Nỗi đau từ "rốn" bão!

- Thứ Bảy, 17/10/2020, 07:01 - Chia sẻ
“Nhân dân đang cần chúng ta đến, thì bất luận có hy sinh cũng phải đến”. Trung tướng Nguyễn Doãn Anh xúc động nhắc lại câu nói cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV (Quảng Bình), người chỉ huy Đoàn công tác làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn đã ra đi mãi mãi trong vụ sạt lở đất nghiêm trọng ở khu vực thủy điện Rào Trăng 3, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa qua.

Cơn bão số 6 đã gây nên những cơn mưa lớn, cực đoan, đổ xuống các tỉnh thành miền Trung. Hàng trăm nghìn ngôi nhà của đồng bào miền Trung ngập chìm trong nước lũ, hàng chục người chết và mất tích. Lũ quét, sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3 đã trở thành nỗi đau ám ảnh…

Sau khi nhận được thông tin 17 công nhân của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 bị mất tích do lũ quét trong bối cảnh nhiều khu vực bị cô lập, đường đi hết sức khó khăn, Đoàn công tác của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên Huế lên đường tìm kiếm, cứu nạn. Do thời tiết xấu, tuyến đường duy nhất bị sạt lở nên đoàn dừng chân tại lán Trạm Kiểm lâm Sông Bồ. Khoảng 0h15 phút sáng 13.10, xảy ra lũ quét, sạt lở núi ập xuống khu vực Đoàn đang nghỉ, 13 người, trong đó có Phó Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man bị vùi lấp, hy sinh.

Đến với vùng mưa lũ, sạt lở đó là mối hiểm nguy tính mạng, nhưng Đoàn công tác vẫn lên đường để cứu những công nhân gặp nạn. Đó không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sự thôi thúc tự thân của những cán bộ, chiến sỹ luôn sẵn sàng ra tuyến đầu dù hiểm nguy phía trước. Sự tàn khốc của thiên tai đã ập đến. 13 người trong Đoàn công tác đã ra đi mãi mãi, để lại nỗi đau không thể nói thành lời.

Các anh ra đi khi tuổi đời còn trẻ, các anh còn rất nhiều hoài bão, có nhiều nhiệm vụ phải làm, còn nhiều việc mà các anh vẫn còn trăn trở…

Với Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, tỉnh Quảng Bình, đồng bào và cử tri vẫn nhớ hình ảnh của anh ở nhiều điểm Chỉ huy, thị sát về vấn đề bão lũ. Anh đến với đồng bào, người dân vùng lũ để chia sẻ khó khăn, đôi khi là thùng mì tôm, là gói quà thấm đẫm tình quân - dân. Mối quan hệ quân - dân, mối quan hệ đại biểu - cử tri đã quện vào một, bởi một chữ “chân tình” ấm áp.

Gần gũi với nhân dân, với cử tri là vậy, nhưng trên diễn đàn Quốc hội, phát biểu của anh rất sắc sảo. Những vấn đề anh đặt ra đều gắn chặt với dân sinh. Còn nhớ, khi Quốc hội thảo luận về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ, từ thực tiễn giám sát về vấn đề này, anh thẳng thắn chỉ rõ, Chính phủ đánh giá về tình hình khiếu nại, tố cáo chưa đề cập tới tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc bồi thường thiệt hại về nhà ở, các công trình bị rạn nứt, sụt lún, hư hỏng do thi công Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1A; việc quy hoạch, nâng cốt Quốc lộ 1A nhiều điểm quá cao gây ngập lụt nhà dân khi mưa, lũ; bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung… Theo anh, thời gian qua khiếu nại, tố cáo về các công tác này khá nhiều. Vì vậy, để phản ánh đầy đủ thực trạng, Chính phủ cần bổ sung nội dung trên vào phần đánh giá tình hình khiếu nại, tố cáo. Trên diễn đàn Quốc hội, anh rất thẳng thắn, tại sao năm nào khi đánh giá tình hình khiếu nại, tố cáo cũng thấy khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ cao nhất? Mỗi lần đánh giá, chúng ta đều đề ra rất nhiều giải pháp nhưng rồi chuyển biến vẫn chậm? Trên cơ sở đó, anh đề nghị, Chính phủ cần tăng cường siết chặt kỷ cương quản lý Nhà nước về đất đai; rà soát, loại bỏ các quy định còn chồng chéo, thiếu thống nhất; công khai, minh bạch về quy hoạch, đầu tư, đấu thầu, giải phóng mặt bằng…

“Anh ấy đang trăn trở về những vấn đề chi tiết của dự án Luật Biên phòng Việt Nam sẽ được thảo luận trong kỳ họp sắp tới của  Quốc hội, về đồng bào biên giới…”, đây là chia sẻ của Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình về Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man.

Những vấn đề về người dân vùng lũ, về đồng bào biên giới, về những điều anh tâm huyết sẽ đóng góp trong xây dựng luật sắp tới bị dang dở… Sự ra đi đột ngột của anh đã để lại một khoảng trống, sự mất mát rất lớn đối với người thân, với Quốc hội, cử tri và đồng đội của anh.

Cử tri, đồng đội sẽ không bao giờ quên anh - người chỉ huy, đại biểu luôn sẵn sàng đến với người dân vùng lũ, sẵn sàng đến nơi hiểm nguy vì anh luôn xác định: “nhân dân đang cần chúng ta đến, thì bất luận có hy sinh cũng phải đến”.

Một lần nữa, những người ở lại xin được thắp nén hương thơm để dâng lên anh và những người đã mất, hy sinh trong trận cuồng nộ của thiên tai khốc liệt này.

Song Hà