“Nước cờ như ý” của Triều Tiên

Phương Trang 26/08/2015 08:15

Sau các cuộc đàm phán nước rút, sáng 25.8, Hàn Quốc và Triều Tiên đạt được thỏa thuận nhằm tháo ngòi căng thẳng có nguy cơ đẩy bán đảo Triều Tiên vào cuộc xung đột vũ trang khiến dư luận thế giới lo ngại suốt những ngày qua.

Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên và Hàn Quốc bắt tay sau khi đạt được thỏa thuận Nguồn: BBC
Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên và Hàn Quốc bắt tay sau khi đạt được thỏa thuận
 Nguồn: BBC

Sự nhượng bộ hiếm hoi

Thỏa thuận trên đạt được sau 3 ngày đàm phán giữa các quan chức Triều Tiên và Hàn Quốc, bắt đầu từ tối 22.8, ở làng đình chiến biên giới Panmunjom. Theo Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc, Cố vấn An ninh quốc gia Kim Kwan-jin, giới chức Triều Tiên đã thừa nhận “lấy làm tiếc” về vụ nổ mìn khiến hai lính Hàn Quốc bị thương. Ngoài ra, Triều Tiên cũng cam kết dỡ bỏ tình trạng “bên miệng hố chiến tranh” chống Hàn Quốc mà lãnh đạo Kim Jong-un áp dụng trước đó. Về phần mình, Seoul đồng ý ngừng chương trình truyền thanh chống Bình Nhưỡng dọc biên giới bắt đầu từ 12h ngày 25.8, nếu không có sự kiện bất thường xảy ra.

Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc đã tuyên bố, chương trình tuyên truyền chống Triều Tiên sẽ chỉ chấm dứt chừng nào Bình Nhưỡng “xin lỗi” về vụ nổ mìn. Tuyên bố của bà Park Guen-hye đã khiến giới quan sát lo ngại về nguy cơ căng thẳng khó tháo gỡ bởi không ai dám hy vọng Hàn Quốc sẽ có được lời xin lỗi từ Triều Tiên. Tuy nhiên, với việc Triều Tiên thừa nhận “lấy làm tiếc” về vụ nổ mìn, chuyên gia Jeung Young-tae thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc cho rằng, đây có thể được xem là một lời xin lỗi từ phía Bình Nhưỡng. “Trong ngôn ngữ ngoại giao, đây rõ ràng là một lời xin lỗi, với chủ thể là việc lấy làm tiếc cho vụ nổ mìn khiến các binh lính bị thương”.

Các nhà phân tích cũng khẳng định đây rõ ràng là một động thái hiếm hoi trong những năm gần đây của Bình Nhưỡng. Còn nhớ vào tháng 12.2010, Triều Tiên từng đe dọa trả đũa mạnh mẽ, sau khi Hàn Quốc cố tình triển khai các cuộc tập trận bắn đạn thật gần biên giới trên biển giữa hai nước. Trước đó, Triều Tiên còn bắn pháo vào một hòn đảo Hàn Quốc nằm gần biên giới, khiến 2 lính thủy đánh bộ và 2 dân thường thiệt mạng. Sau đó căng thẳng hạ nhiệt khi Bình Nhưỡng chỉ tuyên bố không có phản ứng với cuộc tập trận thứ 2 của Seoul ít gây hấn so với trước đó, dù Nhà Xanh khẳng định 2 cuộc tập trận đều như nhau.

Hơn cả hòa giải

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon và Mỹ đều nồng nhiệt hoan nghênh thỏa thuận mới giữa hai miền Triều Tiên. Trưởng đoàn đàm phán Hàn Quốc Kim Kwan-jin cho rằng thỏa thuận không chỉ chấm dứt tình hình căng thẳng hiện tại mà còn tạo động lực mới cho quan hệ liên Triều. Trong tuyên bố chung, hai bên đã nhất trí sẽ tổ chức các cuộc thảo luận ở Seoul hoặc ở Bình Nhưỡng nhằm cải thiện quan hệ song phương, với khung cơ bản về phát triển quan hệ. Ngoài ra, hai bên còn đạt được thỏa thuận sẽ tổ chức đối thoại Hội Chữ thập đỏ vào đầu tháng 9 để sắp xếp cho các gia đình ly tán gặp gỡ nhau kể từ sau khi chia cắt từ những năm 1950 - 1953. Hai miền hy vọng sẽ tổ chức các cuộc đoàn tụ trong thời gian Tết Trung thu vào ngày 27.9 tới. Tuy nhiên, ông Kim từ chối trả lời rằng ông có thảo luận với người đồng cấp Triều Tiên về một cuộc gặp thượng đỉnh hay không. Hồi đầu năm nay, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye nêu ra khả năng tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, một vài ngày sau khi ông Kim nói sẵn sàng đối thoại với bà Park nếu đạt được các điều kiện phù hợp.

Có thể nói thỏa thuận không chỉ đẩy lùi nguy cơ chiến tranh đã cận kề mà dường như còn giúp hai bên đã giải quyết nhiều bất đồng lớn. Các chuyên gia cho rằng, động thái mới nhất của chính sách “bên miệng hố chiến tranh” là một phần của trò chơi cũ. Theo những kịch bản trước đó, thì hiện tại sẽ là thời điểm thích hợp để các bên thể hiện ý đồ thực sự. Trước khi căng thẳng được giải quyết, giới phân tích thực sự lo ngại vì thái độ kiên quyết cũng như sự khó đoán của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

“Nước cờ như ý” của Triều Tiên là tìm ra phương pháp mới trong lần khủng hoảng này, phá vỡ cục diện đóng băng lâu ngày giữa hai miền Nam - Bắc. Thực tế, sau khi cuộc diễn tập liên hợp Mỹ - Hàn tạm dừng vào ngày 21.8, khi tình hình còn chưa mất kiểm soát, Triều Tiên đã chấp nhận các cuộc đàm phán với Hàn Quốc vào ngày 22.8 song vẫn để ngỏ các chính sách như thử tên lửa, điều động xe tăng... để giữ Hàn Quốc ở lại bàn đàm phán.

Các lãnh đạo trước đây của Triều Tiên là Chủ tịch Kim Nhật Thành và Kim Jong-il đều là những bậc thầy trong việc sử dụng trò chơi “bên miệng hố chiến tranh”, đẩy những lời đe dọa và hành vi khiêu khích đến ngưỡng căng thẳng nhưng không nổ ra xung đột, nhằm đạt được sự nhượng bộ và viện trợ từ đối phương. Rõ ràng nhìn từ góc độ nào, đàm phán lần này không chỉ được tạo ra để giải quyết căng thẳng, mà còn nhằm mở ra một kênh mới để hai miền Nam - Bắc cùng bàn thảo nhiều vấn đề hơn trong tương lai. Sự việc lần này một lần nữa chứng tỏ Chủ tịch Kim Jong-un không hề thua kém những bậc tiền bối trong trò chơi nguy hiểm này. Ông biết cứng rắn đúng lúc và xuống thang đúng lúc để đạt mục đích.

    Nổi bật
        Mới nhất
        “Nước cờ như ý” của Triều Tiên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO