Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Thái Anh 19/10/2016 08:09

Cách đây 4.500 năm, người Ai Cập đã biết xây dựng đê đập ngăn nước, kiểm soát dòng chảy của sông. Ngày nay, đập giúp con người bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước, ngăn lũ hay làm thủy điện. Quan trọng là thế nhưng nếu đập bị vỡ vì nguyên nhân chủ quan hay khách quan, hàng triệu mét khối nước đổ ập xuống có thể biến thành hung thần cuốn phăng tất cả.

Thiên tai gây họa

Thiên tai là một trong những nguyên nhân chính gây ra những vụ vỡ đập ám ảnh tới tận ngày nay. Trận động đất mạnh đã làm đổ sụp Vajont - một trong những con đập cao nhất thế giới tại Italy vào ngày 9.10.1963. Khoảng 270 triệu mét khối đất sạt xuống hồ chứa với tốc độ khoảng 110km/h, gây ra con sóng vọt qua con đập cao 262m đã dội thẳng vào làng Longarone và Pirago dưới hạ lưu chỉ trong tích tắc khiến 2.000 người thiệt mạng.

Hơn một chục năm qua, thảm họa vỡ đập Bản Kiều trên sông Hoài Nam, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc khiến người ta run sợ tới tận bây giờ. Được xây dựng năm 1952, Bản Kiều là đập thủy điện quy mô lớn đầu tiên của Trung Quốc. Tuy nhiên, siêu bão Nina đổ bộ năm 1975 đã khiến con đập không kháng cự nổi. 26.000 người chết vì lũ lụt và nước cuốn trôi, 45.000 người khác thiệt mạng do dịch bệnh và nạn đói sau đó; 11 triệu người trở thành vô gia cư. Đối với không ít người dân Trung Quốc, sự cố này thuộc hàng tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia.

Đập Teton, Mỹ bị vỡ năm 1976 Nguồn: Wikipedia
Đập Teton, Mỹ bị vỡ năm 1976 Nguồn: Wikipedia

 Bốn năm sau, ngày 11.8.1979, tại Ấn Độ, trận mưa lớn đã khiến đập Machchu-2 nằm trên sông Machhu bị vỡ do lưu lượng nước gấp 3 lần sức chịu đựng của công trình. Một bức tường nước khổng lồ, quét qua thị trấn Morbi đã cướp đi sự sống của khoảng 25.000 người. Vụ việc đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness như một thảm họa kinh hoàng nhất từng xảy ra trên thế giới. Trong quá trình tái xây dựng, con đập mới đã được tăng cường khả năng chịu đựng với lưu lượng lên đến 21.000m3/s, gấp hơn 4 lần thiết kế ban đầu.

Cách đây 5 năm, ngày 11.3.2011, trận động đất cấp 7 xảy ra ngoài khơi đông bắc Nhật Bản đã làm vỡ đập nước Fujinuma tại tỉnh Fukushima. Ước tính, 1 triệu rưỡi mét khối nước đổ ập về hạ lưu đã khiến gần trăm người thương vong và làm úng lụt 86,7ha đất nông nghiệp.

Gần đây nhất, trận siêu bão Matthew - cơn bão mạnh nhất trong gần 10 năm qua ở Caribean đã càn quét qua vùng đông nam nước Mỹ và phá hủy 25 con đập ở bang Nam Carolina. Mặc dù cả năm trước đó, bang đã tuân thủ các quy trình bảo đảm an toàn khá chặt chẽ. Bão Matthew khiến cho ngành bảo hiểm Mỹ phải đền bù thiệt hại lớn thứ hai từ trước đến nay, chỉ sau bão Katrina hồi năm 2005 với khoảng 30 tỷ USD.

Lỗi do con người

Trong nhiều trường hợp, đập vỡ không phải tại ông trời mà do chính sự bất cẩn, yếu kém và chủ quan của con người. Gleno - đập thủy điện được xây dựng trên sông Gleno ở Valle di Scalve, Italy là một ví dụ điển hình. Được xây từ năm 1916 đến năm 1923, nhưng chỉ 40 ngày sau khi nước được chứa đầy phần lòng hồ, một phần lớn của đập đã vỡ vào ngày 1.12.1923 khiến 356 người thiệt mạng. Theo những điều tra sau đó, do thiếu kinh phí nên các nhà thầu thay đổi thiết kế từ đập bê tông chịu lực sang đập nhiều tầng, không phù hợp với các hạng mục được thi công từ trước. Ngoài ra, việc sử dụng xi măng không đúng tiêu chuẩn và thi công tắc trách cũng là nguyên nhân gây ra thảm họa.

Đập đất Kelly Barnes, bang Georgia, Mỹ bị vỡ ngày 6.11.1977 khiến gần 40 người chết và thiệt hại gần 4 tỷ USD cũng là một bài học nhớ đời về sự bất cẩn của con người. Theo điều tra, nguyên nhân dẫn đến sự cố là khi xây dựng, các kĩ sư đã tính toán sai về độ dốc mái đập. Nó đã làm thay đổi trọng tâm và khả năng chịu lực của con đập trong điều kiện trời mưa lớn.

Ngoài ra, ngày 5.6.1976, đập Teton, trị giá 100 triệu USD do Chính phủ Mỹ xây dựng ở phía đông nam Idaho đã bị vỡ sau khi đang tích nước vào hồ chứa lần đầu tiên. Một loạt thị trấn dưới hạ lưu như Rexburg, Sugar City, Madison... ngập nặng. 11 người chết và thiệt hại kinh tế lên tới 2 tỷ USD là cái giá quá đắt. Nguyên nhân được xác định là do xử lý địa chất không đạt yêu cầu, nước hồ dâng cao tạo thành dòng thấm mạnh, đập bị xói ngầm nghiêm trọng rồi bị vỡ.

Nếu nhìn lại vào quá khứ, vụ vỡ đập South Fork, Johnstown, Pennsylvania năm 1889 từng được coi là một trong 10 thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Thực tế, trước khi sự cố xảy ra, nhiều người dân sống ở khu vực lân cận đã tỏ ra lo ngại về sự an toàn của nó nhưng nhà chức trách không chú ý trong nhiều năm liền. Cho đến một hôm nước tràn đập và bắt đầu công cuộc tàn phá khủng khiếp khiến 2.209 người thiệt mạng. Hiện nay có khoảng 79.000 nghìn con đập trên toàn nước Mỹ, 56% trong số đó thuộc quyền sở hữu tư nhân. Vì vậy, nhiều người lo sợ rằng một số chủ sở hữu, không có đủ năng lực tài chính hoặc có tinh thần trách nhiệm để duy trì đập đúng cách.

Cũng tại châu Mỹ, ngày 5.11 năm ngoái, con đập chứa nước thải từ mỏ quặng sắt Germano gần thị trấn Mariana, bang Minas Gerais tại Brazil bị vỡ, tàn phá một thị trấn gần đó khiến hàng chục người thiệt mạng. Do nằm gần sông Gualaxo do Norte nên nước ở đây bị ô nhiễm nặng. Chính công ty khai thác khoảng sản Samarco đã gây ra vụ tai nạn trên và bị chính quyền phạt 67 triệu USD.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nỗi ám ảnh kinh hoàng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO