Nơi giành chính quyền sớm nhất

Từ Khôi 01/09/2008 00:00

Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công đã mở ra một trang sử mới cho dân tộc Việt Nam. Từ một nước quân chủ, thuộc địa của Pháp, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai sinh. Sự kiện vĩ đại vang dội khắp hoàn cầu, nhưng ít có ai biết rằng: Chuỗi thành công được mở đầu từ một vùng quê ven dòng sông Cầu nên thơ của vùng đất Kinh Bắc. Đó chính là xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang.

Nơi giành chính quyền sớm nhất ảnh 1

      Bản chỉ thị nổi tiếng
      Đầu năm 1945, nạn đói trầm trọng. Hàng trăm người bị chết đói trong các làng xóm, phố chợ. Lòng căm thù giặc của nhân dân trong cả nước nói chung và nhân dân huyện Hiệp Hòa nói riêng dâng lên tột đỉnh. Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, đêm 9.3.1945, Hội Nghị Ban thường vụ T.Ư mở rộng do đích thân Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì họp tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Kết thúc Hội nghị, ngày 12.3.1945, Tổng Bí thư Trường Chinh đã ra chỉ thị nổi tiếng: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Bản chỉ thị đã có tác dụng rất kịp thời, chỉ đạo và phát huy tinh thần độc lập sáng tạo của Đảng. Bản chỉ thị vạch rõ, kẻ thù chính lúc này của nhân dân là phát xít Nhật. Khẩu hiệu hành động của toàn Đảng toàn dân là: “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói”, nhằm tập hợp quần chúng để đánh đuổi phát xít Nhật, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân và: “Nơi nào có điều kiện thì phát triển chiến tranh du kích, giành chính chính quyền ở địa phương”. 
      Sau khi dự Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, đồng chí Lê Thanh Nghị, chỉ đạo phong trào chống Nhật ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên, và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Bí thư Ban cán sự Đảng Bắc Giang nhận lệnh của Tổng Bí thư Trường Chinh về ngay Hiệp Hòa để chỉ đạo trực tiếp phong trào. 
      Nơi giành chính quyền sớm nhất
      Hai đồng chí Lê Thanh Nghị và Nguyễn Trọng Tỉnh trên đường đi dự Hội nghị Ban Thường vụ về qua thôn Xuân Biều, thuộc xã Xuân Cẩm, nằm ở phía Tây Nam của Huyện Hiệp Hòa, thấy chính quyền địch ở đây rệu rã đã quyết định phát lệnh khởi nghĩa giành chính quyền. Địa thế của xã Xuân Cẩm khá “nhạy cảm”: vượt sông Cầu là sang địa phận của huyện Sóc Sơn. Từ Xuân Cẩm cũng có thể ngược sông Cầu qua xã Mai Trung, xã Hợp Thịnh để lên Thái Nguyên hoặc cũng có thể xuôi sông Cầu và đường bộ qua xã Hương Lâm để sang địa phận huyện Yên Phong, Từ Sơn, Bắc Ninh.
      Ông Nguyễn Hồng Tề (83 tuổi) - nguyên tự vệ Xuân Cẩm kể: “Chiều ngày 12.3.1945, các đồng chí Lê Thanh Nghị, Nguyễn Trọng Tỉnh, Hà Thị Quế, Lê Thị Thuận (tức Thái Bảo), Phạm Yên... dời nơi ở của mình (nhà ông Nguyễn Văn Đĩnh) đến họp tại đình Xuân Biều bàn kế hoạch khởi nghĩa. Chúng tôi đứng gác ở bên ngoài”. Thực hiện kế hoạch khởi nghĩa cướp chính quyền, tự vệ bí mật tiếp cận lý trưởng Nguyễn Văn A để tước bằng, triện, giấy tờ. Lấy được bằng, triện, ngay lập tức tối hôm đó, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại đình làng Xuân Biều. Có hơn 70 tự vệ và 300 quần chúng tham gia. Đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh tuyên bố thủ tiêu chính quyền địch, thành lập chính quyền cách mạng và kêu gọi nhân dân đứng lên thực hiện khẩu hiệu: Phá kho thóc để cứu đói... đồng thời động viên nhân dân đoàn kết đấu tranh chống địch cướp thóc, thu thuế, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ chính quyền cách mạng. Ông Hồng Tề cho biết: “Tại buổi míttinh, 5 người được cử vào Ủy ban Dân tộc giải phóng do đồng chí Nguyễn Bá Minh (tức Kiểm Ê) làm Chủ tịch được công bố. Đến nay cả 5 đồng chí trong ủy ban đã mất”. 
      Ông Hồng Tề kể tiếp: Trước đông đảo nhân dân và lực lượng tự vệ, đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh thay mặt chính quyền cách mạng long trọng đọc lời thề danh dự:
      “1. Xin thề: Hết lòng trung thành với Cách mạng, dù có hy sinh cũng không lùi bước!
        2. Xin thề: Đoàn kết dưới ngọn cờ Việt Minh, chặt tan xiềng xích phát xít, phá tan gông cùm nô lệ!
        Tiến lên! Tiến lên! Việt Nam độc lập muôn năm!”.
      Hàng trăm người đồng thanh: “Xin thề”, “Tiến lên”, vang dậy cả một vùng, khí thế thật hào hùng, sôi nổi. Sự phấn khởi vui mừng lộ ra trên từng nét mặt. Sau này, đồng chí Lê Thanh Nghị ghi lại trong Hồi ký: “Không vui sướng làm sao được! Bao nhiêu năm hoạt động bí mật, phong trào ta đã đến lúc nhảy ra ánh sáng. Chính quyền cách mạng lần đầu tiên thành lập ở xã nhỏ bé này cho thấy tất cả sức mạnh của Đảng, của nhân dân. Điều mà Đảng vừa quyết định chiều qua, nay đã thành sự thật”.

      Ngọn lửa cách mạng lan rộng
      Được đà, ngay hôm sau, ngày 13.3.1945, nhân dân xã Trung Định (nay là Mai Trung), liền kề Xuân Cẩm, đứng lên cướp chính quyền, tịch thu được hết thóc lúa, súng đạn thuốc men, tù nhân chính trị và thường phạm được giải phóng. Tổng Bí thư Trường Chinh đã cho in bài viết phản ánh sự kiện này trên báo Cờ Giải phóng (số 12.1945). Theo đà chiến thắng, các xã dọc sông Cầu: Hợp Thịnh, Quang Minh, Thái Sơn, Hòa Sơn và Hoàng Vân nối nhau đứng lên giành chính quyền tạo thành một vùng giải phóng liên thông trong huyện. Tài liệu lưu trữ tại Phòng Tuyên giáo Hiệp Hòa cho biết: ngày 16.3.1945, một cuộc míttinh lớn khoảng 1.000 người được tổ chức tại chợ Vân có sự tham gia và thị uy của các đội tự vệ chiến đấu ở hai tổng Hoàng Vân, Ngọc Thành và khu vực ấp Ba Huyện. Sau cuộc míttinh, đoàn người biểu tình kéo qua đồn Trị Cụ, thẳng đến đồn điền Cọ, phá kho thóc. Bọn lính mới được tăng cường về đây rất hoang mang. Trước tình hình ấy, tên Chánh Bảo an Bắc Giang điện cho tên đồn trưởng Trị Cụ: “Chống được với Việt Minh thì chống. Không chống được thì nhanh chóng rút về Thái Nguyên”. 
      Trong khi cao trào cách mạng đang lên cao thì Trung ương chọn Hiệp Hòa làm nơi để tổ chức Hội nghị quân sự Cách mạng Bắc Kỳ lần thứ nhất. Dự Hội nghị có nhiều đồng chí cán bộ cấp cao như: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị... do đích thân Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì. Hội nghị họp từ ngày 15-20.4.1945 tại nhà ông Lý Đông (Ngô Văn Đông) ở làng Liễu Ngạn, tổng Hoàng Vân. Tại Hội nghị, Trung ương đã đặt nhiệm vụ quân sự vào vị trí đặc biệt quan trọng, cấp thiết để chuẩn bị tiến tới Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Hội nghị đã quyết định: thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, phát triển các đội tự vệ chiến đấu, mở trường đào tạo cấp tốc cán bộ quân sự, chính trị và xây dựng 7 chiến khu lớn trên cả nước...
      Trước sự lớn mạnh của chính quyền cách mạng nên ngày 27.5.1945, tri huyện Thái Vĩnh Thịnh hoảng sợ và xin gặp cán bộ Việt Minh xin quy thuận và đã làm nội ứng khi quân cách mạng tiến công huyện lỵ vào tối 1.6.1945.  Hiệp Hòa giành chính quyền hoàn toàn. Từ đây, các tiểu đội chiến đấu được trang bị vũ khí tốt thu được tỏa đi các huyện trong tỉnh và các tỉnh thành lân cận: Thái Nguyên, Bắc Ninh và Hà Nội giành chính quyền...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nơi giành chính quyền sớm nhất
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO