Từ lâu giới nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã biết đến họa sĩ Đỗ Đức - người chuyên tâm vẽ và viết về miền núi phía Bắc. Ông có nhiều tác phẩm trong các sưu tập trong và ngoài nước. Ông có tới 14 tác phẩm được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam,15 tác phẩm lưu giữ trong Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Thái Nguyên, tất cả các tác phẩm này ông đều vẽ về đời sống sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam.
Nhiều năm gắn bó với vùng văn hóa miền biên cương phía Bắc, tìm hiểu đời sống các sắc tộc thiểu số, họa sĩ Đỗ Đức chia sẻ: “Năm 1973 lần đầu lên Hà Giang, tôi đi mấy huyện vùng cao Đồng Văn, Quản Bạ chỉ 23 ngày. Sau đó, cả vùng biên viễn ấy theo tôi suốt cuộc đời làm nghệ thuật. Tôi đã đến với miền biên cương phía Bắc như một nhân duyên thế đấy!”
Sau nhiều năm, Tây Bắc và Việt Bắc cùng cao nguyên đá Đồng Văn là nhịp đập trái tim nghệ thuật của họa sĩ Đỗ Đức. Phong cách sáng tác của ông gắn với rừng thẳm, sông dài, cao nguyên đá trùng điệp, núi non hùng vĩ của một dải biên viễn phía Bắc của tổ quốc.
Họa sĩ Đỗ Đức dành trọn triển lãm này cho núi và đá, với các chủ đề về nương đá, ngựa và không gian sống trên cao nguyên đá, chợ vùng cao và con người miền sơn cước qua hình ảnh người mẹ.
Trong khuôn khổ triển lãm "Non nước biên thùy", ông cũng ra mắt, giới thiệu cuốn sách tranh sơn dầu cùng tên, vừa được xuất bản trong quý III.2024, giới thiệu khoảng 200 tác phẩm sơn dầu mà họa sĩ đã sáng tác trong suốt 20 năm qua.
Trong thời gian triển lãm cũng diễn ra art talk giao lưu giữa họa sĩ và công chúng, vào sáng 14.9. Trong buổi art talk này, họa sĩ Đỗ Đức sẽ đấu giá một tác phẩm để lấy tiền ủng hộ cho Quỹ xây trường học “Hoa của đá”.