi, sự khốn nạn là những người “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” như anh lại phải mang ơn những tay đầu nậu gỗ, vì chúng “giúp” tiêu thụ gỗ bất cứ giờ khắc nào (đến mức có thể ứng tiền trước, đi rừng về có gỗ trả sau), trong khi thực chất là làm giàu cho chúng. Lân la tìm hiểu thì đúng là chả có kẻ đầu nậu gỗ nào ở vùng này nghèo cả.

Tiếng vọng tới...

Sẽ có tội với mai sau nếu như thấy người ta tàn phá rừng mà không lên tiếng phản đối. Nhưng cũng sẽ có tội với đồng loại phải lâm cảnh hành nghề phá rừng nếu không biết được vì sao họ phải sa lầy vào con đường đó, buộc phải đánh cược, bán lẻ sinh mạng từng ngày cho rừng sâu núi thẳm, đối mặt với luật pháp, tù tội. Những cuộc rượt đuổi, truy quét, bắt bớ những đồng loại mà ta gọi là lâm tặc sẽ chỉ là nỗ lực đối phó ở “phần ngọn”, trong khi cái gốc để giữ rừng lại nằm ở điều kiện sinh sống, là khát khao làm ăn tử tế của bất cứ người dân quê nào. Sức lực có thể đổ xối xả trên rừng như thế, làm sao họ không thể làm cho cây lá xanh tươi, trái hạt phun trào trên đồng rẫy chứ. Lang thang trên những đồng rẫy khô cháy bên ngoài các làng thôn ở Quảng Sơn tôi nhận ra rằng, hình như thứ giải thoát đầu tiên cảnh “ăn rừng” ngập ngụa, dai dẳng ở đây chỉ có thể là Nước, nguồn nước cho cây trồng, căn cơ hơn là về một nền nông nghiệp biết biệt đãi cho những vùng nông thôn kém may mắn. Cả xứ này khát nước, cái khát và sự chờ đợi đã tính bằng từng thập niên trôi đi, bằng thế hệ đời người.

Khi rời khỏi những cái làng “ăn rừng” xứ Quảng Sơn, tôi ngoái nhìn lại, vẫn thấy đấy những chiếc cộ bò lầm lũi tiến về dãy núi mờ xa trên cao nguyên tít tắp, với những ánh mắt người thèm thuồng gỗ lậu như sự lựa chọn cuối cùng, dửng dưng với cánh đồng quê họ đang lướt qua.

Bà Dương Thị Dung, phó chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn: “… Hàng ngày nhìn thấy cảnh bà con chở gỗ lậu từ rừng về đi lại công khai trên quốc lộ 27 mà xót cho rừng - vì rừng Lâm Đồng chính là đầu nguồn của tỉnh Ninh Thuận - lại xấu hổ và bức xúc trước trách nhiệm của chính quyền trong công tác ngăn chặn phá rừng... Có khi cây lấy gỗ mới chỉ như bắp vế, nghĩa là cây non cũng bị cưa hạ, tức gỗ rừng già ngày càng hiếm. Chúng tôi tổ chức truy quét, đánh dẹp nhiều lắm, nhưng sau mỗi đợt lắng xuống thì làn sóng tràn vào rừng mới lại âm ỉ, dâng trào. Thú thực tôi không dám khẳng định có thể chặn đứng được nạn săn gỗ, thâm nhập rừng phi pháp nói trên ngay một sớm một chiều. Nếu tôi nói chặn đứng được tức là hô khẩu hiệu, nói dối và duy ý chí, không dám đối mặt trước thực trạng đầy thách thức trước đời sống dân sinh. Ở địa phương cho đến bây giờ vẫn không có hoạt động công nghiệp, cũng chẳng có những nghề thủ công truyền thống nào đáng kể, ngoại trừ sản xuất nông nghiệp, nhưng hệ thống thủy lợi còn quá bé nhỏ, khô hạn trong năm bao giờ cũng cứ khốc liệt kéo dài. Nhưng nói gì thì nói, chính quyền vẫn cố mà ngăn chặn phá rừng, phải tăng cường truy quét nạn khai thác, buôn bán gỗ hơn nữa. Cho dù “thương dân” nhưng vẫn không thể chấp nhận để họ kiếm sống bằng cách phạm pháp… Chúng tôi đang cố tìm cách để nông dân gắn bó với nông nghiệp, thôi nghĩ đến… rừng”.

Phóng sự của Nguyễn Hàng Tình