Nơi mở đầu kháng chiến toàn quốc 1946

- Chủ Nhật, 16/12/2012, 09:31 - Chia sẻ
Phố Hàng Bún - ngõ Yên Ninh được coi là nơi mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc năm 1946, bởi nhân dân lối phố này và tự vệ Thành đã chống giặc và đánh giặc từ ngày 17.12, trước khi có lệnh toàn quốc kháng chiến.

Cả ngõ Yên Ninh, phố Hàng Bún (và thêm một phần phố Nguyễn Trung Trực), đều nằm trên đất thôn Yên Ninh xưa, nay thuộc phường Nguyễn Trung Trực, Ba Đình, Hà Nội. Chính người thôn Yên Ninh ngày xưa có nghề làm bún, sợi nhỏ và trắng nõn, rất nổi tiếng. Sau, phố phường phát triển, một phần Yên Ninh, là phần có nhiều người làm bún, được mở mang thành phố, nên được gọi là phố Hàng Bún.


Nguồn: mytour.vn

 Xưa trước, Hàng Bún vốn làm và bán nhiều bún. Vào những năm đổi mới, lối phố này thay đổi nhanh chóng, thành khu vực buôn bán khá hiện đại. Rất thú vị là lối phố này có rất nhiều nhà hàng ăn uống, đặc biệt, nhà 63B là cửa hàng nem Phùng gia truyền nổi tiếng. Chủ hiệu nem Phùng này chính cống người làng Phùng, ra cư ngụ và hành nghề đã mấy chục năm nay. Đặc sản này cùng với phở, lẩu... thay cho bún, khiến phố Hàng Bún vẫn mang cốt cách của một lối phố hàng quà, như xưa.

Có thể nói, Hàng Bún là phần cuối cùng phía Bắc của các “phố Hàng” ở Hà Nội. Kể từ dưới lên, Hàng Cót, Hàng Khoai, Hàng Lược, Hàng Đậu, Hàng Than, đến Hàng Bún là hết “phố Hàng”. Hai phố Hàng Bún và Yên Ninh gần như song song, ở phía cuối có con ngõ thông hai phố với nhau. Ngay ở ngã ba phố Hàng Bún - ngõ Yên Ninh có một tấm bia gắn trên tường ngôi nhà 54 Hàng Bún (giáp với nhà 98 ngõ Yên Ninh), với dòng chữ: “Khắc sâu mối thù thực dân Pháp đã tàn sát đồng bào ta tại nơi đây ngày 17.12.1946, mở đầu cuộc gây hấn của chúng ở Thủ đô Hà Nội”. Người Hà Nội mãi mãi không quên: vào chập tối ngày 16.12.1946, một chiếc ôtô quân sự Pháp từ trong Thành (Thành cổ Hà Nội) chở nhiều lính mũ đỏ (lê dương) chạy tới ngã ba Hàng Bún - Yên Ninh, bắn chết một tự vệ Thành đang đứng gác ở đấy. Một số lính mũ đỏ nhảy xuống xe, bắt một tự vệ Thành khác. Anh chiến sỹ tự vệ chống trả quyết liệt, quật lại mấy tên mũ đỏ, và hô hoán bà con lối phố. Bà con lối phố nhanh chóng kéo đến, bọn lính mũ đỏ của Pháp nhảy vội lên ôtô, chạy vào Thành. Sáng sớm hôm sau, 17.12, quân Pháp cho máy bay lượn khắp bầu trời Hà Nội, dưới đất, xe tăng, xe bọc thép chở lính mũ đỏ vây chặt khu vực Hàng Bún - Yên Ninh. Chúng dồn ép hơn 40 người dân tới ngã ba của hai phố, nhiều họng súng từ xe tăng, xe bọc thép chĩa vào bà con. Tên chỉ huy ngồi trên xe bọc thép sai một tên Việt gian đứng ra hỏi: “Trong đám này, đứa nào là Việt Minh?”. Dân chúng im lặng. Chúng hỏi lần nữa, nhưng bà con dân phố vẫn im lặng. Được lệnh, tên Việt gian dẫn bọn lính mũ đỏ đi lùng sục từng nhà, bắt thêm người ra chỗ tập trung. Chúng lại hỏi: “Ở đây có bao nhiêu Việt Minh?”. Bà con dân phố đều im lặng. Tên sỹ quan quát tháo ầm ĩ, rồi nói (qua thông ngôn): “Ai muốn theo chúng tao thì đứng sang một bên”. Hắn gặng hỏi hai, ba lần, nhưng bà con không ai nhúc nhích. Thấy không uy hiếp được bà con dân phố, bọn chúng liền lục túi từng người, cướp lấy tiền, tư trang, đồng hồ... Rồi chúng dồn bắt 15 phụ nữ, đưa lên ôtô. Đến lúc này, bà con dân phố cùng xô lên đấu tranh giành lại con em mình. Xe tăng, xe bọc thép của chúng gầm rú, và chúng xả đạn liên tục, tàn sát nhân dân. Trong chốc lát, máu tràn lênh láng ngã ba Hàng Bún - Yên Ninh, hơn 20 người chết và bị thương nằm ngổn ngang trên đường. Bọn lính mũ đỏ còn ập vào nhiều nhà, tàn sát dân phố và cướp phá đồ đạc. Trước cảnh đau đớn đó, dù chưa có lệnh đánh Pháp xâm lược, các chiến sỹ tự vệ Thành lòng đầy căm hờn đã xông tới đánh giặc, cứu nhân dân Hàng Bún - Yên Ninh. Bọn giặc buộc phải rút chạy vào Thành.

Hai ngày sau, 19.12.1946, Lệnh toàn quốc kháng chiến được phát trên sóng Đài tiếng nói Việt Nam, cả Hà Nội đứng lên trả thù cho bà con dân phố Hàng Bún - Yên Ninh. Đoàn Pháo binh Thủ đô đã từ Pháo đài Láng nã đạn vào Tổng hành dinh của quân xâm lược Pháp trong thành Hà Nội... Sau này, người ta nói rằng, Hàng Bún - Yên Ninh mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Cũng đúng, bởi nhân dân lối phố này và tự vệ Thành đã chống giặc và đánh giặc từ hôm 17.12.1946!

ANH CHI