Diễn đàn nông nghiệp bền vững Việt Nam - EU

Nông nghiệp hưởng lợi từ EVFTA

- Thứ Sáu, 20/09/2019, 08:11 - Chia sẻ
Đây là ý kiến của Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) Ywert Visser tại Diễn đàn nông nghiệp bền vững Việt Nam - EU sáng 19.9. Theo ông, việc giảm hơn 90% các chủng loại thuế trong thời gian tới đây theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ làm tăng nhu cầu và thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản sang thị trường tiêu dùng lớn và có tiêu chuẩn cao như châu Âu.

Đối tác lớn thứ hai của EU trong ASEAN

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2018 lực lượng lao động trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản của Việt Nam chiếm gần 38% tổng dân số lao động. Trong 8 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu nông - lâm - ngư nghiệp của Việt Nam đạt hơn 26 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong ASEAN với các mặt hàng chủ chốt như cà phê, hạt điều và hạt tiêu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều rào cản để đáp ứng các quy định quốc tế nghiêm ngặt, đặc biệt là về công nghệ mới để có thể đạt được tiềm năng tối đa về thị trường và giá cả.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Cẩm Trang nhận định, khi EVFTA được thực thi, cơ hội rất lớn mở ra cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Thị trường EU có mức chi tiêu cao nhưng kiểm soát chặt chẽ về khai thác tài nguyên bất hợp pháp, khắt khe về truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng cao. Do vậy, nông sản Việt Nam muốn có chỗ đứng thì phải đáp ứng được các tiêu chuẩn của EU. Bên cạnh việc tăng cường áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ trong nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng cần khuyến khích doanh nghiệp, nông dân sản xuất các sản phẩm an toàn, được chứng nhận và có thể truy xuất nguồn gốc để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU. Phó Chủ tịch VCC Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần nhớ, chất lượng hàng hóa, thông lệ quốc tế cũng như những điều khoản khác trong hiệp định mà Việt Nam đã cam kết là then chốt để thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra.

Công nghệ - chìa khóa phát triển bền vững

Cũng tại Diễn đàn, nhiều chuyên gia và đại diện các tổ chức quốc tế cho rằng, thế giới đang trải qua những chuyển đổi mạnh mẽ về công nghệ. Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang tác động sâu sắc tới việc tạo ra năng lượng cho xã hội, sản xuất hàng hóa; cũng như cách mà con người sinh sống, làm việc và di chuyển. Ngành nông nghiệp đang chịu khá nhiều áp lực liên tục để thích nghi và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng ngày càng tăng và đòi hỏi tiêu chuẩn cao như thị trường châu Âu. Điều này đặt ra yêu cầu ngành nông nghiệp phải tiếp cận đổi mới và công nghệ, tăng cường sự bền vững trong nông nghiệp thông qua nâng cao năng suất, chất lượng và đóng góp cho phát triển kinh tế bền vững.

Ông Kohei Sakata, Giám đốc chiến lược kỹ thuật số khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Tập đoàn Bayer cho biết, hoạt động nông nghiệp ngày càng tăng, diện tích đất nông nghiệp ngày càng giảm, đòi hỏi đặt ra tính bền vững. Tại Việt Nam, phần lớn nông dân là các nông hộ sản xuất nhỏ, nhưng lại cung cấp đến 70% nguồn lương thực. Bayer có thể giúp các nông hộ nhỏ ở Việt Nam gia tăng sản xuất với nguồn tài nguyên ít hơn, tối ưu hóa canh tác, vượt qua thách thức biến đổi khí hậu và dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận.

Trong các giải pháp kỹ thuật số, thiết bị bay không người lái sẽ giúp cơ giới hóa nông nghiệp, giúp nông dân sản xuất hiệu quả cao và ít lao động hơn; hay ứng dụng công nghệ sinh học giúp hạt giống ngô tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, điển hình như chống lại dịch sâu keo mùa thu trên cây ngô. “Rõ ràng là các giải pháp kỹ thuật số của chúng tôi đã mang đến những cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy canh tác bền vững trong nông nghiệp” - ông Kohei Sakata nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty BlueScope Lysaght Việt Nam cho biết, ngành chăn nuôi gia cầm hiện tăng trưởng ổn định song lại phụ thuộc nhiều vào việc kinh doanh hộ gia đình với quy mô nhỏ, chất lượng không ổn định và cơ cấu chi phí cao. Điều này dẫn đến hạn chế đưa được sản phẩm vào các thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn cao và phát triển, trong đó có EU. Muốn gia tăng lợi thế cạnh tranh, đòi hỏi ngành chăn nuôi phải có những giải pháp công nghệ để hoàn thiện đồng bộ quy trình từ chăn nuôi đến chế biến thịt. BlueScope Lysaght Việt Nam đã giới thiệu nhiều giải pháp nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh, cải tiến chất lượng và hiệu quả chuồng, trại chăn nuôi, đảm bảo tỷ xuất hồi vốn cao và tăng tính bền vững cho cộng đồng…

Chi An