“Nơi lo cho dân”

- Thứ Tư, 03/03/2021, 06:37 - Chia sẻ
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo các nghị định quy định chi tiết thi hành các nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh và thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: Cơ quan hành chính quận, phường phải mạnh, là nơi lo cho dân, kể cả giải quyết việc làm và an toàn cho người dân.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đều tổ chức chính quyền theo một cấp thành phố. Cấp quận, phường không còn HĐND. UBND quận, phường là cơ quan hành chính. Để vận hành bộ máy chính quyền đô thị cũng như thực hiện một số chính sách cơ chế đặc thù đối với những địa phương này cần sớm có khung khổ pháp lý chặt chẽ. Đây là yêu cầu chính đáng, không chỉ là mong mỏi của chính quyền mà còn là nguyện vọng của người dân nơi thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị.

Không tổ chức HĐND quận, phường là vấn đề được bàn đi bàn lại rất nhiều lần. Trên diễn đàn Quốc hội vấn đề này cũng đã được thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡng, thấu đáo. Cuối cùng, Quốc hội đã quyết định cho phép một số địa phương thực hiện và thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị. Dù có những yếu tố đặc thù để thực hiện hay thực hiện thí điểm thì ở những địa phương thực hiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị vẫn phải bảo đảm nguyên tắc bộ máy phải đáp ứng được yêu cầu thực tế của từng địa phương và bảo đảm được tính thống nhất, thông suốt của bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương theo quy định pháp luật.

Mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị là xây dựng mô hình tổ chức bộ máy chính quyền tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ tốt hơn cho Nhân dân. Bộ máy đó phải theo hướng đổi mới toàn diện các vấn đề về quản lý đô thị, cải cách hành chính, đội ngũ cán bộ công chức. Để bảo đảm thực hiện bộ máy tinh gọn mà vẫn “trôi” việc, đòi hỏi các địa phương thực hiện mô hình chính quyền đô thị phải chú trọng đến vấn đề phân cấp quản lý giữa các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn.  

Thực tế cho thấy, cùng cơ chế, chính sách nhưng mỗi địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khác nhau. Điều này căn cứ vào điều kiện tự nhiên, nhưng cũng phụ thuộc tầm nhìn, khả năng lãnh đạo của người đứng đầu. Cùng khung khổ pháp lý nhưng có những địa phương không phát sinh điểm “nóng”, trong khi đó, có những địa phương xuất hiện nhiều khiếu kiện, khiếu nại đông người. Điều đó cho thấy, chính quyền có thể chưa thực sự lắng nghe thấu đáo tiếng nói người dân; cán bộ, công chức khi tiếp dân chưa thực sự tạo chỗ dựa niềm tin để giải quyết những vướng mắc phát sinh từ cơ sở. Dù Luật Tiếp công dân quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày trong 1 tháng, nhưng trên thực tế không phải lãnh đạo tỉnh nào cũng thực hiện đúng. Không dành thời gian tiếp dân, làm sao lãnh đạo hiểu được tâm tư, nguyện vọng của người dân? Làm sao hiểu được những bất cập của các quy định, những vướng mắc từ thực tế cuộc sống để kịp thời tháo gỡ? Khi người đứng đầu không tuân thủ quy định thì rất khó có một bộ máy hành chính, một đội ngũ công chức hoạt động hiệu quả, vì người dân.

Một bộ máy tinh gọn là cần thiết. Nhưng vận hành bộ máy ấy như thế nào cho hiệu quả mới là điều quan trọng. Và điều này đòi hỏi người đứng đầu phải thực sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền đô thị. Người đứng đầu phải thật sự sâu sát cơ sở để lắng nghe tiếng nói người dân. Cùng với đó, tạo cơ chế thuận lợi để cơ quan cấp trên, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội các cấp và người dân cùng giám sát. Không để những nơi không tổ chức HĐND quận, phường có “khoảng trống quyền lực”. Muốn vậy, hoạt động của bộ máy, hoạt động của cán bộ, công chức phải được minh bạch trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.

Cần phải nhấn mạnh rằng, dù tổ chức chính quyền đô thị hay ở những nơi không tổ chức thí điểm mô hình này, thì điều quan trọng nhất mà người dân cần đó là chính quyền phải vì dân. Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, bộ máy hướng về người dân, nhanh chóng hơn, kịp thời hơn, thuận lợi hơn cho người dân, nguyên tắc nào thì cũng phải nâng cao trách nhiệm trước Đảng, trước dân.

Hà An