Nối lại điệu hát Dô
Những ngày đầu xuân mới Nhâm Thìn, đâu đâu trong xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội cũng rộn ràng những câu hát Dô. Hát Dô là loại dân ca nghi lễ cổ xưa thờ Thánh Tản Viên - một thời tưởng như chỉ còn vang bóng, song nay đã được vực dậy với sức sống mạnh mẽ...
Nguy cơ thất truyền
![]() Bà Lan (hàng dưới, thứ 4 từ trái sang) và câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết. |
Hát Dô là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, phát tích ở vùng đất Lạp Hạ ven sông Tích, nay là xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội gắn với lễ hội đền Khánh Xuân (còn gọi là hội hát Dô), thờ phụng Đức Thánh Tản Viên. Về Liệp Tuyết những ngày này, không ai nghĩ hát Dô có thời kỳ tưởng như đã bị thất truyền. Để hát Dô sống lại với một sức sống mới như hiện nay, cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền, không thể không nhắc đến công sức cùng tâm huyết của các thành viên CLB hát Dô xã Liệp Tuyết.
Kể về nguồn gốc của hát Dô, Chủ nhiệm CLB hát Dô xã Liệp Tuyết Nguyễn Thị Lan cho biết: Tương truyền, ngày xưa, Đức Thánh Tản ngao du qua nhiều vùng ven sông Tích, từ Sơn Tây, qua Thạch Thất và về đến mảnh đất Lạp Hạ - xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai ngày nay, Ngài thấy ruộng đất phì nhiêu nhưng dân cư thưa thớt, chưa biết làm nông nghiệp, bèn gọi dân làng đến dạy cho cấy cày. Đức Thánh Tản xuống ruộng làm trước, mọi người làm theo sau. Ngài dạy dân chọn hạt lúa to làm giống, đem gieo vào ruộng có đất phù sa. Sau đó, Ngài đi nơi khác, hẹn ngày lúa chín sẽ quay trở lại. Đến mùa lúa chín, thóc đầy nhà, dân làng phấn khởi, chờ đón ân nhân của mình. Nhưng mãi tới 36 năm sau, Ngài mới quay trở lại. Thấy dân làng giàu có, thóc lúa đầy nhà, Ngài tập hợp nam thanh nữ tú trong làng đến để dạy múa hát, mở hội mừng dân no ấm được mùa, đó chính là điệu hát Dô ngày nay. Hết hội, Ngài lại ra đi, dân làng lập đền thờ Ngài ở một mảnh đất gò cao thuộc thôn Đại Phu, xã Liệp Tuyết ngày nay, cứ 36 năm mới mở hội múa hát một lần, gọi là hội hát Dô. Hội hát Dô được mở lần cuối cùng vào năm 1926. Người dân Liệp Tuyết cho biết, ngày xưa, với thời gian 36 năm mới mở hội một lần, hầu như mỗi người chỉ được xem hội hát Dô một lần trong đời.
Vào năm hội mở, trước đó các bậc bô lão trong làng làm lễ, lấy sách ở đền, chọn nam thanh nữ tú, lứa tuổi 11 - 14, gia đình “sạch bụi” (không có tang), dạy cho điệu hát Dô. Đến ngày hội, từ ngày mùng 10 cho đến 15 tháng Giêng, 5 thôn khênh kiệu vào làm lễ Cáo tế. Sau đó, thôn anh cả vào hát trước, rồi đến thôn anh hai, anh ba… Cứ lần lượt hát như thế đến ngày 15 tháng Giêng thì làm lễ giã hội, sách vở lại được cất vào tráp, không ai được nhắc lại. Nếu nhắc lại sẽ bị Thánh phạt. Đó chính là lời nguyền (tục hèm) lúc bấy giờ. Chính vì tục hèm đó và quãng thời gian 36 năm giữa hai lần hội mà cả một thời gian khá dài, hát Dô chỉ được lưu truyền trong trí nhớ của lớp người đã từng tham gia hội hát Dô trước đó chứ không được truyền dạy cho con cháu. Bà Lan cho biết, đến cuối những năm 80 của thế kỷ trước, người dân Liệp Tuyết không biết hát Dô là gì, trừ những cụ tham gia hội Dô năm 1926 vẫn còn sống. Hát Dô đã từng đứng trước nguy cơ mai một.
Nối lại điệu hát Dô
Năm 1989, Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tây (cũ) kết hợp với Trung tâm Văn hóa huyện Quốc Oai về Liệp Tuyết tìm lại điệu hát Dô xưa và mở một lớp truyền dạy hát Dô tại xã. Lúc ấy, bà Lan đang là Chủ tịch hội phụ nữ xã, được Đảng ủy và chính quyền xã giao cho nhiệm vụ đi lấy người hát, bà đã tập hợp được 24 người hát là thanh niên, phụ nữ và người trung tuổi. Lớp học đã mời 3 cụ là cụ Tạ Văn Lai, cụ Đàm Thị Điều và cụ Kiều Thị Nhuận từng tham gia hát Hội đền Khánh Xuân năm 1926 tham gia truyền dạy.
Những buổi đầu tiên học hát Dô rất khó khăn - bà Lan nhớ lại. Ban ngày thì đi làm, tối lại rủ nhau đi học hát. Hợp tác xã lúc bấy giờ trả công cho lớp hát Dô bằng thóc, mỗi ngày 15 cân. Phương pháp dạy chủ yếu là truyền miệng, không có sách vở gì, hơn nữa các cụ phát âm không rõ, lời hát láy đi láy lại nhiều lần rất khó học. Chính bà Lan đã từng nghĩ, có khi đành bỏ dở. Sau đó bà xin các cụ viết lời hát ra giấy, từng câu từng chữ để học cho dễ…
Sau khi tập hợp tương đối đầy đủ, CLB hát Dô xã Liệp Tuyết được thành lập. Trải qua không ít khó khăn, đến nay, CLB có khảng 30 thành viên. Năm 2003, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận CLB hát Dô Liệp Tuyết là địa chỉ văn nghệ dân gian; tặng Bằng khen cho bà Nguyễn Thị Lan vì đã có công khôi phục và duy trì hát Dô. Hội cũng truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian cho cụ Kiều Thị Nhận, tặng Bằng khen cho cụ Tạ Văn Lai. Cùng thời gian này đền Khánh Xuân cũng đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Từ chỗ hầu như người dân Liệp Tuyết không biết hát Dô là gì, đến nay hát Dô đã trở thành sinh hoạt văn hóa thường xuyên của người dân nơi đây. CLB hát Dô Liệp Tuyết cũng đã giới thiệu hát Dô tới nhiều vùng trong tỉnh, trong cả nước. Hát Dô ngày nay không chỉ bó hẹp trong lễ hội đền Khánh Xuân mà có sức sống lan tỏa trong cộng đồng, góp phần khôi phục, bảo tồn một loại hình di sản văn hoá phi vật thể quý giá của địa phương.