Nội dung cơ bản của Luật Thi hành án hình sự
Luật Thi hành án hình sự gồm 15 chương, 182 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011. Nội dung cơ bản như sau:
Chương I. Những quy định chung
Chương này quy định những vấn đề chung về phạm vi điều chỉnh; bản án, quyết định được thi hành; nguyên tắc thi hành án hình sự; trách nhiệm phối hợp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án hình sự; giám sát việc thi hành án hình sự; phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự; hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự và những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự.
Chương II. Về hệ thống tổ chức; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự
Hệ thống tổ chức thi hành án hình sự có 3 loại. Một là, cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; Hai là, cơ quan thi hành án hình sự bao gồm trại giam thuộc Bộ Công an, trại giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu; cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; cơ quan thi hành án hình sự quân khu và tương đương; Ba là, cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự bao gồm trại tạm giam thuộc Bộ Công an, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, trại tạm giam cấp quân khu; UBND xã, phường, thị trấn; đơn vị quân đội cấp trung đoàn và tương đương.
Chương III. Thi hành án phạt tù
Mục 1 quy định về quyết định thi hành án phạt tù, thi hành quyết định thi hành án phạt tù; thủ tục hoãn chấp hành án phạt tù, thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù; hồ sơ đưa người bị kết án đến nơi chấp hành án phạt tù; chế độ tiếp nhận, quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo phạm nhân; thông báo tình hình chấp hành và phối hợp với gia đình phạm nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục, cải tạo phạm nhân; trả tự do cho phạm nhân và thi hành quyết định tiếp nhận, chuyển giao đối với người đang chấp hành án phạt tù.
Mục 2 quy định chế độ ăn, mặc, ở, cấp phát tư trang, hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chế độ gặp thân nhân, nhận quà, liên lạc và chăm sóc y tế đối với phạm nhân; chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi và giải quyết trường hợp phạm nhân chết.với phạm nhân, Điều 45 còn quy định riêng về chế độ đối với phạm nhân nữ có thai và nuôi con.
Mục 3 quy định thi hành án phạt tù đối với phạm nhân là người chưa thành niên, bảo đảm tính nhân đạo, sự phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần cho họ. Cụ thể, về chế độ quản lý giáo dục, học văn hóa, học nghề, lao động, phạm nhân là người chưa thành niên được giam giữ theo chế độ riêng phù hợp với sức khỏe, giới tính, lứa tuổi và đặc điểm nhân thân; được bố trí lao động ở khu vực riêng. Trại giam có trách nhiệm giáo dục phạm nhân là người chưa thành niên về văn hóa, pháp luật và dạy nghề phù hợp với độ tuổi, trình độ văn hóa, giới tính và sức khỏe, chuẩn bị điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng sau khi chấp hành xong án phạt tù.
Chương IV. Thi hành án tử hình
Chương này gồm 7 điều ( từ Điều 54 đến Điều 60), quy định về quyết định thi hành án tử hình; quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi hành án tử hình; chế độ quản lý giam giữ, ăn, mặc, ở, sinh hoạt, gửi và nhận thư, nhận đồ vật, tiền mặt, gặp thân nhân, chăm sóc y tế; hoãn thi hành án tử hình; hình thức và trình tự thi hành án tử hình; giải quyết việc xin nhận tử thi, hài cốt của người bị thi hành án tử hình.
Chương V. Về thi hành án treo, án phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ
Mục 1 quy định về quyết định thi hành án treo; thi hành quyết định thi hành án treo; nhiệm vụ của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; nghĩa vụ của người được hưởng án treo; việc lao động, học tập của người được hưởng án treo; thủ tục rút ngắn thời gian thử thách; thực hiện việc kiểm điểm người được hưởng án treo; bổ sung hồ sơ thi hành án treo; giải quyết trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc và trách nhiệm của gia đình người được hưởng án treo.
Mục 2 quy định về thi hành phạt cảnh cáo
Mục 3 quy định về quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; thủ tục thi hành quyết định thi hành án phạt cải tạo không giam giữ; nhiệm vụ của UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án; nghĩa vụ của người chấp hành án; việc lao động, học tập của người chấp hành án; thủ tục giảm thời hạn chấp hành án; thủ tục miễn chấp hành án; thực hiện việc kiểm điểm người chấp hành án; bổ sung hồ sơ thi hành án và trách nhiệm của gia đình người chấp hành án.
Chương VI. Thi hành án phạt cấm cư trú, quản chế
Mục 1 quy định thủ tục thi hành án phạt cấm cư trú. Mục 2 quy định thủ tục thi hành án phạt quản chế.
Về nghĩa vụ, người chấp hành án phạt cấm cư trú có các nghĩa vụ như không được cư trú ở những nơi đã bị cấm cư trú; chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật; phải có mặt theo yêu cầu của UBND cấp xã nơi người chấp hành án cư trú
Người chấp hành án phạt cấm cư trú có các quyền sau: khi có lý do chính đáng và được sự đồng ý của UBND cấp xã nơi bị cấm cư trú, thì người chấp hành án phạt cấm cư trú được đến địa phương đó; thời gian lưu trú do UBND cấp xã nơi đến quyết định, nhưng mỗi lần không được quá năm ngày; được lựa chọn nơi cư trú ngoài nơi đã bị cấm; khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì được UBND cấp xã nơi cư trú đề nghị miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú theo quy định của Luật này…
Chương VII. Thi hành án phạt trục xuất
Chương này quy định quyết định thi hành án phạt trục xuất; thông báo thi hành án phạt trục xuất; hồ sơ thi hành án phạt trục xuất; lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh; giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất bỏ trốn; thực hiện buộc rời khỏi lãnh thổ Việt Nam và chi phí trục xuất, với những nội dung cơ bản sau:
Về lưu trú trong thời gian chờ xuất cảnh, để bảo đảm việc thi hành án, trong thời gian chờ xuất cảnh, người chấp hành án phạt trục xuất phải lưu trú tại nơi được cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh chỉ định.
Đối với trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất đang tại ngoại thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải áp giải người chấp hành án phạt trục xuất đến cơ sở lưu trú. Trường hợp người chấp hành án phạt trục xuất đang bị tam giam thì sau khi nhận được quyết định thi hành án, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi tạm giam phải giao người chấp hành án phạt trục xuất cho cơ quan thi hành án hình...
Chương VIII. Thi hành án phạt tước một số quyền công dân
Chương này gồm 4 điều, quy định thủ tục thi hành án phạt tước một số quyền công dân; tước quyền bầu cử, ứng cử đại biểu cơ quan quyền lực nhà nước; tước quyền làm việc trong cơ quan Nhà nước và tước quyền phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân…
Chương IX. Thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định
Chương này quy định thủ tục thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định và trách nhiệm thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định. Các quy định tại Chương này tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc thi hành án phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án phạt này thời gian qua.
Chương X. Thi hành biện pháp tư pháp.
Chương này gồm 4 mục. Mục 1 quy định về thi hành biện pháp tư pháp. Mục 2 quy định về thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Mục 3 quy định thi hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên. Mục 4 quy định về thi hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên.
Chương XI. Kiểm sát thi hành án hình sự
Chương này quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát thi hành án hình sự; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giải quyết kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu, thi hành quyết định của Viện kiểm sát về thi hành án hình sự.
Chương XII. Bảo đảm điều kiện cho hoạt động thi hành án hình sự
Chương này quy định về bảo đảm biên chế, cán bộ thi hành án hình sự; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thi hành án hình sự; trang bị và sử dụng vũ khí, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ trong thi hành án hình sự; cơ sở dữ liệu về thi hành án hình sự; bảo đảm kinh phí cho hoạt động thi hành án hình sự và chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án hình sự.
Chương XIII. Về giải quyết KNTC trong thi hành án hình sự
Mục 1 quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong thi hành án hình sự với những nội dung cơ bản như quyền khiếu nại trong thi hành án hình sự; thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án hình sự trong Quân đội nhân dân; quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại trong thi hành án hình sự; quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại trong thi hành án hình sự.
Mục 2 quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong thi hành án hình sự đối với những nội dung cơ bản như người có quyền tố cáo trong thi hành án hình sự; quyền và nghĩa vụ của người tố cáo; quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo; thẩm quyền, thời hạn và thủ tục giải quyết tố cáo và trách nhiệm của người có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Chương XIV. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước trong quản lý công tác thi hành án hình sự
Chương này quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong quản lý nhà nước về thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong quản lý công tác thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện trong thi hành án hình sự.
Chương XV. Điều khoản thi hành
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011
Tài liệu Văn phòng Chủ tịch nước