Núi thơ

Tân An 30/11/2008 00:00

Tại ngã ba, nơi sông Đáy, sông Vân gặp nhau có một hòn núi đá soi mình trên nước biếc tạo nên vẻ đẹp sơn thủy hữu tình. Núi có tên chữ là Dục Thúy Sơn.

      Ngoài những bài thơ được khắc vào đá núi, còn có hàng trăm bài thơ viết về núi Dục Thúy của nhiều bậc vua chúa và các tác gia lớn nhiều thời đại: Trần Anh Tông, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Ninh Tốn, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Thượng Hiền, Nguyễn Can Mộng… Dẫu không khắc vào đá núi, nhưng hàng trăm bài thơ đó, như muốn hưởng ứng, hòa đồng cùng những cảm xúc đẹp cao cả của núi thơ Dục Thúy.

      Xưa kia, danh sỹ Trương Hán Siêu (thế kỷ XIV), một tác gia lớn thời Trần, khi đến núi này, đã làm bài thơ Dục Thúy Sơn, ví hòn núi như một con chim chả tắm mình trên làn nước sông. Trương Hán Siêu còn cho khắc bài thơ đó vào đá núi. Có lẽ, khi cho khắc Dục Thúy Sơn vào núi đá, ông không biết rằng sau ông, có những danh sỹ, tao nhân mặc khách tiếp tục làm thơ về núi và khắc thơ vào đá núi. Và suốt 5-6 thế kỷ tiếp theo, việc khắc thơ vào đá núi Dục Thúy đã thành một truyền thống văn hóa đặc sắc của vùng non nước Ninh Bình.
      Núi Dục Thúy có lẽ có từ thời vùng đất này còn chìm ngập trong biển. Rồi bể dâu thay đổi, núi Dục Thúy trở thành một món quà mỹ lệ thiên nhiên tặng cho cư dân vùng này từ thuở bãi biển thành nương dâu. Nhà thơ kiêm sử gia Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) cũng đã cho khắc vào đá núi chữ Vũ trụ dĩ lai (từ khi có vũ trụ là có núi này rồi). Kể từ mặt nước sông, núi vươn lên cao hơn 100m, đỉnh núi tương đối bằng phẳng. Chân núi mạn Đông – Bắc ngập trong nước sông. Trải qua nhiều thế kỷ, sóng nước vỗ mòn hõm đường viền chân núi thành một mái hiên hình vòm che rợp khoảng sông dài hơn trăm mét. Thuyền và tàu nhỏ, cùng bè, mảng qua lại trên sông Vân, sông Đáy có thể neo nghỉ trong vòm mái hiên đá yên tĩnh này. Trên vách núi, những lùm cây xanh biếc, đây đó rủ xuống những nhũ đá ngàn tuổi rêu phong. Sườn phía Bắc của núi Dục Thúy, quãng cách mặt nước không cao lắm, có tảng đá không biết từ đời nào đã có 3 chữ lớn khắc sâu: Khán giao đỉnh (đỉnh ngồi xem thuồng luồng). Điều đó cho thấy, cái thế chênh vênh kỳ thú của núi đã được người xưa ghi nhận.       

04-nui-tho-33508-300a1.jpg

      Lên núi Dục Thúy, phải leo qua gần trăm bậc đá. Nhiều bậc đá mòn nhẵn bởi gió mưa lịch sử và bàn chân con người. Càng leo cao trên núi càng thấy trong tĩnh, tâm hồn thư thái, thanh cao. Có phải vì cứ bước chân lên núi Dục Thúy là hồn người như được rũ sạch bụi trần, nên những tao nhân mặc khách danh tiếng và những vị vua chúa đều muốn làm thơ và cho khắc thơ vào đá núi này?! Từ vua Lê Thánh Tông, vua Lê Hiển Tông đến vua Tự Đức...; rồi các danh sỹ lớn như Phạm Sư Mạnh, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm…; và các danh nhân tài danh như Nguyễn Huy Oánh, Ngô Phúc Lâm, Phạm Văn Nghị, Bùi Văn Dị, Nguyễn Hữu Tường…; và nữa: Phạm Bá Huyền, Phạm Huy Toại, Nguyễn Tái Thư, Nguyễn Đình Chuẩn, Nguyễn Đình Giáo, Tản Đà… Đó là những ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam nhiều thời đại. Các ông đều đã về đây, leo lên núi Dục Thúy, làm thơ và cho khắc thơ vào đá núi. Nhờ thế mà đá núi Dục Thúy vô hình trung đã trở thành tuyển thơ có một không hai trong thiên hạ, lưu giữ những bài thơ hay trong gần 7 thế kỷ. Tất cả có hơn 40 bài thơ, nhờ khắc vào núi đá mà trường tồn cùng tuế nguyệt, nhờ vẻ đẹp đầy cuốn hút của núi Dục Thúy mà lưu truyền rộng trong đời!...

04-nui-tho-33508-300a3.jpg

      Kể từ đầu thế kỷ XIV, Trương Hán Siêu viết bài thơ Dục Thúy Sơn và khắc vào đá. Sang thế kỷ XV, vị vua thiên tài Lê Thánh Tông đã lên núi Dục Thúy, đề thơ và cho khắc vào đá, những câu thơ bất hủ (tạm dịch): Núi non như cổ xưa không thay đổi/ Ngẫm anh hùng chỉ thoảng qua như giấc mộng… Ông còn cho dựng Hành Cung ở Dục Thúy Sơn. Đầu thế kỷ XVIII, vua Lê Hiển Tông cũng lên núi, đề thơ, cho khắc thơ vào đá. Tới thế kỷ XIX, vua Thiệu Trị tuần du ra Bắc năm 1842, cũng lên núi Dục Thúy thăm thú, rồi cho dựng nhà bia gọi là Đình Bá Ngự Thi cao ngất để che mưa nắng, gió sương cho những bài thơ của các vua Lê khắc trên núi này. Đến nay, Hành Cung và Bi Đình đều không còn. Nhưng bút tích của các vua Lê cũng như của các danh sỹ, tác gia lớn nhiều đời còn hằn trong đá, và thơ của họ còn bền lâu mãi với Dục Thúy Sơn.
      Cũng cần nhìn nhận rằng, chính những bài thơ của danh tài sáng tạo nên đã làm cho núi đá mang hồn người, và Dục Thúy Sơn được trở thành cổ vật khổng lồ, uy nghi, đầy trí tuệ. Trong từng chữ, từng câu thơ khắc sâu vào thớ đá, là tài hoa đặc sắc của nhiều thế hệ nghệ nhân chạm khắc đá. Những bài thơ chữ Hán, những bài thơ chữ Nôm, kích cỡ chữ to đậm hay nhỏ mà sắc nét, đều được đặt trong một bố cục mang tính nghệ thuật cao của thư pháp khắc đá, đường nét tinh xảo, điêu luyện.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Núi thơ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO