Thay đổi thói quen ăn uống sau khi bị trầm cảm
Điển hình trường hợp bệnh nhân , P.N.A. (19 tuổi, TP.Hồ Chí Minh), sau khi trượt kỳ thi đại học năm 2022, từ một cô bé vui vẻ trở nên cáu gắt, ít nói, không kiểm soát được trạng thái cảm xúc.
Suốt một năm nay, em tự mua thuốc an thần cho dễ ngủ và để kiềm chế cảm xúc. Mỗi khi không có thuốc, em thấy khó chịu, bứt rứt và tăng dần liều sử dụng. Tháng 5 , A. được điều trị tâm lý tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh và cai thuốc an thần.
Tuy nhiên, khi buồn A. lại thèm ăn ngọt (như trái cây, trà sữa, bánh ngọt…) mới cảm thấy dễ chịu. Đầu tháng 7, A. uống tới 2 – 3 lon nước ngọt mỗi ngày. Tình trạng thèm “đường” kéo dài đến ngày thứ 20 thì xuất hiện triệu chứng: khát nước liên tục, đi tiểu nhiều, mệt mỏi. Nghĩ do suy nhược nên A. đến khám tại bệnh viện.
Tại đây, bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Tiến Vũ, khoa Nội tiết – Đái tháo đường cho biết, A. bị tiểu đường type 2. Kết quả đường huyết lúc đói của A. cao 7,2 mmol/L (chỉ số bình thường từ 4,11 – 6,05 mmol/L), xét nghiệm HbA1c (đường huyết trong 3 tháng) cao 10,3% (chỉ số ở người bình thường dưới 5,7%).
Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc uống kèm tư vấn chế độ ăn và luyện tập thể dục. Ngoài ra, người bệnh cần đi tái khám định kỳ thường xuyên, theo dõi đường huyết tại nhà, làm xét nghiệm HbA1c ít nhất 3 lần/năm.
Qua đó, bác sĩ đưa ra lời khuyên, bệnh nhân nên điều trị kiểm soát đường huyết tốt, ăn uống lành mạnh, giảm tinh bột, đường, đồ ngọt, tập thể dục hàng ngày và thư giãn.
Bác sĩ Vũ cho biết thêm, hiện nay độ tuổi mắc bệnh tiểu đường đang dần trẻ hóa. Việc mắc bệnh tiểu đường ở người trẻ có nguy cơ cao phát triển các biến chứng vi mạch, mạch máu lớn bên cạnh bệnh tâm lý trong suốt cuộc đời.
Bác sĩ cảnh báo trầm cảm làm tăng nguy cơ tiểu đường
Bác sĩ Chuyên khoa I Đỗ Tiến Vũ cho biết, người bị trầm cảm kéo dài có nguy cơ bị tiểu đường cao hơn người bình thường.
Khi cơ thể bị trầm cảm sẽ tiết ra các hormone cortisol và adrenaline. Tình trạng tăng cortisol máu mãn tính và kích hoạt hệ thần kinh giao cảm kéo dài sẽ thúc đẩy tình trạng kháng insulin, tăng mỡ nội tạng và dẫn đến hội chứng chuyển hóa và tiểu đường type 2.
Bên cạnh đó, trầm cảm khiến người bệnh ăn nhiều hơn gây tăng cân, thừa cân cũng tăng nguy cơ bị tiểu đường type 2.
Ngoài ra, việc mất ngủ hay thức khuya do trầm cảm cũng khiến làm tăng nguy cơ bị tiểu đường do kháng insulin.
Đồng thời, trầm cảm còn gây rối loạn chức năng miễn dịch trực tiếp hoặc thông qua trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận hay hệ thống thần kinh giao cảm, làm tăng sản xuất các cytokine gây viêm. Tình trạng viêm tương tác với hoạt động của tế bào β tuyến tụy gây đề kháng insulin, thúc đẩy bệnh tiểu đường type 2.
Do đó, nếu tình trạng căng thẳng, trầm cảm không được điều trị sớm khiến đường huyết tăng cao kéo dài gây tiêủ đường type 2 và biến chứng tiểu đường.
Người bệnh khi bị tiểu đường, tình trạng trầm cảm có thể trở nên nặng hơn bởi người bệnh cảm thấy áp lực khi chế độ ăn uống không được tự do. Lo lắng đến chỉ số đường huyết hàng ngày cũng tạo áp lực lên tâm lý.
Cùng với đó, trầm cảm ở người bệnh tiểu đường type 2 có liên quan đến nguy cơ phát triển các biến chứng cấp tính gấp 2,3 lần, nguy cơ phát triển các biến chứng lâu dài gấp 1,6 lần và nguy cơ tử vong cao gấp 2,8 lần.
Bác sĩ lưu ý người bệnh, cố gắng duy trì lối sống lành mạnh, không lạm dụng rượu bia, không hút thuốc lá là một trong những cách giúp đem lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Người bệnh cần chia sẻ vấn đề với gia đình, bạn bè để được thấu hiểu giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Nếu căng thẳng kéo dài người dân nên đến gặp bác sĩ tâm lý để được thăm khám và điều trị sớm, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.