Nỗi lo toan mùa hạ
(ĐBNDO)- “Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao…” Lời thơ ấy của Thanh Tùng cùng với giai điệu âm nhạc của Nguyễn Đình Bảng luôn khiến mỗi chúng ta chộn rộn nhớ về một thời hoa đỏ diệu kỳ, đầy nhiệt huyết khát khao. Tiếng ve vẫn ran ran, phượng vẫn đỏ rực trời thương nhớ, nhưng dường như mùa hạ bây giờ thêm lắm lo toan, áp lực?!
Áp lực nghỉ hè
Tôi vẫn giữ thói quen đi chậm lại khi ngang qua một cổng trường phổ thông nào đó, dưới hàng phượng vỹ, hay lướt web tìm kiếm những hình ảnh chia tay cuối cấp, lễ trưởng thành, lễ tri ân thầy cô… mỗi độ hè về. Ở đó, hẳn mỗi chúng ta sẽ thấy xao lòng khi chứng kiến những vòng tay bè bạn xiết chặt không rời, những ánh mắt của thầy cô trìu mến, những dòng lưu bút buổi chia tay,… Nhưng, gây xúc động nhất là những giọt nước mắt trong trẻo. Học trò - lứa tuổi dễ tổn thương. Có em khóc chỉ vì ấm ức bởi sự vô tâm của bạn; có em khóc vì phải xa thầy cô, xa trường, xa lớp, mặc dù biết rằng trên đường đời sẽ còn gặp lại. Nhiều khi, em khóc cho những ước mơ xa xôi, hay nước mắt trào chỉ vì em không còn một xu nào trong túi để mua đỡ cụ già bán hàng rong một gói tăm!
Tiếc rằng, rồi từ đây năm tháng sẽ khiến các em khóc nhiều hơn bởi những lo toan cuộc sống. Trên mỗi nấc thang của đường đời, em khóc hay cười, nhưng giọt nước mắt khi ấy sẽ chẳng còn trong veo, tiếng cười sẽ chẳng còn lảnh lót một thời áo trắng. Chưa nói đến những gập ghềnh, trơn trượt đang chờ đợi các em phía trước, ngay hôm nay, nghỉ hè đâu còn trọn vẹn ý nghĩa nghỉ ngơi mà là khoảng thời gian với biết bao áp lực.
|
Những lo toan như càng dầy thêm bối rối trong cái oi nồng của hạ. Với các lứa học trò nhỏ tuổi thì mùa hạ bây giờ cũng đã khác xưa. Ở thành phố, hè là lúc phụ huynh lo lắng, tất bật tìm lớp học thêm, học đủ thứ kể cả những điều không thích. Ở nông thôn, tuy đỡ hơn áp lực học hành, nhưng những miền quê nghèo, đây lại là thời gian các em phải lam lũ mưu sinh với biết bao bất trắc.
Hè này, phượng đang kỳ đỏ rộ. Thật buồn khi thấy cảnh các nữ sinh đánh nhau rồi lại tung clip lên mạng, cảnh nam sinh còn vận nguyên đồng phục phóng xe máy vù vù vượt đèn đỏ, hùng hổ gây gổ với bạn,… Lướt qua facebook sẽ dễ dàng đọc được những lời bình luận ác ý về thầy cô, bè bạn, thậm chí cả các bậc sinh thành. Nếu không cũng là những chia sẻ, thở than bởi nỗi lo mùa thi cử; nỗi lo tốt nghiệp xong chẳng xin được việc làm.
Hè về như nóng hơn khi các diễn đàn rôm rả, bời bời những câu chuyện về cải cách giáo dục, về đổi mới thi cử. Với học sinh lớp 12, hẳn các em đã cảm nhận được sức nóng mùa thi từ rất sớm, chí ít là từ giữa xuân, khi quy chế tuyển sinh được ban hành. Tiếp đó là bề bộn thông tin “những điều cần biết” của các trường cao đẳng, đại học về chỉ tiêu, về ngành nghề. Chưa hết, các em còn phải phấp phỏng, bởi những chia sẻ của các anh chị khóa trước, rằng biết đâu, đến sát ngày thi lại thay đổi, điều chỉnh gì đó.
Đâu là động lực vào đại học ?
Hè này, gần như cùng lúc các em học sinh lớp 12 đang ra sức ôn luyện sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lần thứ hai; thì cũng chính các em sẽ là những người hoang mang hơn cả, khi các cơ quan chức năng liên tục công bố những số liệu, cảnh báo tình trạng thừa thầy thiếu thợ đang ở mức báo động. Mới đây, ngay sau khi một cơ quan nghiên cứu của ngành lao động công bố đang có hơn 190.000 cử nhân, thạc sĩ vật vã tìm việc làm, lập tức nhận được sự lo ngại của dư luận.
Những câu hỏi lớn cho giáo dục ngày một nhiều, đặc biệt là với các trường đại học, cao đẳng mỗi khi mùa tuyển sinh đến. Năm 2016 này, giáo dục đại học đang vướng phải không ít những điều tiếng khiến sút giảm lòng tin của xã hội. Đó là những nhập nhằng về quản lý hoạt động ở một số trường ngoài công lập, việc cạnh tranh trong tuyển sinh ngày càng gay gắt dẫn đến nhiều trường rất khó khăn khi tuyển người học. Thế nên bằng mọi cách trường tìm nguồn tuyển thu được hồ sơ, giam hồ sơ để giữ chân được người học.
Không ít ý kiến chuyên gia đã phải thốt lên rằng, vào đại học bây giờ đã không còn là động lực lớn cho các học sinh cuối cấp. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp là do chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu. Việc các trường đại học mọc lên nhiều, hoạt động đào tạo thì hết sức giản tiện, chất lượng không bảo đảm là câu trả lời cho việc giảng đường vắng bóng sinh viên. Mới đây một trường đại học có cơ ngơi khá tốt đã phải nhượng lại cho một cơ quan nhà nước.
Đã có không ít cảnh báo về chất lượng đào tạo ở một số trường đại học, và cũng không thiếu những phân tích, mổ xẻ căn nguyên bất hợp lý trong hoạt động giảng dạy của các nhà trường hiện nay. Điều này lý giải vì sao nhiều cơ quan, doanh nghiệp từ chối không nhận sinh viên của một số trường ngoài công lập, trường top dưới. Vẫn biết là việc “kỳ thị”, phân biệt trường công và trường tư là không nên. Nhưng cũng phải “thông cảm” với người sử dụng lao động, họ muốn tuyển được những người làm việc có chất lượng.
Khi các thí sinh không còn động lực phải vào đại học bằng được thì sẽ tìm đến các trường trung cấp chuyên nghiệp, các cơ sở dạy nghề. Nhưng xem ra, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta vẫn chưa đủ sức hút các học viên. Bằng chứng là qua mỗi kỳ tuyển sinh, không ít trường chỉ nhận được số hồ sơ dự tuyển ít hơn nhiều so với chỉ tiêu, có trường “trắng” học viên.
Người dân mong rằng, thời gian tới, Ngành Giáo dục sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét hơn. Niềm mong mỏi ấy đã và đang được các học sinh và thầy cô bày tỏ trên các diễn đàn báo chí, trong đó không ít ý kiến chia sẻ sự “sốt ruột” của mình, song cũng là sự sốt ruột chung. Bởi chúng ta có thể trì hoãn, nhưng thời gian thì không chờ đợi.