Xã hội

Nơi từng xảy ra cháy vẫn kín người thuê vì giá rẻ, người dân cần nêu cao tinh thần PCCC

Thanh Hải 04/07/2025 11:48

Một năm sau vụ cháy tại ngõ 43 Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi từng là hiện trường của thảm kịch tang thương giờ đã dần trở lại vẻ yên ả thường ngày. Nhưng phía sau bức tường đã sơn mới, phía sau những cầu thang thép vừa được hàn lại, vẫn là nỗi ám ảnh chưa nguôi đối với người thuê nhà.

Nguy cơ hoả hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngõ nhỏ.

Đêm 24/5/2024, ngõ nhỏ số 43 Trung Kính sáng rực trong ánh lửa và tiếng còi cứu hoả. Mười bốn người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ nhỏ. Căn nhà sáu tầng bị thiêu rụi trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ.

img_1233.jpeg
Hiện trường nơi xảy ra vụ cháy hiện được cải tạo thành dãy phòng trọ cho thuê.

Cho đến giờ, bà H. (nhân vật xin phép giấu tên) - một người dân sống gần khu vực xảy ra hoả hoạn vẫn không khỏi bàng hoàng:

“Nghĩ lại vẫn thấy lạnh cả người chú ạ. Dù lực lượng chức năng đã cố gắng nỗ lực nhưng lửa bùng lên quá mạnh và nhanh khiến không ai trở tay kịp. Nhìn từng người được nằm trên cáng bê ra mà đến giờ tôi vẫn lạnh cả sống lưng. Giờ chỉ cần ngửi thấy mùi khói thôi là ngay lập tức, cả nhà phải đi kiểm tra ngay mọi ngóc ngách.”

img_1236.jpeg
Hiện trường vụ cháy nhà trọ cao tầng ở Trung Kính.

Căn nhà xảy ra vụ cháy năm xưa đã được sửa chữa hoàn toàn. Một “cò” đất đứng ra cho thuê lại. Một người thuê nhà nói rằng mình biết đây là nơi xảy ra vụ cháy, nhưng vẫn chấp nhận ở vì giá rẻ hơn mặt bằng chung.

Khói có thể tan nhưng nguy cơ liệu có tàn?

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (Bộ Công an), chỉ trong năm tháng đầu năm 2025, cả nước đã xảy ra 1.497 vụ cháy, khiến 39 người chết, 39 người bị thương và thiệt hại tài sản lên đến 138 tỷ đồng. Đáng chú ý, 821 vụ (tức hơn một nửa) xảy ra tại các khu vực đô thị. Có 10 vụ cháy xảy ra ở chợ. Trong 863 vụ đã xác định được nguyên nhân, có tới 73% bắt nguồn từ sự cố điện.

img_1237.jpeg
Lực lượng chức năng tích cực khống chế đám cháy (Ảnh: Nguồn C07)

Đó là một con đáng báo động. Một sự thật trần trụi rằng: cái chết có thể bắt đầu từ một ổ cắm quá tải, một bóng đèn rò điện, hay một dây nối dài cắm chập vào nhau treo lơ lửng trên vách tường ẩm mốc.

Thực tế, ở Hà Nội - nơi đô thị hoá và dân cư đông đặc đang tồn tại hàng ngàn khu nhà trọ tự phát, phòng cho thuê chật hẹp, cầu thang dựng tạm, dây điện lằng ngoằng không có bảo hộ, hàng lang biến thành bếp nấu ăn, bếp gas để sát lối. Một không gian sống mà bất kỳ ngọn lửa nào cũng có trở thành bản án tử hình.

img_1241.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Sự nguy hiểm nằm trong từng góc nhà, từng đoạn ngõ nhỏ nhưng điều nguy hiểm hơn cả là thái độ xem nhẹ rủi ro. Một khi nỗi sợ chỉ kéo dài vài tuần sau mỗi vụ cháy, rồi lắng xuống như mặt hồ thì những ký ức tang thương sẽ sớm bị lãng quên. Và khi đó, chúng ta sẽ lại đọc những con số thương vong mới. Có thể là mười bốn, có thể là nhiều hơn.

img_1234(2).jpeg
Ký ức vụ cháy tại khu dân cư khiến không ít người đau lòng.

Trong nhiều khu dân cư, lời cảnh báo vẫn vang lên: “Cẩn thận nhé, ngõ này từng cháy rồi đấy.” Nhưng lời nhắc ấy thường được đáp lại bằng một nụ cười xã giao: “Ờ, chắc giờ không sao đâu.”

Vậy nếu ngọn lửa một lần nữa bùng lên, ta sẽ làm gì?

Trong hầu hết các vụ cháy lớn từng ghi nhận tại đô thị, nạn nhân tử vong thường không phải vì bị lửa thiêu trực tiếp, mà do ngạt khói, mất phương hướng, không có lối thoát hiểm, hoặc thoát không kịp vì căn nhà chỉ một lối ra

Điều đó càng khiến câu hỏi trở nên nhức nhối: tại sao đến giờ, những khu trọ tối tăm, những ngõ sâu chỉ vừa một xe máy, những giếng trời vừa là khe thoáng vừa là ống khói vẫn tiếp tục tồn tại mà không có bất kỳ biện pháp cải tạo nào?

Phòng cháy không thể là một chiến dịch truyền thông ngắn hạn. Đó phải là nền tảng sống. Một xã hội phát triển không thể cho phép cư dân sống trong “bẫy lửa” mà họ không hề hay biết hoặc biết mà chọn cách phớt lờ đi.

Chúng ta không thể để những đứa trẻ sống trong căn phòng không có cửa sổ, cạnh hành lang đầy bình gas và dây điện bọc nilon. Không thể để người dân khi nghe tiếng còi cứu hoả lại tự hỏi: Lần này lại cháy ở đâu?

Vì vậy, khi nhắc đến vụ cháy Trung Kính, đừng chỉ gọi đó là một “tai nạn thương tâm”. Hãy gọi nó là một “hồi chuông cảnh tỉnh”. Bởi không có nỗi đau nào là đủ nếu nó không khiến người ta thay đổi về nhận thức. Và không có căn nhà nào thực sự được sửa chữa nếu con người bên trong nó vẫn sống bằng sự chủ quan.

KHUYẾN CÁO PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY TRONG KHU DÂN CƯ, NHÀ TRỌ, CHUNG CƯ MINI

Trang bị đầy đủ thiết bị PCCC cơ bản như bình chữa cháy, mặt nạ chống khói, thang dây; đảm bảo đúng quy chuẩn và dễ sử dụng.

Không để vật dụng cản trở lối thoát hiểm: không để xe máy, đồ đạc ở hành lang, cầu thang; không xây “chuồng cọp”, lưới sắt bịt kín ban công.

Lắp đặt hệ thống điện đúng tiêu chuẩn, không câu móc dây điện tùy tiện, kiểm tra aptomat, ổ cắm định kỳ; thay thế thiết bị đã cũ, hở, hư hỏng.

Phân khu nấu nướng hợp lý: không dùng bếp gas mini cũ, không đặt bếp gần vật liệu dễ cháy; tuyệt đối không nấu ăn ngoài hành lang.

Sử dụng vật liệu xây dựng và nội thất khó bắt cháy, hạn chế dùng mút, xốp dễ sinh khói độc.

Tập huấn kỹ năng PCCC định kỳ cho người thuê nhà: cách dùng bình chữa cháy, thoát hiểm khi có cháy, gọi cứu hỏa đúng cách.

Chủ nhà có trách nhiệm pháp lý nếu không đảm bảo an toàn PCCC (theo Luật PCCC và Nghị định 136/2020/NĐ-CP).

Trang bị lối thoát phụ, mở giếng trời thông thoáng, bố trí khoảng không ở giữa nhà; cấm bịt kín không gian bằng vách tạm, tôn hoặc sắt.

KHUYẾN CÁO PHÒNG CHÁY TẠI CHỢ TRUYỀN THỐNG

Không thắp hương, đốt vàng mã trong khu vực kinh doanh; nếu có, phải bố trí khu riêng biệt, an toàn, có người trực.

Không để hàng hóa, vật dụng lấn chiếm lối đi, cửa thoát nạn; giữ lối thoát hiểm thông thoáng mọi lúc.

Tách riêng hệ thống điện kinh doanh – điện chiếu sáng – điện chữa cháy; kiểm tra thường xuyên, không cắm chung nhiều thiết bị vào 1 ổ điện.

Không tích trữ xăng, dầu, hóa chất dễ cháy trong sạp hàng.

Không sử dụng thiết bị nấu nướng tùy tiện như bếp gas du lịch, bếp than tổ ong, đặc biệt vào ban đêm khi không có người trông coi.

Tổ chức tập huấn PCCC cho tiểu thương, thành lập đội PCCC cơ sở, hướng dẫn sử dụng thiết bị chữa cháy ban đầu.

Ban quản lý chợ chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hệ thống PCCC và xử lý các vi phạm (như dây điện chằng chịt, thắp hương sai quy định…).

Lắp đặt camera, chuông báo cháy, bình chữa cháy tại các khu vực trọng điểm; đảm bảo có sơ đồ thoát hiểm và biển cấm lửa rõ ràng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nơi từng xảy ra cháy vẫn kín người thuê vì giá rẻ, người dân cần nêu cao tinh thần PCCC
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO