Di tích khảo cổ học Bãi Cọi, Hà Tĩnh

Nơi gặp gỡ các nền văn hóa

- Thứ Năm, 19/11/2020, 06:28 - Chia sẻ
Được phát hiện năm 1974, sau đó là nhiều đợt thám sát và khai quật, Di tích khảo cổ học Bãi Cọi đang dần hé mở, mang đến những thông tin khá thú vị trong việc tìm hiểu đời sống con người và nền văn hóa Sa Huỳnh - Đông Sơn thời sơ sử.

Phát lộ phong phú   

Di tích khảo cổ học Bãi Cọi là cụm di tích bao gồm Bãi Cọi và các địa điểm xung quanh như Bãi Lòi, Bãi Phôi Phối, thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Đầu năm 1974, Viện Khảo cổ học khảo sát địa bàn này và đã phát hiện nhiều hiện vật đá, gốm, đồng, với nhận xét nơi đây có thể là khu mộ táng thuộc văn hóa Đông Sơn. Sau đó, vào năm 1976, đặc biệt là năm 2008 - 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh “đánh thức” cụm di tích Bãi Cọi với các phát hiện mới. Đó là sự phát lộ phong phú, đủ loại hình đồng, sắt, thủy tinh, đất nung, gốm phần nào cho thấy sự gần gũi trong cách thức mai táng mộ đất của cư dân Sa Huỳnh và cư dân Bãi Cọi.

Thạp đồng Đông Sơn bên trong có chứa bình gốm Sa Huỳnh
Ảnh: Hồng Hà

Cuối năm 2012, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, Bảo tàng Hà Tĩnh và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc khai quật lần thứ ba di tích Bãi Cọi, phát hiện 15 mộ với số lượng đồ tùy táng phong phú. Chương trình hợp tác này đã làm sáng tỏ nhiều bí ẩn, cho thấy Bãi Cọi thuộc văn hóa Sa Huỳnh vùng Trung bộ, có sự du nhập của văn hóa Đông Sơn (miền Bắc) và văn hóa đồ sắt Trung Quốc.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Nguyễn Văn Toàn cho biết, theo những quan niệm trước đây, không gian phân bố của văn hóa Sa Huỳnh nằm trải dài từ vùng Quảng Bình đến Đông Nam Bộ, trong đó tập trung ở vùng Trung và Nam Trung Bộ. Trên vùng đất Bắc Trung Bộ không hề có dấu tích của nền văn hóa này, đây là khu vực thuộc không gian văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa không kém phần nổi tiếng cùng thời ở nước ta.

Tuy nhiên, qua các cuộc khai quật di tích Bãi Cọi đã buộc các nhà nghiên cứu phải có cách nhìn khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng, trong mối quan hệ qua lại nhiều chiều của văn hóa Sa Huỳnh với các văn hóa đương đại ở Việt Nam và Đông Nam Á, thì bóng dáng văn hóa Đông Sơn để lại sâu đậm nhất. Ngoài khu đệm Quảng Bình - Thừa Thiên Huế mà chúng ta nhận thức được qua bộ hiện vật Đông Sơn như rìu, xéo, giáo, dao găm đồng trong các di tích tại Quảng Bình, bóng dáng Đông Sơn còn in đậm ở nhiều địa điểm khác trong văn hóa Sa Huỳnh như Điện Bàn (Quảng Nam), Tam Kỳ (Quảng Ngãi), Phước Hải (Khánh Hòa), Bàu Hòe (Bình Thuận)… Ngược lại, Sa Huỳnh cũng để lại trong văn hóa Đông Sơn những nét đặc trưng nhất như khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, hay táng tục mộ vò, chum…

Giao thoa và tiếp biến

Chia sẻ tại khai mạc trưng bày “Bãi Cọi - Nơi gặp gỡ các nền văn hóa” sáng 18.11, Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Tĩnh Trần Phi Công cho biết, từ kết luận qua những đợt thám sát và khai quật, cụ thể hơn là quá trình lựa chọn, xây dựng nội dung và hiện vật trưng bày, có thể thấy điểm nhấn thể hiện sự gặp nhau của các nền văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh là một số hiện vật đặc biệt trưng bày độc lập tại đây.

Tiêu biểu là thạp đồng Đông Sơn bên trong đặt một bát đồng thời Hán và một bình gốm Sa Huỳnh. “Đây là cụm hiện vật mới sưu tầm của Bảo tàng Hà Tĩnh tại di tích Bãi Cọi thể hiện rõ nét nhất ý tưởng của sự giao thoa, tiếp biến. Độc đáo ở chỗ, trên chiếc bình chất liệu gốm Sa Huỳnh có trang trí hoa văn thời Đông Sơn, niên đại từ 2.500 - 2.000 năm cách ngày nay”, ông Trần Phi Công nhận định.

Trong hơn 150 hiện vật, tư liệu thuộc sưu tập hiện vật Bãi Cọi lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Hà Tĩnh được giới thiệu dịp này còn có hiện vật bình gốm với chất liệu ảnh hưởng của văn hóa Sa Huỳnh, vai bình có viền họa tiết văn chấm cuống rạ và hình chữ S khắc chìm đối nhau là đặc điểm nổi bật của nền văn hóa Đông Sơn. Theo ông Trần Phi Công, đây là hiện vật rất nhỏ song giá trị của nó được đánh giá cao bởi sự giao thoa khá sắc nét giữa chất liệu và hình thức thể hiện.

Bên cạnh các hiện vật, mộ chum - một trong những táng thức điển hình, được coi là dấu hiệu nhận biết của văn hóa Sa Huỳnh tại các hố khai quật Bãi Cọi. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng phòng Nghiên cứu, sưu tầm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, qua 3 lần khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 17 mộ chum. So với những chum gốm của các di tích văn hóa Sa Huỳnh điển hình, chum gốm ở Bãi Cọi có kích thước nhỏ hơn, hình dáng biến đổi nhiều, chủ yếu là hình trái đào và hình trứng. Những mộ chum cỡ lớn được chôn theo phương thức đào huyệt hình tròn sau đó đặt chum vào giữa phủ đất ngang vai chum và chôn các đồ tùy táng xung quanh.  

Tại di tích Bãi Cọi, mộ huyệt đất có niên đại muộn hơn so với mộ chum, với đồ gốm tùy táng được đập vỡ một cách cố ý xếp, chèn quanh di cốt. Hình thức này rất gần gũi với táng thức mộ huyệt đất ở di tích Làng Vạc (Nghệ An), một di tích thuộc văn hóa Ðông Sơn. Đồ gốm tùy táng trong mộ huyệt đất tại di tích Bãi Cọi có những hiện vật mang đặc trưng đồ gốm văn hóa Đông Sơn với văn chải thô, văn thừng, văn đập... và một số đồ tùy táng thuộc các loại hình bình, nồi, bát bồng... mang đặc trưng rõ nét của văn hóa Sa Huỳnh. “Những kết luận này chứng tỏ mối quan hệ, giao lưu, ảnh hưởng đặc biệt mật thiết giữa cư dân của hai nền văn hóa này tại di tích Bãi Cọi”, ông Nguyễn Văn Toàn khẳng định.

Hương Sen