Nốt trầm sau bản hùng ca

Cao Sơn 27/07/2015 08:15

Hòa bình đã lập lại hơn 40 năm, vết thương chiến tranh cũng dần lành da. Chính sách đãi ngộ, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác đền ơn, đáp nghĩa đã làm dịu phần nào nỗi đau của biết bao gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công. Tuy nhiên, vẫn còn những người năm xưa chiến đấu quên mình vì Tổ quốc, trở về với nhiều vết thương, di chứng chiến tranh, nhưng chưa được hưởng bất cứ chính sách đãi ngộ nào.

Ông Bùi Xuân Cốc (bìa trái) cùng đồng đội thăm chiến trường xưa
Ông Bùi Xuân Cốc (bìa trái) cùng đồng đội thăm chiến trường xưa 

90 ngày trên cao điểm 1.088

Sau nhiều lần hỏi thăm chúng tôi cũng tìm được nhà cựu chiến binh Bùi Xuân Cốc. Ngôi nhà ba gian xây theo kiểu cổ, nằm sâu trong một ngõ nhỏ ven sông Nhuệ, thuộc làng Tả Thanh Oai. Ông Cốc gương mặt khắc khổ, dáng người tầm thước ra đón khách. Từ trong nhà vọng ra điệp khúc của một bài hát quân hành. “Tôi đang xem lại chương trình Hùng thiêng đất mẹ tổ chức hôm 18.7 vừa qua ở Quảng Trị mà tôi được làm khách mời. Thật vinh dự và cảm động khi tôi được thăm lại chiến trường xưa, gặp lại bao đồng đội”… Chuyện xưa, từ khi nhập ngũ đến khi vào chiến trường với những trận đánh ác liệt, cứ thế, rất tự nhiên, ùa về trong tâm trí người lính già.

Tháng 6.1968 chàng trai 21 tuổi Bùi Xuân Cốc từ biệt làng quê Tả Thanh Oai (thuộc Thường Tín, Hà Tây - cũ, nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội) lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc. Sau hơn 3 tháng huấn luyện tại Hòa Bình, anh tân binh Bùi Xuân Cốc cùng đồng đội nhanh chóng hành quân vào chiến trường Quảng Trị và được biên chế vào K10 - Tiểu đoàn 3, thuộc Trung đoàn 246, Đoàn Tân Trào. Trận đánh đầu tiên (ngày 1.1.1969) và cuối cùng của Bùi Xuân Cốc đều gắn với cao điểm 1.088. Cao điểm này là vị trí trọng yếu, trên ngọn núi cao nhất vùng, nằm chếch với cao điểm 689, thuộc xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Đây là ngọn núi hiểm trở, nhiều đá tai mèo, vách dựng đứng. Muốn leo lên chốt có chỗ phải đu dây, trèo cây. Khi đó, chiến trường Khe Sanh được địch xem như trận Điện Biên Phủ thứ 2, có lúc tăng cường quân số lên vài nghìn người, liên tục đánh chiếm những vị trí xung yếu. Nếu K3 Tam Đảo nổi tiếng với trận đánh giữ cao điểm 689 và lời thề quyết tử: “K3 Tam Đảo còn - Thành cổ Quảng Trị còn, dù phải hy sinh đến người lính cuối cùng”, thì K10 cũng ác liệt không kém trong trận chiến hơn 90 ngày đêm tại cao điểm 1.088. Quân số K10 lúc đó còn ít. Một trung đội bổ sung cũng chỉ hơn chục người. K10 được lệnh đánh cầm cự, giữ chân không cho địch chiếm chốt vượt qua cao điểm.

Nhắc tới kỷ niệm, cựu chiến binh Bùi Xuân Cốc bùi ngùi. Ông kể, hôm ấy, biết tin địch lên đánh chốt, chúng tôi triển khai đội hình đánh trả. Tôi và một đồng đội núp sau gốc cây to chờ giặc. Lính thám báo của chúng từ dưới dốc bò lên rất đông. Chúng tôi bảo nhau phải đợi chúng đến thật gần mới nổ súng, để tránh bị phát hiện và dập pháo. Địch từ nhiều hướng, rõ dần hình hài trước mắt, chúng tôi đồng loạt nổ súng. Nhiều tên địch đổ gục. Sau một hai loạt đạn, chúng hò nhau chạy tụt trở xuống. Chúng tôi lại tiếp đạn chờ đợt tấn công tới… Cứ thế, chúng tụt xuống rồi lại đánh nống lên. Chúng tôi chiến đấu giữ chốt từ chiều ngày 8 đến hết ngày 9.3.1969, không nước nôi, cơm cháo gì. Bất ngờ, tôi bị một viên đạn AR15 của địch găm vào bắp tay phải, máu chảy rất nhiều, tôi choáng ngất đi. Đồng đội Vũ Đình Trâm, quê Thái Bình, cõng tôi từ trận địa T4 xuống điểm tập kết thương binh. Trâm bảo: Anh nằm tạm đây để em lên xem còn thằng (giặc) nào em chiến nốt. Tôi dặn: Cậu cẩn thận đấy, chúng còn đông lắm. Tôi đưa cho Trâm khẩu AK của anh Tụ vừa hy sinh, nói: Cầm thêm lên. Mãi Tết năm ngoái, xem chuyên mục Nhắn tìm đồng đội trên truyền hình tôi mới biết cậu ấy đã hy sinh chỉ sau trận đánh ấy vài ngày. Ngày 12.3.1969, tôi được cáng ra điều trị tại Viện 41-43 Quảng Bình. Trên đường chúng tôi bị bom, đạn pháo bắn, tôi ngã từ trên võng xuống mấy lần ngất đi, tỉnh lại và bị thêm hai vết thương, một ở đầu, một ở chân. Vết thương bình phục, tôi trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu và đến tháng 10.1971 phục viên ra Bắc.

Phía sau bản hùng ca

Bị thương trở về từ chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị, cựu binh Bùi Xuân Cốc tiếp tục tham gia lực lượng dân quân địa phương với chức Trung đội phó. Trong trận Điện Biên Phủ trên không máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc cuối năm 1972, ông đã cùng đồng đội phối hợp bộ đội pháo cao xạ góp phần bắn cháy một máy bay F4H của giặc... Hòa bình lập lại, cuộc sống cứ trôi đi cho đến khi ông nhận thấy sức khỏe ngày một yếu. Những vết thương cũ và có thể cả do di chứng chất độc da cam làm ông choáng váng mỗi khi thời tiết thay đổi.

Thấy đồng đội cùng chiến đấu được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước, giúp vơi bớt khó khăn trong cuộc sống, ông lục lại giấy tờ cũ, nhưng hỡi ôi, dẫu được cất giữ cẩn thận trong hộp sắt mà giấy xác nhận chứng thương và nhiều giấy tờ quan trọng khác đều nát vụn. Tìm đơn vị cũ thì đơn vị đã giải thể. Hồ sơ kê khai ảnh hưởng chất độc da cam của ông giờ chỉ có giấy xác nhận của UBND xã Tả Thanh Oai về tình trạng sức khỏe, bệnh tật, bệnh án của Bệnh viện Tâm thần Trung ương I chẩn đoán rối loạn tâm thần và xác nhận của Ban CHQS huyện Thường Tín về thời gian 3 năm 5 tháng chiến đấu tại Quảng Trị. Hồ sơ gửi đến cơ quan chức năng đề nghị xét chế độ bị trả lại không hiểu vì sao. Chúng tôi hỏi, sao ngay sau ngày phục viên ông không làm chế độ thương bệnh binh ngay, ông cười hiền lành: Ngày ấy giấu không cho mọi người biết với suy nghĩ giản đơn muốn tiếp tục cống hiến, chiến đấu. Vả lại, bộ đội chiến trường về làng nói thương binh, bệnh binh khó lấy vợ lắm.

Ông Cốc bảo, ngoài ông, còn có cựu chiến binh K10 Lê Khắc Thế, ở xã Liên Phương, huyện Thường Tín, là người tham gia cáng thương ông Cốc từ trận địa về hậu cứ, cũng thiệt thòi. Ông Thế có người con nay đã ngoài 40 tuổi, chân tay đều bị tật mà không được hưởng chế độ gì, do giấy tờ bị mất hết khi cháy nhà. Buồn hơn là ông Thế đã qua đời từ năm 1990 khi giấy tờ làm hồ sơ còn dang dở. “Năm ngoái tôi đã tìm lại được đồng đội cũ ở K10. Hy vọng từ xác nhận của họ sẽ làm được chế độ cho những người như tôi, như con anh Lê Khắc Thế” - giọng ông Cốc bùi ngùi.

 Hồ sơ bệnh án do Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cung cấp, chẩn đoán ông Bùi Xuân Cốc, sinh năm 1947, nhập viện ngày 13.11.2009, ra viện ngày 14.12.2009 bị rối loạn tâm thần thực tổn (F06). Bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cảm xúc, tư duy, tri giác và hành vi (dễ nổi khùng, quăng ném đồ đạc...). Bệnh án cũng ghi, theo gia đình cho biết, từ nhỏ đến khi nhập ngũ ông Cốc hoàn toàn khỏe mạnh, tính tình hiền lành. Năm 1968, ông Cốc nhập ngũ thuộc đơn vị K10-D3, Trung đoàn 246 tham gia chiến đấu ở mặt trận Khe Sanh, Quảng Trị. Đây là nơi diễn ra những trận đánh ác liệt và là nơi Mỹ rải chất độc màu da cam/dioxin. Ông Cốc từng bị thương ở cánh tay, đỉnh đầu, cẳng chân và nhiều lần bị sức ép bom, pháo khiến lúc ngất đi, lúc bị ù đầu, chảy máu tai. Cuối năm 1971, ông Cốc được xuất ngũ về địa phương tham gia lao động sản xuất. Năm 1974 ông lập gia đình và lần lượt sinh được 4 người con song các con không được khỏe mạnh, trong đó người con út chậm phát triển, rối loạn tâm thần. Bản thân ông Cốc sức khỏe ngày một yếu, không làm được công việc nặng, hay đau đầu choáng váng, nhất là những khi trái gió trở trời.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nốt trầm sau bản hùng ca
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO