Nối dài giá trị truyền thống
Tuy chưa nhiều, nhưng ngày càng có thêm các nhóm bạn trẻ âm thầm kết nối, tổ chức hoạt động bảo tồn di sản, không chỉ riêng nghệ thuật truyền thống.
“Có bạn gái nhà ở Phú Xuyên, Hà Nội, ngày ngày đi xe buýt mấy chục cây số vào trung tâm thành phố để học hát xẩm và chầu văn, rồi mua nhạc cụ về tự học thêm. Lúc học trong trường phổ thông, bạn ấy thích hát chèo nhưng không ai muốn nghe. Khi có nhóm chung sở thích thì bạn tự tin thể hiện những giai điệu xưa” - Đinh Thảo, thành viên điều hành dự án Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương kể. Từ năm 2014, Thảo cùng một số bạn bè xây dựng sân chơi nghệ thuật này, với mục tiêu đưa nghệ thuật truyền thống tới gần giới trẻ. Và bất ngờ là sau một khóa dạy hát chèo, nhiều bạn thích và muốn gắn bó lâu dài. Sau đó, dự án cố gắng duy trì các khóa nghệ thuật ngắn hạn, dạy hát chèo, xẩm, chầu văn; tổ chức sự kiện cộng đồng, ngày hội trải nghiệm văn hóa nghệ thuật, các chuyến đi điền dã; kết hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội tổ chức chương trình “Đưa chèo từ sân đình về sân trường”...
“Nếu không có các bạn trẻ trong lĩnh vực bảo tồn (di sản) thì sẽ rất nguy, vì một ngày nào đó chúng ta sẽ bị hòa tan trong xu hướng chung của thế giới và không còn bản sắc riêng”. Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam Phạm Sanh Châu |
Dần dần đông đảo học sinh, sinh viên đã quan tâm tới nghệ thuật dân gian. Đinh Thảo cho biết: “Những năm đầu tiên các bạn đến vì tò mò, sau đó thu hút nhiều bạn có cùng sở thích, đam mê. Hóa ra có nhiều cá nhân yêu thích nghệ thuật truyền thống nhưng chưa có đội nhóm nào để tham gia và phát huy tài năng. Chèo 48h như ngôi nhà chung để họ đến chia sẻ cùng nhau. Năm tới, dự án có những ý tưởng lớn hơn, đưa mô hình giáo dục nghệ thuật truyền thống vào trường học, xây dựng mô hình câu lạc bộ ở các trường đại học...”.
Theo NSƯT Đoàn Thanh Bình - người trực tiếp giảng dạy cho các bạn trẻ của dự án Chèo 48h: “Cứ nói là lớp trẻ “quay lưng”, nhưng tôi thấy nhiều em rất đam mê văn hóa dân gian. Thực tế việc diễn chèo hiện nay khá hiếm ở các làng xã. Khi đi diễn trích đoạn chèo Quan âm Thị Kính tại một đình làng ở Hà Nam, có cụ già nói 60 năm nay mới được thưởng thức vở chèo hay đến như thế! Nhiều em nhỏ bày tỏ rằng: Không cho chúng cháu xem, làm sao chúng cháu biết chèo, yêu chèo? Khi được xem, một số em rất thích và quyết tâm theo học. Do vậy, tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ nhóm lại với nhau, tích cực lan tỏa, giúp có thêm đông đảo người được xem và biết thưởng thức nghệ thuật truyền thống từ khi còn nhỏ”.
![]() Các bạn trẻ tham gia dự án Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương biểu diễn nghệ thuật truyền thống |
Nguồn: ITN |
Không chỉ dừng lại ở nghệ thuật truyền thống, cũng từ năm 2014, nhóm Đình làng Việt được thành lập trên mạng xã hội Facebook với mong muốn: “Cộng đồng chung tay gìn giữ các giá trị di sản đình làng”. Từ số ít chuyên gia và người yêu di sản, đến nay, nhóm đã có hơn 11 nghìn người từ khắp nơi trên cả nước tham gia, trong đó có nhiều người trẻ. Nhiều bạn từ mối quan tâm ban đầu đã tích cực tìm hiểu, nhận diện và quảng bá vẻ đẹp đình làng, phản ánh vấn đề liên quan ở địa phương khi có các hoạt động trùng tu, hay di sản đình làng xuống cấp, mai một. Ngoài quảng bá giá trị của ngôi đình, Đình làng Việt còn thành lập câu lạc bộ Áo dài nam truyền thống, Giáo phường biểu diễn nghệ thuật của cha ông từng diễn tại đình làng xưa... giúp các bạn trẻ có cơ hội tiếp cận sâu hơn về văn hóa truyền thống.
Nguyên tắc của UNESCO là sự lưu truyền di sản từ thế hệ này sang thế hệ khác và phải đào tạo. Nếu không, di sản chỉ tồn tại 1 - 2 thế hệ và biến mất. Ông Phạm Sanh Châu - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam bày tỏ: “Tôi cảm động khi nhìn thấy các nam thanh nữ tú của Việt Nam quan tâm đến bảo tồn văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa phi vật thể, đi tiên phong, chủ động làm công tác bảo tồn này một cách vô tư, phi lợi nhuận. Nếu nhiều bạn trẻ tham dự một chương trình DJ, bóng đá hay thời trang, điều ấy là dễ hiểu, bởi đó là xu thế của thời đại, là sự hội nhập của Việt Nam trên nhiều mặt. Nhưng các bạn trẻ tự mặc áo dài, tự học hát xẩm, ca trù và lưu truyền làm chúng ta xúc động vì thấy rằng bản sắc gốc của người Việt vẫn tồn tại và được thế hệ trẻ đánh giá cao, nhận diện, hiểu biết và muốn giữ gìn”.