Nữ đạo diễn Ảrập tỏa sáng LHP Dubai 2011
Habibi, chuyện tình bị cấm đoán tại Dải Gaza đã giành giải cao nhất LHP Dubai lần thứ 8. Cũng tại sự kiện này, thế hệ nữ đạo diễn mới của Ảrập đã để lại ấn tượng tốt.
Habibi (Tình yêu của tôi thuộc về Ảrập) cùng lúc nhận 3 giải thưởng: Phim Ảrập xuất sắc nhất, Nữ diễn viên xuất sắc nhất (dành cho diễn viên Maisa Abdel Hadi) và Biên tập hay nhất. Habibi của nữ đạo diễn Susan Youssef xoay quanh tình yêu của Qais và Leila, đều là người Palestine. Họ gặp nhau tại một trường đại học ở Bờ Tây, cùng bị chính quyền Israel trục xuất đến Dải Gaza. Tình yêu của họ nảy nở, trưởng thành dưới sự kiểm soát hà khắc của các nhóm Hồi giáo Hamas.
![]() Cảnh trong phim Habibi - phim hay nhất tại LHP Dubai lần thứ 8 |
Anh trai Leila là một thành viên Hamas. Đây là lý do mối quan hệ của cô và Qais bị phản đối kịch liệt. Để bảo vệ tình yêu, họ đã chọn giải pháp trốn khỏi Israel với bộ giấy tờ giả. Cuộc chạy trốn không thành công, Leila buộc phải quay về với cuộc hôn nhân đã được gia đình sắp đặt. Habibi khắc nghiệt và bế tắc, có thể nhiều khán giả sẽ không hài lòng với kết thúc phim nhưng đó là hình ảnh chân thực nhất về cuộc sống cùng cực của những phụ nữ Israel dưới sự áp đặt của chế độ Hồi giáo Hamas. Đạo diễn Susan Youssef đã khóc khi nhận giải thưởng: “Tôi hy vọng bộ phim sẽ được chiếu ở Gaza”. Nữ đạo diễn trẻ cho biết, những hình ảnh đầu tiên của Habibi được thực hiện tại Gaza nhưng sau đó chính quyền Israel không cho phép cô đến đây. Youssef tâm sự, cô bị thôi thúc làm bộ phim này sau khi “yêu giám đốc một nhà hát tại Gaza”.
Youssef là người gốc Lebanon, lớn lên tại Mỹ. Habibi là bộ phim đầu tay của Youssef. Chi phí cho bộ phim khiến nhiều người ngạc nhiên, ít hơn “một chiếc xe hơi sang trọng ở Dubai”.
Có thể nói LHP Dubai lần thứ 8 là cuộc hội ngộ, tỏa sáng của thế hệ đạo diễn nữ tài năng mới các nước Ảrập. Bên cạnh Youssef là Deema Amr với phim dự thi A 7 Hour Difference (Sự khác biệt 7 giờ). Deema Amr là người Jordan, bộ phim của cô cũng đề cập đến những áp lực xã hội mà phụ nữ Arab phải đối mặt. Nhân vật chính trong A 7 Hour Difference là Dalia. Dalia học tại Mỹ, cô về Jordan nhân dịp đám cưới chị gái. Sự cố bắt đầu khi cậu bạn trai người Mỹ của cô bất ngờ xuất hiện trong đám cưới. Sau khi nghe Dalia thú nhận về mối quan hệ này, ông bố kiên quyết: “Ta muốn con trở về Jordan với một tấm bằng tốt nghiệp, không phải với một cậu bạn trai”.
Nói LHP Dubai 2011 là cuộc đọ sức của những kịch bản tình yêu quả không sai khi nữ đạo diễn thứ ba được nói đến sau đây cũng đem đến cho khán giả một câu chuyện về tình yêu. Đó là Danielle Arbid, người Lebanon và phim bà mang đến liên hoan là Beirut Hotel (Khách sạn Beirut). Phim có nhiều cảnh thân mật, táo bạo, khác hẳn với điện ảnh Ảrập truyền thống, đây là một trong những nguyên nhân khiến Beirut Hotel bị cấm chiếu tại Lebanon. Bên cạnh đó, Beirut Hotel nằm trong danh sách phim nhạy cảm vì bối cảnh của nó là vụ ám sát Hariri, đó cũng là bối cảnh mối tình giữa cô ca sỹ Lebanon và một người đàn ông Pháp.
Mảng phim tài liệu cũng ghi nhận sự cố gắng và năng lực của các nữ đạo diễn Arab như: Our Beloved Sudan (Sudan yêu dấu của chúng tôi) của đạo diễn Sudan Tagrid Elsanhouri, Here We Drown The Algerians của đạo diễn Pháp-Algeria Yasmina Adi...
Họ là phụ nữ, họ làm phim về phụ nữ, thậm chí họ trực tiếp diễn trong phim của mình, có lẽ vì vậy mỗi số phận được kể, mỗi con người được nhắc đến đều chân thực, xúc động. Elsanhouri nói về chính cuộc đấu tranh của mẹ mình khi bà bị ép lấy một người đàn ông đã có 3 vợ song song cùng sự kiện Bắc Sudan giành độc lập từ Khartoum trong Our Beloved Sudan. Trong khi đó, Here We Drown The Algerians là cuộc đàn áp tàn bạo cuộc biểu tình của người Algeria nhập cư ở Pháp năm 1961.