Nông sản Tiên Lãng
Nếp cái hoa vàng, trứng vịt, nấm, chiếu cói... Tiên Lãng, Hải Phòng đang vươn xa trên thị trường và trở thành sự lựa chọn của người tiêu dùng không chỉ ở thành phố Cảng. Việc phát triển sản phẩm làng nghề, nông sản truyền thống giúp nông dân thoát nghèo và làm giàu ngay trên đồng đất quê hương.
Trong số gần 20 làng nghề trên địa bàn thành phố Hải Phòng, làng nghề chiếu cói Lật Dương, xã Quang Phục, Tiên Lãng có lịch sử hình thành cách đây hơn 400 năm. Vào thế kỷ XVII, một số người dân từ Thái Bình di cư đến vùng đất này và mang theo nghề dệt chiếu cói. Ban đầu chỉ vài hộ trồng cói, dệt chiếu; sau đó dân làng chăm chỉ học nghề, tự mở go dệt trong gia đình, dần dần hình thành làng nghề với sản phẩm chiếu cói bền đẹp, tiêu thụ khắp huyện, thành phố và các địa phương lân cận như tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương. Hiện, toàn làng nghề có 158 go dệt với 4 xưởng in chiếu, tạo việc làm thường xuyên cho gần 600 lao động, sản lượng 200.000 lá chiếu, lãi suất bình quân 2,5 tỷ đồng mỗi năm. Những năm gần đây, làng nghề thành lập Hợp tác xã chiếu cói Lật Dương và đầu tư mua sắm máy dệt hiện đại, nâng cao chất lượng và sản lượng chiếu cói truyền thống.
Vốn là một huyện thuần nông, nên ngoài sản phẩm chiếu cói, Tiên Lãng còn có khá nhiều nông sản cung cấp cho thị trường. Mỗi năm, nông dân trong huyện gieo cấy 14.800ha lúa, diện tích cây vụ đông xuân 4.500ha, 173 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm… Bên cạnh việc gieo trồng các giống lúa mới cho năng suất, sản lượng cao hơn, bà con tại một số xã duy trì và phát triển các giống lúa đặc sản. Tiêu biểu như giống lúa nếp cái hoa vàng xã Đại Thắng trồng vào vụ mùa hàng năm. Với 1.000 hộ canh tác, diện tích 285ha, bình quân 5 – 7 sào/hộ, giống lúa nếp cái hoa vàng được người dân Đại Thắng ngâm ủ theo phương pháp truyền thống, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, cho những hạt gạo tròn, màu trắng đục, có mùi thơm đặc trưng. Đặc biệt, nhiều hộ dân trong xã đầu tư sản xuất rượu nếp cái hoa vàng theo phương pháp cổ truyền, tạo ra sản phẩm rượu có vị êm, hương thơm. Cùng với gạo, rượu nếp cái hoa vàng, trứng vịt tại các xã ven biển của huyện như Tây Hưng, Tiên Hưng, Đông Hưng, Nam Hưng và Bắc Hưng cũng đang tạo chỗ đứng vững chắc đối với người tiêu dùng. Với lợi thế có diện tích mặt nước rộng, nhân dân các xã ven biển xây dựng trang trại, gia trại nuôi trồng thủy sản kết hợp với nuôi vịt đẻ trứng. Số lượng đàn vịt duy trì thường xuyên hàng trăm nghìn con, công suất tiêu thụ 5 - 6 vạn quả trứng mỗi ngày.
Trong số các nông sản có tiềm năng khá mạnh của Tiên Lãng, sản phẩm nấm ăn, nấm dược liệu tuy mới được đầu tư sản xuất từ vài năm trở lại đây nhưng đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Hiện, toàn huyện có 349 lán trại tương ứng với diện tích 43.130m2, 18 lò hấp sấy, 1 cơ sở chế biến nấm với công suất 10 tấn nấm tươi/ngày. Niên vụ 2014 – 2015 tổng giá trị sản xuất nấm rơm, mỡ, sò đạt gần 13,5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 1.000 lao động thường xuyên và thời vụ.
Để nâng cao giá trị cho sản phẩm làng nghề, nông sản địa phương, huyện Tiên Lãng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp đến các hộ sản xuất, thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh, cung ứng giống, vốn, tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Huyện tập trung đầu tư kinh phí hỗ trợ các địa phương, nông dân quảng bá nông sản thông qua các lễ hội lớn như Lễ hội Hoa Phượng đỏ, các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại, trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Tuy nhiên, hiện nay các làng nghề sản xuất hàng nông sản trên địa bàn quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, thị trường tiêu thụ tự phát, chưa ổn định, sự hỗ trợ của nhà nước chưa nhiều, việc quảng bá, tuyên truyền chưa tạo được thương hiệu rõ nét. Để khắc phục tình trạng này, huyện đã lập dự án Xây dựng, quản lý nhãn hiệu chứng nhận Đại Thắng, Tiên Lãng cho sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng của xã Đại Thắng, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Hiện, dự án đang được Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Các sản phẩm nông sản như chiếu cói, nấm, nếp cái hoa vàng, trứng vịt đang được xây dựng dự án xác lập, bảo hộ, chứng nhận nhãn hiệu. Đây được coi là động thái tích cực góp phần khẳng định và quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống cũng như các sản phẩm nông sản địa phương. Ngoài ra, huyện tăng cường công tác tuyên truyền; đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ thiết thực hơn, nhất là về giống, vốn, khoa học kỹ thuật, động viên tập thể, cá nhân mở rộng quy mô đầu tư, sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng, tạo sức tiêu thụ mạnh mẽ hơn, nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.